Mới đây, tờ Moscow Times, một trong số những tờ báo xuất bản bằng tiếng Anh lớn nhất Nga đã đăng bài viết dài về ông Stuart Lawson, 58 tuổi, một doanh nhân, nhà quản lý mang quốc tịch Anh đã có nhiều năm làm việc tại Nga và hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn kế toán - kiểm toán quốc tế Ernst & Young Chi nhánh Nga.

Stuart Lawson

Kèm theo đó là bài phỏng vấn ông này. Điều thu hút được sự chú ý của bạn đọc và giới kinh doanh quốc tế là ông Stuart Lawson công khai tán dương phong cách làm việc của một số Oligarch có tiếng của Nga, như Mikhail Khodorkovsky, Oleg Deripaska.

Oligarch có thể tạm dịch là nhà tài phiệt, hoặc thành viên nhóm thiểu số thao túng quyền lực kinh tế, tài chính ở một số nước, đặc biệt là Nga. Ở phương Tây, khi nói đến Oligarch, mọi người thường liên tưởng đến các nhân vật giàu nhanh chủ yếu nhờ các mối quan hệ với giới chính trị có quyền lực trong tay, ở một môi trường kinh doanh tranh tối tranh sáng...

Có thể kể ra ở đây một số gương mặt Oligarch thuộc dạng có máu mặt ở Nga, như Boris Berezovsky, Vladimir Gusinsky, Mikhail Prokhorov, Roman Abramovich... và tất nhiên có cả Mikhail Khodorkovsky và Oleg Deripaska.

Một điều gây chú ý nữa là Stuart Lawson, sinh ra tại London (Anh), làm việc và lăn lộn nhiều năm ở hơn 10 quốc gia trên thế giới, song lại thích nhất được làm việc ở Nga.

Có lẽ cũng nên điểm qua vài nét chính về Stuart Lawson.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford nổi tiếng của Anh, chuyên ngành chính trị - kinh tế, ông Stuart Lawson đã được Citibank (Mỹ) tuyển dụng. Kể từ đó đến nay, ông đã có 36 năm làm việc trong ngành ngân hàng, trong đó có 25 năm làm việc cho Citibank ở 11 nước, như Anh, Pháp, Mỹ, Hy Lạp, Na Uy, Italia, Kenya, Nga, Puerto Rico... và nhiều năm làm CEO cho các ngân hàng ở Nga, gồm HSBC, Bank Soyuz.

Ông Stuart Lawson kể lại, năm 1981, lần đầu tiên ông được cử đi làm việc ở nước ngoài là Kenya, một quốc gia châu Phi vào loại rất nghèo so với Mỹ và các nước châu Âu. Citibank đã động viên ông bằng cách trả lương khá hậu và có lời đảm bảo rằng, quốc gia Đông Phi này rất an toàn. Thế nhưng, vào ngày 2/8/1982, ở đây đã nổ ra cuộc đảo chính.

“Sau khi trấn tĩnh lại, tôi nhận ra rằng, khủng hoảng lại là cơ hội tốt để kinh doanh, hay ít nhất là nó hợp với tính liều lĩnh, chẳng ngán điều gì của tôi. Tình hình ở Italia trong những năm 1993 - 1995 cũng khá tệ, tôi được phân công đến đó và làm tốt không chê vào đâu được. Thế là Citibank nghĩ ngay đến tôi khi muốn mở văn phòng ở Nga”, ông Stuart Lawson nói và cho biết, khi đến Nga vào năm 1996, ông đã thuê lại được căn hộ lớn của cháu nội Vyacheslav Molotov (đã từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô cũ dưới thời Stalin).

Ông tiết lộ thêm, khi đó, dù không biết nhiều về nước Nga, song sau một thời gian làm việc ở đây, va chạm với thực tế hàng ngày, nhất là khi thường xuyên tiếp xúc và sau này trực tiếp làm thuê cho Mikhail Khodorkovsky và Oleg Deripaska, ông rút ra được một số kinh nghiệm sau.

Thứ nhất, nếu được Oligarch tin tưởng thì tự do và thoải mái hơn nhiều so với làm việc cho các tập đoàn hoặc các ông chủ phương Tây.

Thứ hai, việc đưa ra quyết định quan trọng rất nhanh. Ở phương Tây, việc đưa ra quyết định ở công ty đại chúng thường phải qua nhiều tầng, nhiều nấc trung gian.

Thứ ba, đến một chừng mực nào đó, cách quản lý độc đoán của Oligarch lại là điều rất quan trọng có thể dẫn đến thành công.

“Nhất là trong khủng hoảng, cách điều hành tập trung hoá lại cần thiết hơn, thích hợp hơn so với việc phân cấp”, ông Stuart Lawson nói.

Xét một cách thật khách quan, thì ông Stuart Lawson cũng khá long đong trong khi làm việc ở Nga. Trong suốt thời gian làm việc ở Nga từ năm 1996 đến nay, đã có 4 lần ông buộc phải ra đi để rồi lại... quay trở lại.

Lần đầu vào năm 1997, khi đó ông là CEO Citibank Chi nhánh Nga. Do linh cảm thấy nguy hiểm đang đến gần (và năm 1998, đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga), ông đã xin từ chức.

Sau đó vài năm, ông quay trở lại Nga làm cố vấn và thành viên Ban giám đốc 2 ngân hàng Menatep và Trust Bank (mà tỷ phú Mikhail Khodorkovsky là ông chủ đích thực). Khi Mikhail Khodorkovsky bị Chính phủ Nga bắt vào năm 2003, ông đã rời nước Nga một thời gian để lánh nạn.

Năm 2004, ông trở lại Nga, giữ chức CEO Soyuz Bank, thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Oleg Deripaska. Sau đó, năm 2007, do bất đồng quan điểm với Oleg Deripaska, ông lại nghỉ việc và trở về Anh.

Từ năm 2008 đến tháng 4/2010, ông là CEO HSBC Chi nhánh Nga. Sau khi biết HSBC có ý định rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Nga, ông đã xin thôi việc, chuyển sang sinh sống ở Puerto Rico. Từ năm 2011, ông lại được Ernst & Young mời về làm CEO Chi nhánh Nga.

Cuối bài phỏng vấn, ông Stuart Lawson khẳng định: “Chắc chắn là tôi rất có duyên nợ với nước Nga”.

Theo Trung Hiếu ( Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Stuart Lawson thích làm việc với... Oligarch của Nga

    Stuart Lawson thích làm việc với... Oligarch của Nga

    01/10/2012 1:41 PM

    Mới đây, tờ Moscow Times, một trong số những tờ báo xuất bản bằng tiếng Anh lớn nhất Nga đã đăng bài viết dài về ông Stuart Lawson, 58 tuổi, một doanh nhân, nhà quản lý mang quốc tịch Anh đã có nhiều năm làm việc tại Nga và hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn kế toán - kiểm toán quốc tế Ernst & Young Chi nhánh Nga.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.