Tỉ phú George Soros vừa kêu gọi Chính phủ Đức đưa khu vực đồng tiền chung châu Âu ra khỏi khủng hoảng bằng thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra một cơ quan tài khóa chung, bảo lãnh cho trái phiếu chung của khu vực.

Tỉ phú George Soros - Ảnh: FT

Ngược lại, Đức nên rời khối đồng tiền chung này để đảm bảo tương lai cho châu Âu.

Không nên theo chính sách "thắt lưng buộc bụng"

Theo tỉ phú George Soros: “Nếu Chính phủ Đức cứ khăng khăng đòi theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng, nhất quyết duy trì lập trường giảm phát như hiện nay thì xét ra tốt hơn trong thời gian dài về sau là nên ra đi khỏi khối này”.

Trước đó, vào đầu tháng 5 năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố vẫn bảo vệ các biện pháp khắc khổ do chính bà và cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất nhằm cứu vãn cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro, bất chấp kết quả sơ bộ các cuộc bầu cử diễn ra tại Pháp và Hi Lạp với chiến thắng thuộc về ứng cử viên hoặc các đảng chủ trương phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Mặc dù ủng hộ việc nhất thể hóa của châu Âu, song Soros cũng là người công khai chỉ trích cách giải quyết khủng hoảng của Đức từ năm 2010. Nhiều người dân Đức cũng đã phản đối chính sách thuế và cắt giảm ngân sách trị giá 36,11 tỉ USD, nhằm đưa thâm hụt liên bang về giới hạn của Liên minh châu Âu vào năm 2013.

Mặc khác, Soros đề cao việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch mua trái phiếu không giới hạn nhằm chống khủng hoảng.

Việc yêu cầu các nước như Tây Ban Nha và Ý theo đuổi thêm các điều kiện thắt lưng buộc bụng có nguy cơ gây chia rẽ trong khối euro, giữa các nước con nợ và các nước chủ nợ.

Trùm tài phiệt 82 tuổi này cũng bày tỏ quan ngại là sự chia rẽ sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của khối đồng tiền chung cũng như thị trường chung và khối Liên minh châu Âu trong phát biểu vào tối thứ hai vừa qua ở Berlin, Đức.

“Có lẽ việc Đức ra đi sẽ là một đòn tồi tệ về mặt chính trị. Tất cả những người ủng hộ khối Liên minh châu Âu mà tôi biết chắc chắn sẽ sốc với ý tưởng Đức nên rời bỏ đồng tiền chung. Sẽ là tốt hơn nếu Đức thay đổi quan điểm,” ông Soros nói.

Châu Âu cần một cơ quan tài khóa chung

Để ngăn cho cuộc đối đầu hiện tại giữa các nước chủ nợ và các nước con nợ trở thành vĩnh viễn, khu vực này cần một cơ quan tài khóa chung (EFA), một loại hình quỹ tiền tệ châu Âu, nhằm lãnh nhận những rủi ro từ hoạt động mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Soros cũng cho rằng khối đồng tiền chung euro nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu là 5%, với mức lạm phát cao hơn mức mà Ngân hàng Bundesbank của Đức cho phép. Nếu không có triển vọng tăng trưởng thì các nước con nợ sẽ kẹt trong “bẫy giảm phát” và cuối cùng sẽ bị ép vào cảnh vỡ nợ.

EFA cũng nên đảm đương hai quỹ cứu trợ khu vực tiền chung euro là Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỉ euro và Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 550 tỉ euro và thành lập một “quỹ giảm nợ”. Quỹ này hoạt động tương tự “quỹ chuộc nợ” được đề xuất bởi hội đồng cố vấn kinh tế cho Chính phủ Đức, sẽ mua các khoản nợ trái phiếu vượt trần 60% GDP, mức nợ trần được nhắm đến của các nước trong khối đồng chung euro. Sau đó, quỹ giảm nợ này sẽ phát hành “tín phiếu giảm nợ”, được xem như là tài sản thế chấp chất lượng cao của ECB và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ý tưởng bảo lãnh nợ chung cho khối đồng tiền chung euro vẫn là một vấn đề mà Chính phủ Đức kháng cự kịch liệt. Bà Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble đồng tình rằng điều đó không thể xảy ra trước khi có một “liên minh tài khóa” được thành lập ở châu Âu để giám sát các quy tắc về ngân sách.

“Nếu họ không thay đổi quan điểm đối với đồng euro, họ sẽ vô tình đẩy châu Âu vào một tình thế khó chịu. Mối bận tâm của tôi là đồng euro đang ngày càng đe dọa Liên minh châu Âu. Nếu đồng tiền chung đổ vỡ, châu Âu sẽ tệ hơn cả lúc trước khi đồng euro ra đời” - ông Soros nói.

Theo P. Thùy (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.