Xem việc trở về Việt Nam nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) như một nhân duyên, ông Huỳnh Bửu Quang đã chia sẻ về kế hoạch và thách thức trên cương vị mới.

Về Việt Nam như nhân duyên

- Ông có thể cho biết lí do sau gần 20 năm làm việc cho HSBC tại khu vực Đông Nam Á, ông lại quyết định trở về Việt Nam đầu quân cho Maritime Bank?

Tích luỹ kinh nghiệm là một trong những mục tiêu tôi luôn đặt ra cho bản thân khi còn ở nước ngoài, bởi trước sau gì tôi cũng trở về Việt Nam. Cơ hội ấy đã đến với tôi như nhân duyên. Cuộc ra đi nào cũng để trở về và bây giờ là thời điểm thích hợp để chứng kiến và tham gia vào quá trình chuyển mình của lĩnh vực tài chính ở Việt Nam nói chung.

- Ông chắc đã tìm hiểu kỹ Maritime Bank trước khi nhận lời? Có chăng một băn khoăn nào đó khiến ông phải suy nghĩ không?

Tôi quan tâm hơn cả đến định hướng của Hội đồng Quản trị Maritime Bank đối với ngân hàng vì điều này ảnh hưởng tới những yêu cầu đặt ra cho Tổng Giám đốc. Một khi định hướng ấy tương đối hoà hợp với mục tiêu cũng như năng lực, kinh nghiệm của Tổng Giám đốc, hai bên mới có thể gặp nhau, hợp tác hiệu quả.

Maritime Bank chủ trương phát triển bền vững, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch. Tôi cũng nhận thấy có sự đồng thuận cao trong Hội đồng Quản trị ngân hàng. Vì khi Ban Tổng Giám đốc đưa ra những quyết sách mới, cần tham vấn Hội đồng Quản trị, nó có thể được thông qua nhanh, sự điều hành của Tổng Giám đốc do đó sẽ thuận lợi hơn.

Ấn định mục tiêu trong 5 năm

- MaritimeBank có ấn định một mục tiêu cụ thể cho ông? Thí dụ sau 3 năm hay 5 năm, ngân hàng phải có được vị thế ra sao? Vị thế đó khác gì với vị thế hiện nay?

Mục tiêu của Maritime Bank cụ thể và rõ ràng: trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Tôi và các thành viên Ban Điều hành đang và sẽ tiếp tục thảo luận, đưa ra các tiêu chí cho từng bộ phận từ trên xuống dưới đối với từng khoảng thời gian nhất định.

- Mấu chốt của những tiêu chí là gì, thưa ông?

Tỷ suất lợi nhuận tốt và ngân hàng phát triển bền vững. Không phải tăng trưởng tín dụng nhanh, doanh thu nhanh để rồi sau đó gánh chịu hậu quả những khoản nợ vay không thu hồi được. Một trong những mấu chốt là tăng tỷ trọng doanh thu từ mảng dịch vụ.

- Hiện doanh thu từ dịch vụ của Maritime Bank chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu?

Tỷ suất doanh thu từ phí dịch vụ hiện dưới 20%. Trước mắt chúng tôi sẽ hướng tới đạt được mức 20% doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu, dần dần sẽ đi lên tiếp.

Từ trước đến nay Maritime Bank tập trung vào phân khúc bán lẻ, khách hàng cá nhân và gần đây đã chú trọng đến doanh nghiệp vừa & nhỏ. Mở rộng dịch vụ đòi hỏi đầu tư kỹ lưỡng cho công nghệ, thiết kế sản phẩm.

Cái thiếu của ngân hàng Việt Nam chính là sản phẩm phù hợp cho các đối tượng khách hàng với độ tuổi khác nhau, thu nhập khác nhau ở địa bàn đô thị, nông thôn, thậm chí là khác nhau giữa các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các đô thị tầm trung hoặc vừa chuyển đổi từ thị xã, thị trấn lên.

- Nói đến địa bàn nông thôn, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vừa được sáp nhập vào Maritime Bank. Cơ hội của Maritime Bank ở lần sáp nhập này là gì?

Việc sáp nhập một ngân hàng xuất thân và cắm rễ lâu trong khu vực có lợi thế về xuất khẩu gạo, nông sản, thuỷ hải sản vào Maritime Bank là để mở rộng thêm cánh cửa để xâm nhập sâu hơn vào thị trường ĐBSCL.

Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, hàng hoá nông nghiệp chiếm tỷ trọng đáng kể. Gần đây Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, tín dụng cũng được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tài trợ cho nông dân, nông thôn. Tôi nhìn thấy về lâu dài, đây là một địa bàn còn trống dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Người dân nông thôn cũng có các nhu cầu sử dụng dịch vụ như người dân các đô thị, chỉ có mức độ, cấp bậc khác nhau. Vấn đề là ngân hàng phải thiết kế được các sản phẩm thích hợp dành riêng cho họ.

Thách thức và cơ hội mới

- Chúng ta mới ký hiệp định thương mại tự do với châu Âu và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Vậy theo ông, việc cạnh tranh giữa các ngân hàng, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức gì?

Hai thách thức rõ nhất là về vốn và nguồn nhân lực. Nền kinh tế Việt Nam không chỉ thiếu vốn, mà còn gặp phải vấn đề hấp thụ vốn sao cho hiệu quả. Vốn của ngân hàng trong nước hiện khá thấp, và tất nhiên nó ảnh hưởng đến khả năng đầu tư, khả năng cấp hạn mức tín dụng cho một khách hàng, khả năng tài trợ các dự án lớn.

Nhìn sang nhân lực, phần lớn nguồn lực các ngân hàng chưa trải qua nhiều chu kỳ phát triển của kinh tế. Một số ngân hàng đã chấm dứt tồn tại chủ yếu do liên quan đến trình độ quản trị nguồn nhân lực. Thời gian 2008-2010, giai đoạn tài chính thế giới chìm trong khủng hoảng, ở Việt Nam một số ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng với tốc độ năm sau gấp đôi năm trước. Khi đó người ta chưa nhận ra điều đó nguy hiểm ra sao, phải qua chu kỳ khủng hoảng mới hiểu được.

- Maritime Bank, trong mường tượng của ông, đang ở đâu trong chuỗi cạnh tranh để vượt qua hai thách thức trên?

Maritime Bank thời gian vừa qua khá thận trọng trong tín dụng, chủ yếu hoàn thiện bộ máy, sáp nhập để tạo nền tảng khách hàng, dịch vụ, nên tổng tài sản không tăng.

Sự thận trọng ấy là bước đệm cần thiết, chuẩn bị cho ngân hàng tiếp tục thực hiện những chiến lược đã được Hội đồng Quản trị thông qua. Vừa qua và có thể cả tới đây, những biến động bên ngoài từ động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, tăng lãi suất của FED, tỷ giá các đồng tiền khu vực thay đổi... tác động đến sự lưu chuyển vốn, đến thị trường tài chính trong nước. Tôi nghĩ đó là thách thức và cả cơ hội. Maritime Bank phải làm sao tận dụng được những cơ hội ấy.

Hải Lý (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.