CafeLand – Liên tiếp hai vụ nổ tại cảng Beirut làm rung chuyển thủ đô Lebanon, các tòa nhà xung quanh đó bị phá huỷ, đường phố trở thành bãi chiến trường. Những ngôi nhà đổ sụp và chôn vùi cả gia đình trong khu người nghèo gần bến cảng.

Thảm họa kinh hoàng

Vụ nổ tạo ra quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời, san phẳng khu cảng và càn quét thành phố, khiến những mảnh vỡ cửa kính văng xa hàng km.

Theo trung tâm khoa học địa chất Đức GFZ, vụ nổ có sức mạnh tương đương một trận động đất 3,5 độ richter. Dư chấn của vụ nổ còn được cảm nhận bởi người dân dọc bờ biển Địa Trung Hải ở Beirut và vùng ngoại ô đất liền cách đó hàng km. Theo đó, tại Síp, hòn đảo trên Địa Trung Hải cách bờ biển Beirut 180 km, người dân cũng nghe thấy tiếng nổ.

Theo phân tích của ông Jeffrey Lewis, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Mỹ, vụ nổ kho chứa 2.750 tấn phân bón tại thủ đô Beirut của Lebanon tạo ra sức công phá ngang 240 tấn thuốc nổ TNT.

Đến sáng 6/8, giới chức Lebanon xác nhận số người thiệt mạng vì thảm kịch đã tăng lên con số 135, trong khi số người bị thương là hơn 5.000. Số thương vong được dự kiến sẽ tiếp tục tăng, trong bối cảnh hàng trăm gia đình vẫn báo cáo người thân đang mất tích.

Chính phủ Lebanon đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài hai tuần ở Beirut, yêu cầu quân đội quản thúc tại gia tất cả quan chức phụ trách lưu trữ hàng hóa và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014.

Nguyên nhân thảm kịch

Ngày 5/8, Reuters dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Lebanon cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ nổ 2.750 tấn chất hoá học ammonium nitrate tại nhà kho cảng Beirut ở Lebanon chiều 4/8 là do "thiếu hành động và sơ xuất trong công tác lưu trữ vật liệu nổ".

Cả Thủ tướng Lebanon Hassan Diab và Tổng thống Michel Aoun trước đó đều lên tiếng khẳng định khối chất hoá học khổng lồ, vốn được sử dụng làm phân bón, nhưng cũng là thành phần chính của mìn khai khoáng và được ví như "bom phân bón", được lưu trữ tại kho ở cảng Beirut suốt 6 năm qua.

"Đây là một sơ suất", một nguồn tin chính thức nói với Reuters. Nguồn tin này nói rằng một đám cháy đã xảy ra tại nhà kho 9 ở cảng Beirut vào ngày 4/8, sau đó lan ra nhà kho số 12. Đây là nơi lưu trữ khối ammonium nitrate.

Nguồn tin khác của Reuters khẳng định một nhóm chuyên gia đã kiểm tra kho vật liệu tại cảng Beirut từ 6 tháng trước và cảnh báo chúng có thể khiến thủ đô của Lebanon bị nổ tung nếu không được di chuyển, song không có hành động nào được thực hiện.

Đúng như cảnh báo, khi khối "bom phân bón" phát nổ, toàn bộ thủ đô Beirut đã rung lên bần bật, một mảng cảng bị thổi bay, nhà cửa bị xé toạc, mảnh vỡ của xe cộ và cửa kính vương vãi khắp nơi, hơn 250.000 người mất nhà cửa chỉ sau tích tắc.

Khối chất hoá học nguy hiểm nói trên cập cảng từ năm 2013 trên tàu chở hàng Rhosus mang cờ Moldova. Sau quá trình kiểm tra, tàu Rhosus bị cấm ra khơi do không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật. Con tàu sau đó bị bỏ rơi còn lô hóa chất được chuyển vào kho từ năm 2014.

Cảnh hoang tàn ở cảng Beirut sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: CNN/Planet Labs

Người dân tại Beirut càng phẫn nộ hơn khi biết thảm họa đã được cảnh báo nhiều lần trước đó. Theo Badri Daher, Tổng cục trưởng Hải quan Lebanon, cơ quan của ông đã nhiều lần gửi cảnh báo về chất nguy hiểm đang được cất trữ ở cảng Beirut đến cơ quan tư pháp.

Trả lời trên LBCI, Daher nói tổng cộng 6 văn bản đã được gửi đi. Ông khẳng định hải quan đã đề nghị cho xuất số hóa chất tịch thu nhưng phía tư pháp không phản hồi.

Một nguồn tin khác cho biết một vài ủy ban và thẩm phán Lebanon đã được cảnh báo về sự tồn tại của kho hóa chất này nhưng không ai động tay để tiêu hủy chúng. Reuters dẫn nguồn thạo tin giấu tên tiết lộ kho hàng còn được thanh tra thêm lần nữa vào 6 tháng trước. Đội thanh tra cảnh báo nếu lượng hóa chất dễ nổ không được di dời thì chúng sẽ "thổi tung cả Beirut".

Lời cảnh báo đã trở thành sự thật, tạo thành chuỗi ngày đau thương của Lebanon vào ngày 4/8.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Vụ nổ khủng khiếp xảy ra giữa lúc Lebanon đang kiệt quệ vì khủng hoảng liên miên do đại dịch Covid-19, biểu tình cùng nền kinh tế đang tê liệt, đẩy gần một nửa dân số vào cảnh nghèo đói. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm, các cuộc xung đột khu vực.

Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp. Trước đó vào tháng 3, quốc gia này tuyên bố không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tổng nợ chính phủ của Lebanon hiện là 92 tỷ USD, gần 170% GDP và là một trong số mức nợ cao nhất thế giới.

Beirut hồi tháng 5 tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đảm bảo gói trợ cấp quan trọng theo kế hoạch giải cứu nền kinh tế mà chính phủ thông qua. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó.

Đồng tiền Lebanon mất giá gần 80% trên thị trường chợ đen. Giá thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên với tốc độ chóng mặt. Nền tài chính của đất nước suy yếu. Lạm phát cùng nghèo đói lan rộng đẩy xã hội đến ngưỡng chịu đựng. Đại dịch Covid-19 ập đến khiến khó khăn thêm chồng chất.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.