Kết thúc phiên toà phúc thẩm xét xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên, HĐXX đã tuyên y án 30 năm tù đối với “Bầu” Kiên về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Bầu Kiên tại phiên tòa phúc thẩm
5 đồng phạm của Kiên nguyên là lãnh đạo hoặc thành viên HĐQT Ngân hàng ACB cũng đã phải nhận hình phạt tương ứng với mức độ sai phạm của mình về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại tòa, một số bị cáo đã xin giảm nhẹ hình phạt với nhiều lý do, trong đó có lý do “nhận thức” hoặc do lĩnh vực tài chính, ngân hàng thời điểm đó có nhiều đặc thù...
Tuy nhiên, nhìn nhận lại thời điểm đó thì có thể thấy, những hành vi vi phạm ấy đã có thể ngăn chặn được phần nào nếu như các sai phạm tại chính Ngân hàng ACB trước đó được rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm và có sự giám sát chặt chẽ.
Qua hai phiên tòa, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đã làm rõ sai phạm của “Bầu Kiên” và đồng phạm trong việc thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank (hưởng lãi xuất chênh lệch), làm trái quy định tại Luật tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 718 tỷ đồng (do bị Huỳnh Thị Huyền Như- nhân viên Vietinbank chiếm đoạt); Ban hành chủ trương và ủy quyền cho Kiên chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư mua cổ phiến Ngân hàng ACB, trái quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687 tỷ đồng.
Vay tiền hỗ trợ lãi suất từ ACB, gửi luôn vào ACB lấy lãi chênh lệch
Có thể nói, bản chất của hành vi này là vi phạm, sai phạm trong nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng ACB. Nhưng không không phải đây là lần đầu tiên, ngân hàng này có vi phạm tương tự. Ngay từ năm 2009, khi Chính phủ có Nghị quyết, Thủ tướng có Quyết định và các hướng dẫn về việc cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp, cá nhân để phát triển sản xuất kinh doanh, ACB đã có hàng loạt các sai phạm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng ACB, ngân hàng này đã để xảy ra hàng loạt những khuyết điểm, sai phạm như sử dụng vốn không đúng mục đích theo phương án kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn và xác định hỗ trợ lãi suất không đúng nhu cầu thực tế phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng; cho vay không đủ căn cứ pháp lý hỗ trợ lãi suất tại hồ sơ tín dụng...
Theo TTCP, chỉ tính đến hết năm 2009, ACB đã cho vay đến 27.620 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất với số tiền hỗ trợ 278 tỉ đồng. Kiểm tra một số hồ sơ cho vay với tổng số tiền gần 13.000 tỉ đồng, TTCP đã phát hiện hàng loạt sai phạm với số tiền hỗ trợ lãi suất sai lên đến gần 23 tỉ đồng.
Cụ thể, trong việc chấp hành quy định về thẩm định trước khi cho vay, ACB đã không thẩm định chính xác tình hình kinh doanh của khách hàng để xác định thời gian cho vay phù hợp khi Chính phủ có chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất; việc xác định thời gian cho vay có ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền được hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước cho khách hàng nhưng ACB không tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay, thậm chí có những hợp đồng hạn mức, ngân hàng yêu cầu khách hàng cam kết kéo dài thời gian dư nợ vượt quá nhu cầu của khách hàng.
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tiền vay của khách hàng, kết quả kiểm tra hồ sơ cho vay đã chỉ rõ việc kiểm tra việc sử dụng tiền vay của khách hàng không được ACB tiến hành theo quy định, chỉ mang tính hình thức, đặc biệt sau khi khách hàng tiêu thụ xong hàng hoá không yêu cầu trả nợ. Chính điều này dẫn đến tình trạng khách hàng đã sử dụng vốn được hỗ trợ lãi suất sai với mục đích khi cho vay.
Điển hình là Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long đã vay vốn của ACB để thu mua lúa gạo nhưng công ty này đã sử dụng tiền vốn lưu động để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn tại các Ngân hàng khác thu lãi. Số tiền lãi thu được trong thời gian được hưởng hỗ trợ lãi suất là gần 3,5 tỉ đồng.
Ngang nhiên hơn, Công ty Lương thực, Thực phẩm An Giang không có nhu cầu vốn nhưng vẫn làm hồ sơ vay hưởng ưu đãi lãi suất, sau khi vay tiền hỗ trợ lãi suất từ ACB đã mang chính số tiền vay được để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn tại chính ngân hàng ACB nhằm thu lời chênh lệch... Như vậy nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn tài chính đã không đến được nơi cần, ngược lại nguồn vốn này được chính ACB đẩy vào địa chỉ không làm gia tăng giá trị.
Không kiểm soát thẻ tiết kiệm, ACB mất tiền vào tay Huyền Như
Những sai phạm này sau đó đã được ACB xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, việc thực hiện không nghiêm túc các quy định của Luật các tổ chức tín dụng đã tiếp tục dắt dây đến những sai phạm về sau này khi ACB có hẳn chủ trương mang tiền đi gửi ngân hàng khác.
Đây là hành vi đã được HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm vụ án “bầu” Kiên khẳng định là trái luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, các lãnh đạo của Ngân hàng ACB đã có chủ trương để giao dịch với Huỳnh Thị Huyền Như thông qua việc ủy thác cho an nhân viên nhiều lần gửi tiền vào VietinBank với số tiền hơn 1.100 tỉ đồng nhằm thu lời bất chính qua việc hưởng lãi xuất chênh lệch, lãi xuất vượt trần
Là người hiểu hơn ai hết các quy định của pháp luật liên quan đến ngân hàng, tài chính, các bị cáo thừa hiểu rằng, pháp luật hạn chế gửi tiền vào ngân hàng mà phải qua thị trường liên ngân hàng do NHNN quản lý, tránh việc thị trường tài chính bị méo mó, khó kiểm soát; Biết rõ ủy thác cho cá nhân lấy tiền từ ACB đi gửi ngân hàng khác là không đúng quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước nhưng các bị cáo vẫn chấp nhận “lách luật” để tìm kiếm lợi nhuận.
Vừa lách luật, vừa không thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro đối với tiền của mình khi chủ trương cho nhân viên ủy thác gửi tiết kiệm, Ngân hàng ACB và cả nhân viên được ủy thác đem tiền đi gửi đã không nhận Thẻ tiết kiệm, không kiểm soát giao dịch tiền trong tài khoản của mình nên đã tạo điều kiện để Huyền Như chiếm đoạt số tiền gần 718 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ACB đã gửi trên 37.000 tỉ đồng vào 29 tổ chức tín dụng nhưng ở các nơi khác. Nhưng do ACB làm đúng quy định nhận lại thẻ tiết kiệm nên dù chủ trương ủy thác này là sai phạm nhưng cũng không bị mất tiền. Chỉ có khoản tiền gửi cho Huỳnh Thị Huyền Như thì bị chiếm đoạt, bị mất do “phó thác” cho Huyền Như mà không cần biết số tiền này có được gửi vào VietinBank hay không? Biến động ra sao?
Như vậy, có thể thấy, những sai phạm tại ACB liên quan đến quy trình cho vay, gửi tiền tại ngân hàng đã có tính chất hệ thống từ nhiều năm trước và chưa được chấn chỉnh kịp thời dẫn đến những sai phạm tiếp theo, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại Tòa, Huyền Như thừa nhận, các nhân viên Ngân hàng ACB đã vì tham vào khoản lãnh vượt trần nên chỉ cần biết thu tiền về mà quên đi việc kiểm soát đồng tiền của Ngân hàng ACB, dẫn đến việc dễ dàng bị chiếm đoạt tiền với số lượng lớn và thời gian dài như trên./