Nhắc đến Sami Nour Kteily, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép PEB Steel, nhiều người trong giới doanh nhân Việt Nam đều biết. Không chỉ bởi ông đã từng là một nhà đầu tư tài chính, mà còn bởi sự hoà đồng và gắn bó của ông với Việt Nam trong suốt 18 năm qua và chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm nữa..

Dự cảm

7h sáng một ngày chủ nhật của 18 năm trước, trên ban công một khách sạn ở đường Nguyễn Huệ, một doanh nhân ngoại quốc lạ lẫm ngắm nhìn dòng người nhộn nhịp tại trung tâm TP.HCM. Ông ngạc nhiên vì giờ này ở Anh, nơi ông vừa rời đi, đến một con mèo cũng khó tìm thấy trên đường phố.

Ngay lúc đó, Sami Nour Kteily – tên của doanh nhân này, đã cảm nhận được tinh thần lạc quan, sự năng động và luôn hướng về phía trước, muốn làm việc và xây dựng cuộc sống mới trong mỗi người dân Việt Nam.

Sami nhớ lại: “Năm 1994 ở TP.HCM, khi đi trên đường, khách nước ngoài còn được mời đứng lại chụp ảnh vì không có nhiều người nước ngoài tại đây. Nhưng tôi có thể nghe được tiếng gầm của con sư tử từ trong lòng đất nước này. Mọi người suốt ngày nói về ký kết biên bản thỏa thuận, về hợp đồng, về kế hoạch kinh doanh. Cảm giác như ai ai cũng đang ấp ủ kế hoạch gì đó, họ muốn sản xuất, họ muốn nhập mọi thứ, muốn xây khách sạn lớn nhất và cao nhất…”.

Sami lúc ấy đang là nhân viên tài chính cho một công ty nước ngoài chuyên cung cấp các khoản tín dụng bao thanh toán forfighting cho các nhà xuất nhập khẩu tại các thị trường mới nổi. Nghề nghiệp khiến Sami luôn tiếp cận trực tiếp với những doanh nhân Việt Nam năng động.

Trong chuyến đến Việt Nam lần đầu vào năm 1994 ấy, một doanh nhân người Việt đã bay từ Đà Nẵng vào gặp Sami với ngỏ ý muốn ông tài trợ tài chính để mua các xe tải cẩu Liên Xô (cũ) đã qua sử dụng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh.

Một khách hàng Việt Nam khác có ý muốn dựng một nhà thép tiền chế diện tích 60.000 m2 làm kho chứa gạo với giá trị hợp đồng là con số may mắn 4,388888 triệu USD. Hợp đồng thanh toán trong 2 năm.

Sami bay về trong niềm hứng khởi vừa khám phá một đất nước đầy tiềm năng. Ông cần được một ngân hàng hạng nhất bảo lãnh để cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu sản phẩm thép tiền chế. Tuy nhiên, câu trả lời của các tổ chức tín dụng tại châu Âu là sự lo lắng: “Cái gì? Việt Nam à? Nơi đang có chiến tranh? Miền nào của Việt Nam: Nam hay Bắc?”.

Trong tâm trí của nhiều người nước ngoài vào thời gian trước năm 1994, khi báo chí quốc tế gần như thiếu vắng thông tin từ Việt Nam, Việt Nam là một quốc gia còn chiến tranh và không thể kinh doanh được. Sami vẫn rất nỗ lực thuyết phục: “Không. Hãy nhìn xem, tôi vừa trở về từ Việt Nam. Tôi an toàn và Việt Nam đang mang đến cơ hội kinh doanh cho chúng ta”.

Cuối cùng thì vị chuyên gia tư vấn tài chính cũng thuyết phục được ngân hàng bảo lãnh tín dụng cho hợp đồng may mắn đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng điều quan trọng có thể Sami chưa hề nghĩ tới trước khi đặt chân tới đất nước này, đó là những dự cảm vô cùng tốt đẹp, sống động trong lần đầu tiên đến Việt Nam đã gắn sự nghiệp của Sami Nour Kteily với đất nước tươi đẹp này.

Chọn và được chọn

Năm 1994, sau khi quyết định cấm vận kinh tế Việt Nam được Tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ, kinh tế Việt Nam đặt trọng tâm hội nhập, phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hoá. Các công trình, nhà máy, xí nghiệp trực chờ mọc lên, nhưng vốn, nguyên vật liệu và cả nhân lực đều thiếu.

Sau chuyến thăm vị khách hàng Việt Nam đầu tiên vào tháng 7/1994, Sami và đồng sự Adib Kouteili (hiện đang là Giám đốc của PEB) - chuyên gia về thép tiền chế đã quyết định ở lại Việt Nam, cùng thành lập công ty PEB vào tháng 11/1994. Từ một chuyên gia tài chính đến Việt Nam để tìm kiếm, kết nối các thương vụ kinh doanh, Sami cùng PEB Steel trở thành một trong những công ty đầu tiên mang công nghệ thép tiền chế vào Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Với lợi thế là người tiên phong, PEB phát triển nhanh chóng, hoàn thành xây dựng nhà máy thép tiền chế đầu tiên của PEB tại Việt Nam vào năm 2005. Các nhà máy tiếp theo cũng được xây dung lần lượt vào năm 2006, 2009 và gần đây nhất, PEB mở thêm nhà máy thứ 4 vào cuối năm 2011, giúp nâng tổng công suất sản xuất lên 120.000 tấn. Từ 4 nhà máy tại Việt Nam này, PEB lần lượt mở rộng nhà máy và hoạt động kinh doanh sang Australia, Myanmar, Indonesia, Philippines, Thái Lan. 60% sản phẩm của công ty dành để xuất khẩu.

Khởi đầu từ Việt Nam, hiện có trên 3.200 công trình bằng thép tiền chế trên khắp thế giới được xây dựng dưới thương hiệu PEB. Trong đó, có nhà máy thép tiền chế cao tới 45 m của Công ty DSM Nutritional Products (Thụy Sĩ) tại KCN Việt Nam - Singapore II hay nhà máy xử lý chất thải của Công ty California Waste Solutions (Mỹ) tại Bình Chánh (TP.HCM)...

Sami: Ở Việt Nam, đừng “ăn xổi, ở thì”

Mặc dù sản phẩm thép tiền chế PEB đang “nhúng tay” vào hàng ngàn dự án, nhưng bất ngờ là 4 nhà máy sản xuất tại Việt Nam của PEB có quy mô khá khiêm tốn, với mức đầu tư 18 triệu USD. Người đóng góp một nửa công xây dựng PEB thẳng thắn: “Sẽ là không hiệu quả về mặt đầu tư tài chính nếu đổ nhiều tiền mà không mang lại hiệu quả với tỷ lệ tương tự”.

Kết quả báo cáo tài chính đến cuối tháng 7/2012 của PEB cho thấy, 7 tháng đầu năm, Công ty đã đạt 70% kế hoạch cả năm. Điều đặc biệt, PEB là công ty nhà thép tiền chế nước ngoài hoạt động có lãi trong năm 2011, bất chấp khó khăn toàn cầu. Và trong lúc nhiều công ty loay hoay với các khoản lãi vay ngân hàng, PEB dường như bỏ ngoài tai vấn đề lãi suất đang xê dịch lên xuống mỗi ngày, vì trong két sắt luôn có lượng tiền mặt khá lớn. “Ngân hàng không thích chúng tôi”, Sami nói đùa khi chỉ cho chúng tôi thấy con số tiền mặt gồm 7 chữ số của công ty.

Hiệu quả mà Sami Nour Kteily tính tới không chỉ thuần tuý từ phía PEB. Ông Trương Vĩ Cường, Trưởng phòng Mua hàng công ty PEB, người đã có 7 năm làm việc tại PEB kể: “Đối với các nhà cung cấp, thì thời gian thanh toán càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, đối với Sami thì thời gian thanh toán phải hợp lý để đảm bảo lợi ích tối đa từ việc xoay vòng đồng vốn, cũng như thanh toán đúng hạn cho nhà cung cấp. Sami thận trọng, đòi hỏi cao ở công việc một cách khoa học và cũng rất… Việt Nam”

Không chỉ cộng sự người Việt cảm nhận được tinh thần Việt Nam trong người doanh nhân nước ngoài đã có tới 18 năm gắn bó với Việt Nam, ông Don Lam, Chủ tịch HĐQT Quỹ đầu tư VinaCapital kiêm Phó chủ tịch Cancham, người có cùng quốc tịch Canada và cũng có khoảng thời gian gần 18 năm sinh sống tại Việt Nam cũng đồng tình. “Sami là người nước ngoài nhưng rất hợp với Việt Nam. Bằng chứng là anh ấy đã ở Việt Nam 18 năm và tôi biết anh ấy sẽ còn ở đây lâu hơn nữa”, Don Lam nói. Năm 2008, trong vòng 12 tháng sau khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch Cancham, Sami đã giúp gia tăng lượng thành viên của hiệp hội này từ 125 công ty lên 200 công ty.

Khác với những bỡ ngỡ trong lần đầu chứng kiến sự nhộn nhịp của đường phố TP.HCM từ trên ban công, Sami giờ đang sống, hoà nhập vào sự nhộn nhịp đó. Ông đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.

Người đàn ông này không chỉ bận rộn với công việc kinh doanh, mà còn nỗ lực hướng dẫn tận tình cho các nhà đầu tư nước ngoài khác, những nhà đầu tư thực sự có mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Ông đã từng chia sẻ với các đồng nghiệp từ nhiều quốc gia khi đến Việt Nam, rằng: “Việt Nam đã có bước phát triển thần kỳ giai đoạn hậu 1994 mà cả thế giới phải công nhận. Hãy nhìn những gì người Việt Nam đã và đang làm để lựa chọn đầu tư tại đây”.

Nhiều nhà đầu tư tin ông, đến Việt Nam. Một trong hai người con trai của ông đang lên kế hoạch đến Việt Nam. “Tôi nghĩ con trai tôi sẽ có một tình yêu với Việt Nam như tôi”, Sami tin tưởng chia sẻ vào đúng 18 năm sau ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam.

Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học American of Beirut năm 1978.

Từng làm việc tại Tập đoàn kiểm toán quốc tế Arthur Andersen

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Canada (CanCham) tại Việt Nam trong suốt ba nhiệm kỳ từ năm 2008-2011.

Giám đốc điều hành và Ủy viên HĐQT Tập đoàn PEB khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đơn vị chủ quản của PEB Steel.
Theo Minh Thiên ( Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.