Ba nút thắt trong hoạt động của siêu tổng công ty SCIC vẫn không được giải quyết. Bởi vậy rất khó để có một nhà đầu tư linh hoạt và hiệu quả hơn.

Dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét không có điểm đột phá như trông đợi. Đường đến một Temasek Việt Nam còn xa!

Vẫn bùng nhùng việc quản lý vốn

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trước khi SCIC ra đời, Việt Nam hướng đến hai mô hình là Temasek (Singapore) và Ủy ban giám quản (Trung Quốc). SCIC được thành lập dựa trên sự kỳ vọng về một Temasek của Việt Nam, với dự kiến ban đầu là quản lý vốn nhà nước ở 17 Tổng công ty 91, các Tổng công ty 90 và doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa… Tuy nhiên, trải qua gần 7 năm hoạt động, thời gian gần đây mô hình SCIC gây nhiều tranh cãi về vai trò cũng như tính cần thiết của nó đối với nền kinh tế.

Trước hết là phạm vi quản lý vốn nhà nước. Rút cục, SCIC lại quản lý vốn nhà nước ở phần đa những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trong vòng 3 – 4 năm trở lại đây, vốn nhà nước tại những doanh nghiệp lớn sau cổ phần hóa như các tổng công ty, ngân hàng… đã không còn được bàn giao về SCIC nữa mà vẫn do bộ hoặc cơ quan chủ quản quản lý. Ngay những doanh nghiệp từng có quyết định bàn giao vốn về SCIC như Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn; Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội cũng chậm trễ việc bàn giao vốn. Đến giờ vốn nhà nước vẫn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Những tưởng vấn đề này sẽ được quy định rõ trong Dự thảo Nghị định mới, nhưng thực tế lại không như vậy. Dự thảo chỉ quy định: “SCIC thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp mà Tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ”. Vậy những doanh nghiệp nào có vốn nhà nước do SCIC quản lý, tiếp tục là câu hỏi không rõ ràng với thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đầu mối quản lý vốn nhà nước từ các bộ, cơ quan ngang bộ, các UBND tỉnh, thành phố…

Bình luận về nút thắt này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, xu hướng tiến bộ trên thế giới trong quản lý vốn nhà nước là phải tách được quản lý nhà nước và chủ sở hữu. Thực hiện quyền chủ sở hữu tập trung và thống nhất, tách quyền chủ sở hữu và quyền kinh doanh. Duy trì cơ chế hành chính chủ quản, phân tán trong quản lý vốn nhà nước đồng nghĩa với vai trò của SCIC chưa được khẳng định mạnh mẽ cũng như tính hiệu quả của mô hình này chưa thuyết phục được cơ quan quản lý để được trao quyền mạnh hơn sau gần 7 năm hoạt động.

Vai trò nhà đầu tư vẫn là ẩn số

Trong nhiều cuộc đối thoại của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ gần đây, luôn có một một câu hỏi được đặt ra là: SCIC có vai trò gì với thị trường vốn Việt Nam? SCIC tham gia thị trường với hình thức như thế nào và những dự án như thế nào sẽ có mặt nhà đầu tư của Chính phủ? Tuy nhiên, chưa có một cuộc đối thoại nào có được câu trả lời cho nhà đầu tư. Nay trong Dự thảo Nghị định, nội dung này cũng được đề cập rất mờ nhạt. Cụ thể, SCIC được lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm có khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật; góp vốn tài sản với các nhà đầu tư trong ngoài nước để liên doanh, liên kết bằng các hình thức: mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác, đầu tư thành lập doanh nghiệp mới, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh; được quyền chủ động quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao.

Với những quy định như trên, nếu lãnh đạo SCIC không có sự quyết tâm hoặc mạnh dạn chịu trách nhiệm thì hoạt động đầu tư của SCIC sẽ khó có chuyển biến gì khác so với hiện nay (theo kiểu gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi là phương án bảo toàn vốn chắc chắn nhất). Cũng với quy định như thế, rất khó để định hướng đầu tư của SCIC vào những lĩnh vực đang cần đến vai trò của nhà đầu tư Chính phủ.

Ngoài ra, thị trường cũng băn khoăn về quy định SCIC được quyền chủ động quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao. Đã có những doanh nghiệp rất ấm ức khi SCIC thoái vốn, gây xáo trộn rất nhiều trong hoạt động của doanh nghiệp. Đó là chưa kể tiêu chí SCIC đưa ra để xác định doanh nghiệp nào thuộc diện bán vốn chưa thực sự thuyết phục và công bằng với tất cả các doanh nghiệp. Nếu Nghị định quy định chi tiết hơn về vấn đề này, có thể những tranh cãi và sự ấm ức sẽ bớt xảy ra. Giới chuyên gia cũng không quên đưa ra những ý kiến đại loại như SCIC cần bán bớt vốn tại Vinamilk để Nhà nước có thêm tiền đầu tư vào những công trình và dự án khác. Trong khi đó SCIC lại đang cố gắng duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức cao nhất có thể tại doanh nghiệp này.

Sức ỳ từ lương thưởng

Nút thắt thứ ba không được giải quyết trong khung pháp lý mới này đó là cơ chế lương thưởng của SCIC. Việc cán bộ, chuyên gia của SCIC nói riêng và doanh nghiệp Nhà nước nói chung được coi như những công chức và hưởng lương theo quy định ngạch công chức, theo nhận xét của ông Nguyễn Đình Cung, là nguyên nhân tạo sức ỳ cho bản thân người lao động và cả doanh nghiệp.

Nguyên Tổng Giám đốc SCIC, bà Lê Thị Băng Tâm, từng rất trăn trở với vấn đề này. Đã từng có những ý tưởng về việc kiến nghị cho phép người đại diện là cán bộ của SCIC tại các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả được hưởng phụ cấp bằng một tỷ lệ nào đó ở phần doanh nghiệp trả thù lao cho người đại diện, thay vì nộp toàn bộ về SCIC như hiện nay. Hoặc SCIC được sử dụng một tỷ lệ nào đó ở phần cổ tức được doanh nghiệp chia vượt kế hoạch so với dự kiến… để tạo quỹ thưởng khuyến khích cán bộ tham gia đẩy hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn… Tuy nhiên, những ý tưởng này đều mới chỉ tồn tại trên giấy và còn vướng rất nhiều quy định. Nhìn sang tổ chức đầu tư vốn của Chính phủ trong khu vực như Temasek, họ hoạt động đúng nghĩa là một nhà đầu tư vốn theo cơ chế thị trường và được tự quyết mọi vấn đề về lương thưởng gắn với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Có những ý kiến lo ngại rằng, trao cho SCIC quyền tự quyết trong khi năng lực quản trị, trình độ quản lý chưa theo kịp sẽ tạo kẽ hở cho tiêu cực. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại nhìn nhận, nếu SCIC thực hiện công khai hóa thông tin theo chuẩn doanh nghiệp niêm yết thì khi ấy sẽ có thêm sự giám sát từ xã hội để nâng cao trách nhiệm giải trình và trách nhiệm quản lý của bản thân tổng công ty. Đơn cử như chỉ cần việc công khai báo cáo tài chính hàng năm cũng sẽ tạo sự giám sát rất tốt. Tuy nhiên, rất tiếc Dự thảo Nghị định không đề cập đến yếu tố này. Rõ ràng là với những quy định không mấy mới mẻ và có sự đột phá như trong Dự thảo Nghị định về hoạt động của SCIC, chiếc áo pháp lý khoác lên mình Tổng công ty này vẫn tiếp tục chật. Vì vậy, vai trò của SCIC và tính hiệu quả của nó có thể sẽ còn gây nhiều tranh cãi trong tương lai.

Thanh Mai (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Dự thảo nghị định casino và chuyện “ông đưa chân giò…”

    Dự thảo nghị định casino và chuyện “ông đưa chân giò…”

    16/08/2014 11:21 PM

    “Tôi nhận e-mail và điện thoại liên tục hai ngày nay, cả trong nước lẫn quốc tế, ai cũng hỏi về casino”, GS. Hà Tôn Vinh, người hiện đang là cố vấn đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong kế hoạch xây dựng khu phức hợp casino Vân Đồn, bắt đầu câu chuyện về dự thảo nghị định casino với chúng tôi, chiều 14/8.

  • SCIC và ba nút thắt

    SCIC và ba nút thắt

    18/09/2013 8:07 AM

    Ba nút thắt trong hoạt động của siêu tổng công ty SCIC vẫn không được giải quyết. Bởi vậy rất khó để có một nhà đầu tư linh hoạt và hiệu quả hơn.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.