Trong khi một số lãnh đạo ngành Đường sắt coi golf là môn thể thao thời thượng, nhiều công nhân quanh năm bám tàu, đường ray, gác chắn không biết đây là môn gì. Đa số công nhân mong lãnh đạo bớt chi tiêu, tập trung vào công việc để công nhân được tăng lương.

Gác chắn 32 năm, lương 2,8 triệu

Ông Minh Huyền - công nhân gác chắn 32 năm tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), gửi một bức thư tâm sự dài 2 trang bày tỏ sự bực bội xen lẫn nghẹn ngào.

Ông Huyền nói rằng, ngành đường sắt từ chỗ được xem là ngành “an ninh quốc gia” một thời, nay có nguy cơ “bên bờ vực thẳm”. Ông Huyền viết: Mức lương của công nhân ngành đường sắt từ xưa tới nay ít được công bố nhưng mỗi người chỉ biết mình nhận mức lương rất thấp với một công việc nặng nhọc.

Bản thân tôi, từng hai lần thi thợ giỏi toàn ngành do Tổng công ty tổ chức tại Hà Nội và TPHCM đạt giải và 5 lần đạt danh hiệu kiện tướng an toàn chạy tàu với hàng tá giấy khen, bằng khen các cấp. Tôi từng là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được đi tham quan học tập tại Trung Quốc cùng nguyên bộ trưởng Đào Đình Bình. Vậy mà hiện nay, vẫn chỉ lĩnh lương 2,7 đến 2,8 triệu đồng/tháng.

Ngành đường sắt Việt Nam đang quá lạc hậu so với thế giới. Trong ảnh: Công nhân gác chắn tàu trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) tối ngày 20/2

Ông Huyền còn cho biết thêm, 32 năm làm gác chắn là từng ấy năm chưa được một lần ăn Tết ở nhà, làm việc liên tục 60 giờ/tuần. Công nhân phàn nàn về lương, ca kíp kéo dài, lãnh đạo cũng chỉ biết nói “muốn nghỉ cứ nghỉ” vì không thể trả lương cao. Từ đó, hàng chục công nhân nơi ông Huyền làm việc phải xin nghỉ hưu sớm. Bản thân ông Huyền cho biết cũng sẽ xin nghỉ hưu non trong vài tháng tới.

Không chỉ thuộc diện có mức lương thấp nhất trong Tổng công ty (công nhân tuần đường, gác chắn chỉ hưởng lương ngân sách; không có phụ cấp kinh doanh như khối vận tải, bán vé) trong thư, ông Huyền kể nhiều đồng nghiệp bị đe dọa. Thậm chí, có trường hợp nhân viên gác chắn Nguyễn Thị Nhị sinh năm 1965 (quê Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh) còn bị giết tại trạm gác xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào năm 2005.

Trước đó, vì mưu sinh, chồng chị Nhị bị điện giật chết. Hiện, hai con đã lớn lên vẫn chưa có việc làm. “Không chỉ mình tôi mà hàng trăm, hàng ngàn công nhân đường sắt đang ngoắc ngoải với mức lương thoi thóp trong khi lãnh đạo ngành đi chơi golf là vô tâm. Chúng tôi cảm thấy những cố gắng, hy sinh của mình bị xúc phạm”, ông Huyền nói.

Bớt chơi golf để tăng lương

Chiều 20/2, chúng tôi vào thăm một trạm chắn đường ngang trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), bốn nữ nhân viên gác chắn đang ăn táo chấm muối. Trên bàn, chiếc điện thoại có vòng tròn quay số có kiểu dáng từ hàng chục năm trước là công cụ để nhận tin báo có tàu.

Công việc của nhân viên gác chắn vẫn vất vả, thủ công như thế này.

Các chị có nghe nói việc báo chí viết lãnh đạo ngành chơi golf? Các nữ công nhân quanh năm trực chắn nói chỉ loáng thoáng biết golf là “môn quý tộc”. Hỏi về việc lãnh đạo chơi golf, các chị không dám trả lời vì sợ “động chạm”.

“Vài ngày tới, chúng tôi sẽ ra một chỉ thị khuyến khích lãnh đạo các đơn vị tham gia các môn thể thao truyền thống, chi phí thấp và mang tính quần chúng hơn như bóng bàn, đá bóng, bóng chuyền hay tennis”.

Ông Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Đường sắt Việt Nam

Không biết lãnh đạo chơi golf có vất vả không nhưng cái nghề trực chắn thì khổ cực trăm bề, gay cấn hơn nhiều cú đánh golf. Một ca “lên ban” (trực chắn) là 12 giờ liên tục.

Ban kéo dài tới sáng để chị em không phải về giữa đêm khuya. Khi trực, không được nghe đài, đọc báo để tập trung theo dõi chuông điện thoại báo giờ tàu. Khi điện thoại hỏng, dù mưa hay nắng, nóng hay lạnh, công nhân phải cầm đèn và cờ ra đường ray đợi tàu, kéo chắn.

Tại các trạm trong nội thị, chắn được quy định phải kéo trong vòng 90 đến 180 giây trước khi tàu qua để tránh tắc đường. Nhưng việc bị người qua đường chửi mắng vì bị cản đường đi diễn ra như cơm bữa. “Em xem ti vi cũng biết, golf là môn quý tộc; nếu lãnh đạo bớt golf để tăng lương cho chúng em thì tốt quá”, một công nhân đề nghị giấu tên nói.

Ông Lê Khả Sỹ, một cán bộ lâu năm trong ngành đường sắt đã nghỉ hưu cho biết, “nạn” chơi golf trong ngành có từ lâu và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Có lần lùm xùm chuyện đơn vị cấp dưới góp tiền mua gậy cho một lãnh đạo công ty lên đến hơn trăm triệu đồng. Golf là môn nặng về “khoe mẽ” nên việc lãnh đạo chơi golf bằng các dụng cụ rẻ tiền, theo ông Sỹ là điều khó tin.

Chưa kể, một cán bộ chơi golf ở tổng công ty này (giấu tên) cho biết, nhiều người chơi theo phong trào để làm vừa lòng cấp trên; lãnh đạo chơi, dù không muốn, cấp dưới cũng phải sắm gậy, mua giày ra sân.

Ngày 20/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty ĐSVN cho biết, sau khi dư luận lên tiếng về việc lãnh đạo ngành đường sắt chơi golf, nhiều lãnh đạo đã gặp, gọi điện thông báo cho ông Thành sẽ ngừng việc chơi golf (trong đó có 3 lãnh đạo Tổng Cty này). “Tôi tin tưởng vào việc tái cơ cấu ngành đường sắt và tin việc các lãnh đạo sẽ không còn chơi golf”, ông Thành nói.

Theo Tiền phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.