Rời chức Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang về làm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) trong bối cảnh đơn vị này mang một cục nợ khổng lồ, lên đến cả ngàn tỉ đồng từ trước để lại, rõ ràng đây là một trọng trách không hề đơn giản đối với ông Huỳnh Thế Năng. Thế nhưng, điều mà dư luận quan tâm nhất là vì sao một đơn vị đầu ngành như Vinafood 2 lại lâm vào cảnh nợ nần như thế? Người quản lý mới sẽ phải làm gì để xử cục nợ đó? Khi nào sẽ xử lý xong?

TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2 xung quanh những vấn đề trên.

Đại gia bán gạo “ngất ngư” vì… con cá!

TBKTSG Online: Năm 2014, dư luận trong nước nhiều lần đề cập đến câu chuyện lỗ lã nặng nề tại Vinafood 2 và các đơn vị thành viên, nhưng điều chưa được làm rõ cho đến nay là nguyên nhân dẫn đến lỗ lã. Vậy thật sự điều gì đã xảy đến với Vinafood 2, thưa ông?

Ông Huỳnh Thế Năng: Phải nhìn nhận một cách thực tế rằng, ngay thời điểm tôi về làm Tổng giám đốc, Vinafood 2 đang có một số tồn tại lớn, có tính chất thách thức sự phát triển và đi lên. Đó là chuyện lỗ lã của năm 2013 rồi nợ khó đòi lên đến con số xấp xỉ 600 tỉ đồng cũng như những vấn đề đầu tư và chiến lược đầu tư trước đây có những sai sót.

Cụ thể, là đầu tư cho ngành thủy sản, cả ngàn tỉ đồng đầu tư cho thủy sản đã và đang trong quá trình lỗ lã rất nặng nề ở cả ba khâu là nuôi trồng, chế biến xuất khẩu và thức ăn.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và thực tế với tính tích cực nhất, thì Vinafood 2 vẫn là một đơn vị mạnh trong ngành lúa gạo Việt Nam. Tất cả những khoản nợ nần trên đều nằm trong vòng kiểm soát và từng bước sẽ được chúng tôi xử lý. Thực chất khoản nợ của Vinafood 2 không đến nỗi như dư luận cho rằng sẽ là những “hòn đá” ngăn trở hoặc là những điểm xấu có thể hạ gục được Vinafood 2.

Lại đổi mới tư duy

TBKTSG Online: Từ việc nhận diện được những sai lầm trong chiến lược đầu tư, phát triển và hậu quả nợ nần của thời trước để lại, ông sẽ làm gì để xử lý nó?

Ông Huỳnh Thế Năng: Thật ra, sau hơn 9 tháng về nhận chức Tổng giám đốc Vinafood 2, tôi cùng anh em đã xác định được những cột mốc quan trọng làm nền tảng để củng cố niềm tin, củng cố sự phát triển của Vinafood 2.

Cột mốc đầu tiên, chúng tôi đã thảo luận với nhau trong Đảng bộ Vinafood 2 và đề ra một nghị quyết mà theo chúng tôi đánh giá là hoàn toàn mới mẻ, “có một không hai” nhằm hướng đến mục tiêu chính là đoàn kết vượt khó, khôi phục và phát triển. Nghị quyết này cũng đã được thảo luận rộng rãi và đạt được sự đồng thuận cao để đưa Vinafood 2 vận động, tiến lên.

Cột mốc thứ hai, là trong lãnh đạo Vinafood 2 cũng đã đạt được một số đồng thuận rất căn bản để làm nền tảng khôi phục công ty.

Đồng thuận thứ nhất, là Vinafood 2 xác định việc củng cố hệ thống thông tin bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện chất lượng quản trị. Tôi cho rằng đây là một yêu cầu cấp bách để chủ động về quản trị và làm chủ về mặt hiệu quả cuối cùng.

Đồng thuận thứ hai, mang tính bước ngoặt đó là đổi mới tư duy phát triển thị trường lúa gạo. Điều này, có hai điểm mới hoàn toàn: thứ nhất, nếu thị trường tập trung lúa gạo ở các nước vẫn còn, thì Vinafood 2 cố gắng sẽ giữ và thực hiện cho thật tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở rộng thị trường thương mại vì từ trước đến nay Vinafood 2 chỉ dựa dẫm vào thị trường tập trung truyền thống là chính và điều này nó đã không phù hợp nữa; thứ hai, thay vì tiếp cận hạt gạo để xuất khẩu, Vinafood 2 chuyển sang tiếp cận hạt lúa để chuyển thành gạo xuất khẩu, một tư duy có tính bước ngoặt trong thị trường lúa gạo.

Trên cơ sở hai điểm quan trọng của đổi mới tư duy về thị trường lúa gạo, Vinafood 2 cũng đồng thuận với nhau ba giải pháp cơ bản: thứ nhất, là triển khai và thảo luận với nhau chi tiết phương án xúc tiến thị trường thương mại, củng cố thị trường tập trung truyền thống. Đặc biệt, lần này sẽ mở rộng thị trường thương mại, phương án này đã được thông qua và sẽ triển khai trong thời gian tới trên toàn Vinafood 2.

Giải pháp thứ hai là xây dựng cánh đồng lớn và đây là giải pháp mà Chính phủ đã mong muốn, nhưng trước đây Vinafood 2 ít quan tâm và hiện nay chúng tôi thấy rằng đã đến lúc phải đi vào thực hiện một cách thực chất. Chúng tôi chọn thời điểm đột phá là từ vụ đông xuân 2014-2015 và mục tiêu của Vinafood 2 sẽ đưa diện tích mô hình cánh đồng lớn đến năm 2020 chiếm 20%/tổng điện tích sản xuất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Còn nếu tính luôn việc ký kết hợp tác chiến lược giữa Vinafood 2 với chương trình của Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), thì sẽ chiếm 30% diện tích của ĐBSCL, đến năm 2020

Và giải pháp thứ ba là thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa Vinafood 2 và xây dựng thương hiệu lúa gạo của Vinafood 2.

TBKTSG Online: Vinafood 2 xác định vai trò của người nông dân như thế nào trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo của mình?

Ông Huỳnh Thế Năng: Chúng tôi xác định rất rõ, người nông dân đứng như thế nào vào trong mô hình liên kết cánh đồng lớn của Vinafood 2. Chúng tôi tiếp cận theo hai phương thức chính và có một phương thức trung gian, nhưng quan trọng nhất là hai phương thức chính.

Phương thức thứ nhất, là tổ chức mô hình như khuyến khích của Chính phủ theo quyết định 62 (quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn- PV), là chuỗi giá trị toàn diện nhưng ngắn nhất để nối kết lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.

Tham gia vào chuỗi này còn có các doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, phân, thuốc), giúp bà con nông dân tiếp cận được đầu vào với chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định và được Vinafood 2 ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đây là phương thức có tính chất nền tảng đang được Vinafood 2 triển khai, gắn lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách rõ ràng với nông dân

Phương thức thứ hai, là phương thức đặt hàng tiêu thụ sản phẩm nhưng trong một liên kết rộng rãi nhiều bên. Gần đây, nếu ai để ý sẽ thấy Vinafood 2 đã thỏa thuận liên kết với các ngân hàng thương mại tham gia vào chuỗi ngành lúa gạo mà chúng tôi gọi là chuỗi ngắn hay là chuỗi liên kết ba nhóm lợi ích (nhóm lợi ích được hiểu theo nghĩa tích cực). Ở đây, dự kiến sẽ có 7 ngân hàng thương mại tham gia và tính đến nay đã có 4 ngân hàng thương mại ký trực tiếp với chúng tôi để triển khai mô hình này.

Nhóm lợi ích thứ nhất, nhóm lợi ích cung ứng, bao gồm nông dân kinh doanh lúa gạo (thương lái, hàng xáo; nhà máy có thể là nhà máy xay xát, lau bóng, sấy hoặc là tổ hợp các nhà máy đó); tổ hợp các tổ hợp tác/hợp tác xã nông nghiệp và những công ty cung ứng lúa gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gọi là nhóm lợi ích cung ứng.

Nhóm lợi ích thứ hai là những nhà xuất khẩu thực sự trong đó có Vinafood 2 và các công ty thành viên của Vinafood 2.

Nhóm lợi ích thứ ba, là các nhà cung cấp tín dụng mà cụ thể là các ngân hàng thương mại.

Khi mà Vinafood 2 có hợp đồng tiêu thụ cho nhóm lợi ích thứ nhất, tức nhóm lợi ích cung ứng, thì ngay lập tức các ngân hàng thương mại (nhóm lợi ích thứ ba) sẽ giải ngân vốn vay cho nhóm lợi ích cung ứng để thu mua lúa, gạo cung ứng theo hợp đồng cho Vinafood 2 và các công ty thành viên của Vinafood 2 (nhóm lợi ích thứ hai). Căn cứ để ngân hàng thực hiện giải ngân vốn là bản hợp đồng được ký kết giữa nhóm lợi ích cung ứng với nhóm lợi ích thứ hai.

Khi Vinafood 2 nhận được hàng theo đơn đặt hàng với nhóm lợi ích cung ứng, Vinafood 2 và các công ty thành viên sẽ trả tiền cho nhóm lợi ích cung ứng. Dòng tiền quy đổi ra lúa gạo sẽ đi từ ngân hàng thương mại đến nhóm lợi ích cung ứng, đến nhóm doanh nghiệp xuất khẩu rồi quay về ngân hàng - một vòng khép kín, rủi ro sẽ được hạn chế tối đa, minh bạch hơn. Đặc biệt, dư nợ tín dụng sẽ gia tăng từ các ngân hàng thương mại đến nơi có nhu cầu một cách thiết thực và doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ có sự hậu thuẩn của nhóm lợi ích cung ứng, sẽ luôn có nguồn hàng ổn định để xuất khẩu.

TBKTSG Online: Quay trở lại vấn đề ông đã nói ở trên, đó là thời gian tới Vinafood 2 sẽ khai thác thị trường tập trung, đồng thời mở rộng thị trường thương mại. Cụ thể của chiến lược này ra sao, thưa ông?

Ông Huỳnh Thế Năng: Để làm rõ chiến lược này, tôi xin quay lại nhận định thị trường một ít để cho mọi người hiểu và để cho các giới có quan tâm, lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan…, trên góc độ trách nhiệm hay tinh thần của họ, họ sẽ cùng tham gia thực hiện.

Tôi nghĩ rằng rất đáng để đánh giá tình hình thị trường hiện nay, có hai điểm rất quan trọng và cần thiết thời điểm hiện nay:

Thứ nhất, đó là nhóm gạo thông dụng (gạo trắng 5%,15% và 25% tấm- PV), Việt Nam đang gặp thách thức trước mắt và trung hạn một cách gay gắt trong cạnh tranh, nhất là về giá bán. Vấn đề chính là giá cung ứng nguyên liệu gạo thông dụng trong nước luôn cao hơn so với các nước sản xuất trong khu vực, cho nên dù lúc này thị trường tập trung đang xuất hiện một số nhu cầu như: Malaysia đang có nhu cầu mua, Philippines và Indonesia cũng có nhu cầu mua với tổng nhu cầu có thể đât xấp xỉ 2 triệu tấn năm 2015, Việt Nam tham gia thầu nhưng có thắng thầu hay không đó là một câu chuyện khác vì còn nhiều yếu tố quyết định.

Thứ hai, thị trường gạo thơm, gạo đặc sản, nếp… Việt Nam “tự nhiên” có con đường riêng, đó là con đường tiếp cận xuất khẩu với giá khoảng 550-600 đô la Mỹ/tấn, bởi gạo thơm các nước (Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ…) có giá từ 800, 900, 1.200 đến 2.000 đô la Mỹ/tấn trở lên và đó là con đường khác của họ, cho nên Việt Nam có ưu điểm trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, muốn con đường đi riêng cho phân khúc gạo thơm, đặc sản đi lên một cách hanh thông, gắn lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của ngành lúa gạo Việt Nam, thì đòi hỏi phải có nhận thức và tổ chức lại sản xuất. Tôi chỉ nói gọn, ví dụ tổ chức sản xuất lại, thì chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần làm gì trong tình hình thị trường như vừa phân tích ở trên.

Muốn thực hiện được mục tiêu, chính quyền và ngành nông nghiệp phải giúp làm lại ba hệ thống: thứ nhất, giống lúa, thứ hai là hệ thống canh tác, thứ ba là hệ thống hỗ trợ dịch vụ hậu cần và kỹ thuật.

Kế đến, muốn bán gạo vào thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc…, các thị trường này đòi hỏi phải kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chẳng hạn Nhật Bản đòi hỏi kiểm tra đến 600 chỉ tiêu, trong khi Việt Nam chỉ mới đủ khả năng đáp ứng được 30% thôi. Vậy thì tại sao Nhà nước không giúp đầu tư cái đó cho ngành nông nghiệp Việt Nam?

Ba hệ thống trên, các bộ, ngành chính quyền phải hỗ trợ làm, thì nó mới thực sự làm nền tảng cho ngành lúa gạo đối mặt với thách thức, dĩ nhiên không phải một sớm một chiều mà phải đến vài năm mới xử lý xong tình hình hiện nay và Việt Nam mới đi theo con đường riêng của mình một cách thật sự.

Vinafood 2 chẳng qua chỉ tham gia cùng các doanh nghiệp khác để giúp tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra hiệu quả hơn, giúp gắn bó giữa nông dân, doanh nghiệp và ngành lúa gạo nói chung.

Cục nợ ngàn tỉ, xử lý trong 1,5 năm?

TBKTSG Online: Với những chiến lược và kế hoạch đề ra, cục nợ của Vinafood 2 theo ông liệu có thể giải quyết một cách êm đẹp?

Ông Huỳnh Thế Năng: Tôi nghĩ rằng có một điều mà tôi chưa nói tới ở trên, đó là trụ cột tổ chức lại sản xuất kinh doanh và lành mạnh hóa tài chính. Việc này là một phần nữa để khắc phục hậu quả lỗ lã, nợ nần. Tôi cho rằng hoàn toàn có thể khắc phục được.

Bên cạnh đó, một cột mốc khác mà trong năm 2014 Vinafood 2 đã làm được là đã đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tái cơ cấu và cổ phần hóa công ty mẹ Vinafood 2 trong vòng một năm, gắn với nghị quyết đoàn kết vượt khó như đã nêu từ đầu và những phương án sản xuất kinh doanh, lành mạnh tài chính đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua. Nếu làm kiên quyết tình hình kinh doanh của Vinafood 2 sẽ sáng trở lại và nợ cũ sẽ được giải quyết theo lộ trình mà pháp luật quy định.

TBKTSG Online: Vậy theo ông, Vinafood 2 cần bao lâu để xử lý?

Ông Huỳnh Thế Năng: Chỉ cần 1,5 năm nữa thôi, chúng tôi sẽ giải quyết được hết nợ nần.

Trung Chánh (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Phát hiện nhiều sai phạm tại Vinafood 2

    Phát hiện nhiều sai phạm tại Vinafood 2

    09/12/2015 9:50 AM

    Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và các đơn vị thành viên.

  • TGĐ Vinafood 2: kinh doanh gạo cần đổi mới chiến lược

    TGĐ Vinafood 2: kinh doanh gạo cần đổi mới chiến lược

    24/01/2015 7:52 PM

    Rời chức Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang về làm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) trong bối cảnh đơn vị này mang một cục nợ khổng lồ, lên đến cả ngàn tỉ đồng từ trước để lại, rõ ràng đây là một trọng trách không hề đơn giản đối với ông Huỳnh Thế Năng. Thế nhưng, điều mà dư luận quan tâm nhất là vì sao một đơn vị đầu ngành như Vinafood 2 lại lâm vào cảnh nợ nần như thế? Người quản lý mới sẽ phải làm gì để xử cục nợ đó? Khi nào sẽ xử lý xong?

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.