Lãnh đạo Samsung, LG, Hyundai và SK sắp cùng Tổng thống Hàn Quốc đến Triều Tiên. Hãng tin CNN đặt câu hỏi liệu sự kiện này có mở đường để cửa hàng Samsung xuất hiện tại Triều Tiên trong tương lai gần?

Phó chủ tịch Samsung Electronics Jay Y. Lee . Ảnh: Bloomberg

Theo CNN, tỉ phú Jay Y. Lee, Phó chủ tịch Samsung Electronics, là một trong nhiều doanh nhân công du Bình Nhưỡng cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong tuần này. Ông Moon sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm.

Đây là chuyến đi đầu tiên đến Bình Nhưỡng của một tổng thống Hàn Quốc kể từ năm 2007, thể hiện quan hệ ấm dần lên giữa hai miền nam bắc Triều Tiên, thúc đẩy hy vọng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn.

Kế hoạch đầy tham vọng về việc biến đổi, nối kết đáng kể hai nền kinh tế Triều Tiên và Hàn Quốc có khả năng mở ra liên kết thương mại và cơ sở hạ tầng hấp dẫn. Kế hoạch cũng có thể mang lại lợi ích cho Samsung và nhiều tập đoàn gia đình trị lớn khác của Hàn Quốc, vốn được biết đến với cái tên chaebol.

Ngoài nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới Samsung Electronics, Samsung còn nhiều doanh nghiệp khác hoạt động ở mảng kỹ thuật, xây dựng và đóng tàu.

Liệu đây có phải là cơ hội để Samsung mở cửa hàng ở Triều Tiên hay không? Theo hãng tin Mỹ, khả năng này ít xảy ra trong tương lai gần.

Ông Lee và các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia vào phái đoàn công du theo nghĩa vụ với chính phủ nhiều hơn là tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tiềm năng, theo nhà phân tích SK Kim của hãng Daiwa Capital Markets.

Chính phủ Hàn Quốc đã và đang thúc đẩy các hãng lớn nước này làm sạch hành vi và cải thiện quản trị doanh nghiệp. Điều đó khiến giới doanh nhân khó lòng khước từ chuyến thăm.

Ông Lee năm ngoái bị buộc tội hối lộ và nhiều cáo buộc tham nhũng khác, song ra tù từ tháng 2 năm nay nhờ được giảm án.

Theo giới phân tích, nền kinh tế 15 triệu dân của Triều Tiên có nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, trong số này có lao động rẻ, vị trí địa lý tốt và nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác.

Hồi tháng 6, công ty con đầu tư của Samsung là Samsung Securities vừa thành lập nhóm nghiên cứu để phân tích các khoản đầu tư tiềm năng trong tương lai ở Triều Tiên.

Dù vậy việc làm ăn ở Triều Tiên đi kèm không ít rủi ro, đáng chú ý là các lệnh trừng phạt mà Mỹ và quốc tế áp lên Bình Nhưỡng làm khó doanh nghiệp. Các lệnh trừng phạt làm tổn thương kinh tế nước này.

Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên giảm 3,5% trong năm 2017 và năm nay còn có thể tệ hơn. Công ty ngoại từng vào Triều Tiên thường gặp khó trong việc đối phó với chế độ cầm quyền, trong đó có việc mất quyền kiểm soát tài sản.

Dù thế, nếu Samsung thực sự mở được cửa hàng ở Triều Tiên, hãng vẫn có thể hưởng lợi từ việc thương hiệu được người tiêu dùng nhận diện. Dù chính quyền Triều Tiên nghiêm cấm nhập khẩu smartphone Hàn Quốc, sản phẩm vẫn có mặt trên thị trường chợ đen. Samsung là một trong các thương hiệu điện thoại phổ biến nhất với những người mua am hiểu.

Thu Thảo (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.