Sau khi đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín bầu người thay thế ông Trương Tấn Sang, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân cả nước.

Sáng 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Sau khi danh sách để bầu được thông qua, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu người thay thế Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân cả nước sau khi Nghị quyết bầu Chủ tịch nước được thông qua.

Ứng viên duy nhất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu làm Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang - Đại tướng, Bộ trưởng Công an.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các đại biểu có quyền ứng cử, đề cử vào danh sách bầu Chủ tịch nước.

Đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Khá bày tỏ mong muốn tân Chủ tịch nước thể hiện được tính thống lĩnh trong lực lượng vũ trang, là quản lý cao nhất Nhà nước về cả đối nội, đối ngoại, phải là người chính trực, liêm minh và gần gũi.

"Tôi mong Chủ tịch nước sẽ thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trên thế giới và giải quyết các vấn đề biển đảo trên cơ sở luật pháp chứ không phải đối đầu", bà Khá nói.

Nữ đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị cần có Luật Trách nhiệm của Chủ tịch nước để quy định rõ hơn nhiệm vụ, chức năng của người đứng đầu nhà nước. Bởi hiện nay, pháp luật quy định khi cần thiết Chủ tịch nước có thể yêu cầu Chính phủ báo cáo tham nhũng, trong những vụ án trọng điểm có quyền chỉ đạo... Tuy nhiên, những quyền này gần bà chưa thấy được thể hiện.

"Tôi đánh giá cao nhân sự do Uỷ ban thường vụ Quốc hội giới thiệu là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang - người rất bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm cao. Trong những vụ án lớn, ngay khi nắm thông tin, ông thường chỉ đạo làm ngay. Điều này thể hiện tính linh hoạt để giải quyết kịp thời những mong mỏi của người dân", bà Khá chia sẻ.

Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang năm nay 60 tuổi, quê ở Ninh Bình. Ông là giáo sư, tiến sỹ luật, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12, đại biểu Quốc hội khóa 13.

Sau khi tốt nghiệp trường Cảnh sát Nhân dân, ông trở thành học viên trường Văn hóa Ngoại ngữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), sau đó làm cán bộ ở Cục Bảo vệ chính trị I, II (Bộ Nội vụ), rồi Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II.

Ông học lý luận cao cấp tại Học viện Nguyễn Ái Quốc từ 1989 đến 1991, sau đó làm Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh. Năm 1996 ông lên làm Cục trưởng. Đến năm 2000, ông giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), ba năm sau được thăng hàm Thiếu tướng.

Tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 10, 11 của Đảng, ông đều được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 2011, ông được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa 13. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 năm 2011, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an, sau đó được thăng quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng.

Một năm sau ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Quyết định thăng cấp bậc hàm lên đại tướng.

Thời gian còn lại của ngày 2/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, giới thiệu, bỏ phiếu kín bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước.
Hoàng Thuỳ - Võ Hải (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.