Đã xấp xỉ 70 năm kể từ ngày Sony được thành lập. Giờ đây, sứ mệnh của người điều hành tập đoàn là phải đưa tinh thần cải tiến, sáng tạo của ngày khởi nghiệp trở lại thành động lực phát triển.
Nếu những thành công ngày trước của Sony dựa vào việc phát minh ra những thiết bị phần cứng thì các lĩnh vực mới của Sony hiện nay chủ yếu thuộc lĩnh vực phần mềm. Công ty đang nỗ lực bước nhanh cả hai chân để tiến lên phía trước.
Kể từ năm 2012, Sony đã đa dạng hóa hoạt động vượt ra khỏi lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng. Công ty đang nhảy vào một số lĩnh vực mới như dịch vụ môi giới bất động sản , tổ chức thi toán trực tuyến, máy bay không người lái và đèn nội soi. Bên cạnh đó, Sony vẫn đầu tư vào các bộ phận lâu đời như hệ máy chơi game PlayStation, phim ảnh và âm nhạc. Nhưng đồng thời, Sony cũng thay đổi định hướng, chú trọng vào linh kiện và phần mềm hơn là sản xuất thiết bị. “Chúng tôi tự xem mình là một công ty khởi nghiệp công nghệ. Tôi muốn mang lại sự cải tiến đột phá thông qua phần mềm”, Masaaki Isozu, Tổng giám đốc 40 tuổi của Sony Global Education, chuyên triển khai các cuộc thi toán trực tuyến cho biết.
Isozu cũng như nhiều nhân viên khác của Sony đang nỗ lực khơi lại tinh thần tiên phong, sáng tạo, cải tiến của công ty Nhật này. Chẳng hạn, với bộ phận máy bay không người lái, hãng kiếm lợi nhuận từ phần mềm giúp các doanh nghiệp theo dõi mùa màng và phân tích lượng dữ liệu do các máy bay không người lái thu thập được.
Để có thể “vừa cứng, vừa mềm”, công ty phải tiến hành cuộc tái cấu trúc kéo dài cả thập kỷ mà kết quả của nó là việc sa thải hơn 35.000 nhân viên trên toàn cầu và tổng số nhân viên hiện nay của Sony là 131.700 người. Dưới sự lãnh đạo của CEO Kazuo Hirai, Sony đã từ bỏ mảng máy tính cá nhân và đang chia tách các bộ phận tivi và máy nghe nhạc Walkman thành các công ty hoàn toàn độc lập, sau khi thua lỗ hơn 8 tỷ USD trong vòng 7 năm qua.
Tuy nhiên, cuộc lột xác này còn lâu mới có thể hoàn tất. Sony vẫn đang cố gắng tái thiết bộ phận điện thoại di động đang làm ăn thua lỗ, khiến công ty bị lỗ ròng tới 126 tỷ Yên (1 tỷ USD) trong quý tài chính kết thúc vào tháng 3/2015. Các nhà đầu tư đã rất hoan nghênh quyết định của Hirai khi “cắt bỏ” các bộ phận thiết bị điện tử làm ăn kém hiệu quả, nhưng việc làm này cũng khiến công ty gặp nhiều tổn hại. Bởi lẽ, điện thoại, game, tivi, thiết bị nghe và camera vẫn đang chiếm tới hơn phân nửa trong tổng doanh thu 68 tỷ USD của cả công ty. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động gộp lại từ các bộ phận hàng điện tử (ngoại trừ điện thoại thông minh) lại không bằng mức lợi nhuận do mảng các dịch vụ tài chính tạo ra. Các dịch vụ tài chính hiện là bộ phận mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho công ty.
Tôn vinh ý tưởng sáng tạo
Để thay đổi tận gốc, “kiến trúc sư” của cuộc cải cách – ông Shinji Odashima, 37 tuổi đã đề xuất Sony lập một bộ phận cho các lĩnh vực mới, được trực tiếp báo cáo lên Hirai. Dưới sự dẫn dắt của ông Odashima, năm 2014 Sony đã tổ chức một chương trình để các nhân viên trình bày các ý tưởng trong các cuộc thi tuyển được tổ chức cứ 3 tháng một lần. Trong 4 đợt thi tuyển vừa qua, có 450 đề xuất ý tưởng đã được nộp lên và khoảng 10 ý tưởng đã vượt qua khâu sàng lọc đầu tiên để tiếp tục được triển khai.
Chương trình này nhằm giúp cho nhân viên có thể nhanh chóng biến ý tưởng của họ thành các sản phẩm hoặc các lĩnh vực kinh doanh mà không bị vướng vào quá nhiều tầng lớp quản lý. Các nhân viên cũng có thể huy động vốn qua chương trình “crowdfunding” (một hình thức gây vốn từ cộng đồng). Tháng 8 vừa qua, Sony đã giới thiệu một sản phẩm đồng hồ đeo tay theo phong cách cổ điển, có tên gọi là Wena Wrist, có chức năng như một chiếc ví điện tử. Sản phẩm này cho đến nay đã huy động được gần 380.000 USD thông qua hình thức crowdfunding và đã thu hút được 899 người ủng hộ. Tuy vậy, một số nhà phê bình nói rằng, Sony đang sao nhãng công việc chính của mình.
“Sony đã 70 tuổi rồi. Nó nên là một công ty trưởng thành, còn chuyện chinh phục thế giới thì nên để cho các công ty “trẻ” hơn làm”, theo Kazuhiko Toyama, đồng tác giả của cuốn sách “Examining Japan’s Lost Decades” – trong đó ông có thực hiện nghiên cứu cụ thể về Sony.
Có quá đa đoan?
Sony đã từ bỏ mảng máy tính cá nhân và đang chia tách các bộ phận tivi và máy nghe nhạc Walkman thành các công ty hoàn toàn độc lập
Việc Sony tiến vào mảng bất động sản và giáo dục cũng làm phức tạp thêm danh mục các lĩnh vực kinh doanh vốn dĩ quá nhiều của tập đoàn này, trong đó bao gồm cả phim ảnh, âm nhạc, dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm. “Tôi không nghi ngờ gì về việc Sony đang nỗ lực lội ngược dòng, nhưng tôi không thích danh mục các lĩnh vực kinh doanh của họ, vì chúng thiếu tính liên kết với nhau”, một nhà quản lý quỹ tại một tập đoàn quản lý tài sản của Mỹ nhận xét.
Tuy nhiên, các lĩnh vực kinh doanh mới không hề là một khái niệm xa lạ với Sony. Tập đoàn Nhật này đã nhảy vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vào năm 1979 và đã lập một công ty con về ngân hàng trực tuyến vào năm 2001. Sony cũng bước chân vào thị trường video game vào năm 1993. Hơn 20 năm sau, mảng game hiện là một trong những “cỗ máy in tiền” cho Sony khi đóng góp tới 16% tổng doanh thu hàng năm. Một bộ phận mới của Sony là… dịch vụ môi giới bất động sản, tương tự như mô hình của Mỹ, tức là chỉ đại diện cho người mua hoặc chỉ đại diện cho người bán bất động sản.
Hirokazu Hasegawa, Giáo sư tại Trường Quản trị, thuộc Đại học Waseda cho rằng, các yếu tố làm nên thành công của các lĩnh vực kinh doanh mới luôn khác nhau ở từng thời điểm và việc cố gắng lặp lại quá khứ có thể là một cái bẫy nguy hiểm. Giới phân tích dù hoan nghênh nỗ lực nhảy vào các lĩnh vực tăng trưởng mới của Sony, nhưng cũng đặt dấu hỏi về khả năng thành công. Chẳng hạn, Công ty Sony Global Education đang nhắm đến mục tiêu tạo ra 10 tỷ Yên doanh thu vào năm 2020 với biên lợi nhuận được coi là quá tham vọng: 20-30%.
Thành Lợi (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.