Trump có thể vướng vào cuộc chiến pháp lý kéo dài nếu ban bố tình trạng khẩn cấp để huy động tiền từ quân đội xây tường biên giới.

Trump phát biểu với các phóng viên trước Nhà Trắng sáng 10/1. Ảnh: AP.

Sau cuộc thương thảo bất thành với các nghị sĩ đảng Dân chủ ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua bay tới khu vực biên giới ở Texas, giáp Mexico và yêu cầu các quan chức Lầu Năm Góc xem xét sử dụng kinh phí phân bổ cho lực lượng công binh để xây bức tường biên giới trong trường hợp ông ban bố tình trạng khẩn cấp.

Bình luận viên Kaitlan Collins của CNN cho rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể được Trump coi là lối thoát duy nhất lúc này, khi các cuộc đàm phán với lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều lâm vào bế tắc.

Phe Dân chủ quyết không nhượng bộ trước đòi hỏi cấp ngân sách 5,7 tỷ USD để xây tường biên giới của Tổng thống, trong khi Trump gọi cuộc trao đổi với họ là "hoàn toàn lãng phí thời gian".

Ngay sau đó, Trump tuyên bố rằng sẽ "rất ngạc nhiên" nếu ông không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi không đạt được thỏa thuận với phe Dân chủ. "Chúng ta phải có một chiến thắng, hoặc là tôi sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp", ông chủ Nhà Trắng nói trước khi lên đường tới Texas.

Theo bình luận viên Kendall Heath của ABC News, Trump hoàn toàn có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để giúp ông có thêm quyền lực hành pháp theo các điều khoản của Đạo luật Các tình huống khẩn cấp Quốc gia năm 1976.

Đạo luật này không đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho "tình huống khẩn cấp quốc gia", nên việc định đoạt tùy thuộc vào tổng thống.

Kể từ khi đạo luật này được ban hành, các đời tổng thống Mỹ đã 58 lần ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó 31 lệnh vẫn còn hiệu lực. Một số lệnh đưa ra các quy định về kiểm soát xuất khẩu, thi hành các lệnh cấm vận kinh tế hay xử lý vấn đề nhân quyền.

Cựu tổng thống George W. Bush ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ba ngày sau vụ khủng bố 11/9/2001 và lệnh này tiếp tục được gia hạn hàng năm, kể cả dưới thời Trump.

"Tổng thống Trump về cơ bản có thể ban bố tình trạng khẩn cấp bất cứ lúc nào ông ấy muốn", Josh Blackman, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Luật Nam Texas, nói. "Quốc hội Mỹ không hạn chế sự toàn quyền hành động của tổng thống theo đạo luật này".

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, Trump có thể dẫn một số quy định trong Bộ luật Mỹ mà ông tin rằng có thể giúp ông có thẩm quyền xây tường biên giới. Điều 10 trong Bộ luật quy định trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, Bộ Quốc phòng "có thể thực hiện các dự án xây dựng" từ nguồn ngân sách được phân bổ cho hoạt động xây dựng trong quân đội, chẳng hạn như việc xây nhà cho gia đình quân nhân.

Luật pháp Mỹ cho phép Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có kinh phí xây tường biên giới. Ảnh: Extra.

Các chuyên gia ước tính lực lượng công binh Mỹ hiện có ngân sách 13 tỷ USD để thực hiện các dự án xây dựng doanh trại, nhà ở, nhưng 11 tỷ USD trong số đó đã được phân bổ vào các dự án, chỉ còn 2 tỷ USD chưa được phân bổ.

Bộ luật cũng cho phép Bộ Quốc phòng sử dụng nguồn ngân sách, nhân sự, thiết bị vốn phục vụ cho các hoạt động xây dựng dân sự để thực hiện dự án được coi là "quan trọng với an ninh quốc phòng", chẳng hạn như bức tường biên giới.

Ngân sách dành cho các hoạt động chống ma túy, chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới cũng có thể được huy động cho mục đích này.

Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính quyền Trump còn có thể dùng 2,5 tỷ USD vốn dành cho các dự án tái thiết ở Puerto Rico sau cơn bão Maria năm 2017 cũng như số tiền 2,4 tỷ USD khắc phục hậu quả lũ lụt, cháy rừng ở California để chi cho hoạt động xây tường.

Với toàn bộ số tiền này, Trump sẽ có nhiều hơn 5,7 tỷ USD mà ông từng đề xuất và có thể xây tường rào bằng cọc thép cao hơn 9 mét dọc đường biên giới dài hơn 3.200 km ở phía nam. Ông sẽ có cơ hội tuyên bố chiến thắng trước phe Dân chủ và hoàn thành một trong những cam kết tranh cử lớn nhất của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng hành động kiểu đơn phương và mang nặng quyền lực hành pháp kiểu này sẽ khiến Trump phải đối mặt với rất nhiều thách thức, có thể làm đổ vỡ những toan tính lớn của ông.

Quốc hội Mỹ có thể tìm cách cản trở Tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp bằng cách thông qua một đạo luật đình chỉ mệnh lệnh hành pháp này.

Tuy nhiên, Trump lại có quyền phủ quyết đạo luật đó, và quốc hội Mỹ từ trước tới nay chưa bao giờ bỏ phiếu ngăn cản việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chuyên gia Blackman nhận định Trump nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện trước tòa án liên bang cũng như tòa án tối cao. Những người lẽ ra được hưởng lợi từ các dự án tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai ở California có thể kiện chính quyền Trump khi nguồn ngân sách lẽ ra dành cho họ lại bị chuyển tới xây bức tường biên giới.

Các thẩm phán liên bang có thể ra phán quyết ngăn chặn việc điều chỉnh mục đích sử dụng của các nguồn ngân sách đã phân bổ, khiến dự án xây tường gặp nhiều trắc trở, thậm chí đình trệ.

Bức tường biên giới mà Trump định xây còn chạy qua phần đất sở hữu riêng của nhiều chủ nông trại ở biên giới và quá trình giải phóng mặt bằng có thể bị cản trở bởi đơn kiện của những chủ đất này. Khi hàng loạt đơn kiện được nộp lên, chính quyền Trump có thể vướng vào những cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài.

Người dân ở Texas biểu tình phản đối kế hoạch xây tường biên giới của Trump hôm 10/1. Ảnh: AP.

"Khi chứng kiến bức tường thép hoặc bê tông chạy qua đất của mình, nhiều chủ đất chắc chắn sẽ đệ đơn kiện. Họ sẽ lập luận rằng Tổng thống đưa ra lý do không thuyết phục để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia", William Galston, chuyên gia tại Viện Brookings, dự đoán những thách thức pháp lý mà Trump sẽ phải đối mặt khi quyết dùng quyền lực hành pháp để xây tường biên giới.

Thời điểm Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng sẽ bị nhiều người đặt câu hỏi. "Tình trạng an ninh mà chính quyền Trump mô tả như một ‘cuộc khủng hoảng’ không đột nhiên diễn ra trong một đêm, mà đã tồn tại từ nhiều tuần, nhiều tháng trước.

Nếu tình trạng khẩn cấp đó diễn ra vài tuần trước, tại sao đến giờ nó mới được Tổng thống ban bố?", John Cohen, cựu quyền trợ lý bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nói. "Nó làm dấy lên hoài nghi về việc đây có thực sự là tình huống khẩn cấp, hay chỉ là một chiến lược chính trị dựa trên sự bất đồng về quyền lực?"

Bởi vậy, Blackman cho rằng nếu quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây tường biên giới, Trump sẽ phải "nâng lên đặt xuống" và tính toán thiệt hơn rất kỹ càng, nếu không muốn gánh chịu những tác động ngược từ dư luận và bị coi là kẻ thua cuộc, điều Trump không thích một chút nào.

Thành Nguyễn (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.