Mua iphone ở Sing, rất dễ bị bẫy
Sau vụ việc một du khách người Việt phải quỳ lạy và khóc lóc để xin hoàn trả lại tiền khi mua Iphone 6 tại trung tâm thương mại Sim Lim ở Singapore, nhiều du khách người Việt cũng cho hay mình đã bị lừa tương tự.
L.K, sinh năm 1991, quê Hải Phòng kể rằng đã từng phải đưa thêm tiền mới lấy được điện thoại và mất trắng tiền vào tay cửa hàng Mobile Air khi anh cùng người chị họ sang Singapore năm 2013. Cả hai người đều không biết tiếng Anh.Cụ thể, khi K.vào cửa hàng Mobie Air để hỏi mua một chiếc Iphone 5 giá 850 SGD, nhân viên mượn hộ chiếu của K. và bảo ký giấy tờ, hóa đơn. Do mải xem máy nên anh này ký đại. Đến lúc cài ứng dụng cho máy xong, họ đòi anh phải trả thêm 600 SGD.
Sau một hồi kỳ kèo, L.K. cũng trả được xuống 450 SGD, đồng nghĩa với việc anh đã mua một chiếc Iphone 5 với giá 1.300 SGD.
Đến tháng 5/2013, K. lại đi cùng 2 người bạn gái của mình ghé cửa hàng này để mua máy vì nghĩ sẽ không thể bị lừa lần nữa. Ai ngờ, khi ký hóa đơn mua chiếc điện thoại Samsung giá 650 SGD, họ lại tự ý điền thêm vào phần trống là phí cài đặt mạng với giá 76 SGD/tháng và phải trả một gói 12 tháng là 912 SGD, không trả không được lấy máy. Hai cô bạn đi theo anh mua Iphone 4S cũng bị chèn ép y chang.
Hình thức này cũng được áp dụng với nhiều hành khách người Việt khác khi mua điện thoại tại Sim Lim Square. Mua SS Galaxy tab cho con, thành viên Long Nguyễn kể các cửa hàng cố tình dùng dằng làm thủ tục rất lâu 1-2 tiếng, đến lúc biết anh sắp phải ra sân bay liền in cả một sấp giấy tiếng Anh bắt anh ký. Thế là dính bẫy, anh phải trả thêm 100 SGD (sau khi thương lượng).
Đây là khoản tiền mà cửa hàng Mobile Air trả cho khách.
Không chỉ du khách người Việt phải bật khóc vì tức tối. Một sinh viên người Ấn Độ cũng đã phát khóc khi mua iPhone 6 tại một cửa hàng điện thoại ở Sim Lim Square, cũng với những chiêu bán hàng nhập nhằng như vậy.
Cô gái bị yêu cầu phải trả thêm 1.000 đô la Singapore, ngoài số tiền 999 đô la Singapore mà cô đã trả khi mua chiếc iPhone 6.
Gần đây nhất là vụ việc một khách nước ngoài tố cáo về cách bán hàng gian lận, sau đó cửa hàng đã hoàn trả bằng túi tiền xu nặng tới 18 kg.
Chiêu để hút khách du lịch ở các cửa hàng này là họ thường đưa ra mức giá rất thấp với các sản phẩm hàng công nghệ cao như Iphone, Ipad,... Bằng việc hỏi thông tin về chuyến du lịch của khách nước ngoài, nhân viên bán hàng thường đưa ra những lời gợi ý hấp dẫn. Không tìm hiểu kỹ, người mua rất dễ bị gài bẫy, buộc phải trả tiền với giá cao hơn so với giá ban đầu.
Các chủ cửa hàng ở Sim Lim còn gây sự chú ý vì hành vi đe dọa hoặc thậm chí cư xử bạo lực với khách hàng, những người không muốn mua sản phẩm của họ, hoặc muốn đổi hàng. Nhiều năm qua, Sim Lim Square liên tục bị bêu tên trên các mặt báo vì các chủ cửa hàng bán phim, game và video lậu. Năm 2012, một tổ chức xử lý các vụ khiếu kiện đã được thành lập ngay trong khu mua sắm này để giải quyết các vụ lùm xùm.
Cảnh giác khi mua sắm
“Qua đây, mình thành thật khuyên các anh chị đừng ôm mộng qua Singapore mà mua hàng điện tử giá rẻ nhé. Ở Việt Nam mình không thiếu những trung tâm điện máy sao mình không mua tại đó để đảm bảo, cớ gì cứ ham rẻ vài đồng rồi cuối cùng lại mang cục tức, cục hận vào người”, thành viên Hải Đức khuyến cáo.
Là một người làm trong ngành du lịch, ông Tommy Thien Vu chia sẻ, vấn đề thường gặp là khách du lịch thường không nhờ hướng dẫn viên du lịch tư vấn khi mua sắm vì sợ bị “chăn dắt”, hoặc quá tự tin trong khi trình độ và kinh nghiệm có hạn.
Bên cạnh đó, tâm lý “sợ” người nước ngoài, thần tượng hoá nước ngoài dẫn đến việc thiệt thòi cho bản thân. Đa số khách người Việt “thần tượng hoá người nước ngoài”, nhất là những quốc gia phát triển vì đơn giản suy nghĩ “nước họ phát triển hơn mình thì chắc văn hoá và trật tự xã hội của họ tốt hơn mình”.
Điều này hoàn toàn sai vì xã hội nào cũng có kẻ tốt kẻ xấu. Ở Sing cũng thường nhan nhản thấy mấy câu dặn dò: “Thief also go shopping” có nghĩa là “Ăn trộm cũng biết đi mua sắm” ở mấy siêu thị lớn hay trung tâm đông đúc. Cái tính "tôn sùng sự văn minh hơn nước mình" khiến ta chủ quan quá nhiều vì lẽ đó. Ngay cả khi phát hiện người bản xứ họ sai, mình cũng dễ dàng cho qua vì thấy khả năng của mình thấp kém hơn họ nên cứ mang tâm lý “thôi coi như mình xui” - Tommy Thien Vu viết.
Kinh nghiệm đi mua sắm ở Singapore, theo anh Đoàn Hoàng Sơn, một người đang sinh sống tại TP.HCM, trong lúc chờ đợi lấy máy, chỉ bằng những câu hỏi vu vơ như "anh qua Singapore chơi hả", "ở mấy ngày", "có vui không", "khi nào về"... là họ đã xác định được nên lừa khách hàng bao nhiêu cho an toàn để không bị phiền phức về sau. Cách phòng chống tốt nhất là không trả lời, giả bộ không hiểu tiếng Anh hoặc nói dối: "Tôi bắt đầu làm việc/đi học ở đây từ tháng này”.
Chia sẻ trên diễn đàn, một thành viên đưa ra lời khuyên đó là không ký vào bất kỳ giấy tờ nào, khi mua hàng chỉ nên trả bằng tiền mặt sau khi xem giấy biên nhận và lấy hàng. Nếu cửa hàng nào yêu cầu khách ký vào giấy tờ gì đó thì rất có thể là dấu hiệu lừa đảo.
“Khi đi mua sắm ở Singapore hay bất cứ đâu nên đi với người bản địa hoặc người thông thạo tiếng Anh để tránh sự cố đáng tiếc. Nếu không may mắn vô tình mua phải hàng có giá 'cắt cổ' tại Singapore bất kể tại đâu, bạn có thể gọi điện ngay cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Singapore CASE để được can thiệp kịp thời (Hotline: 6 1000 315, từ 9h sáng - 5h chiều thứ Hai đến thứ Sáu, hoặc từ 9h sáng - 12h chiều ngày thứ Bảy) để được giúp đỡ", một thành viên cho hay.
-
Qua Sing mua hàng, coi chừng dính chiêu 'chặt chém'
06/11/2014 8:39 AMCư dân mạng đồng loạt lên tiếng phản ánh về hoạt động kinh doanh thiếu chuyên nghiệp cũng như những chiêu lừa người tiêu dùng để cảnh báo du khách Việt Nam khi đi mua sắm ở nước ngoài.