Khi mà giới thượng lưu có vẻ bắt đầu mở hầu bao hơn so với thời kỳ khủng hoảng, đại gia bán lẻ Mỹ, Richard A. Baker đã mạnh dạn chi 2,4 tỷ USD để mua lại chuỗi cửa hàng thời trang xa xỉ Saks Inc. với kỳ vọng sớm kiếm lời từ ngành hàng chỉ dành cho dân nhà giàu này.

Richard A. Baker

Hôm thứ Hai, Công ty Hudson’s Bay của Baker thông báo đã đạt thỏa thuận mua Saks Inc., một trong những cái tên lâu đời nhất và được trọng vọng nhất trong ngành thời trang bán lẻ xa xỉ phẩm. Giá mua là 2,4 tỷ USD và được trả hoàn toàn bằng tiền mặt. Sau khi mua lại, Saks sẽ được sáp nhập với chuỗi cửa hàng giá cấp trung Lord & Taylor và chuỗi cửa hàng Canada của Hudson’s Bay.

Baker là kiểu doanh nhân trung thành với đứa con tinh thần của mình đến nỗi, vào thời điểm mua Lord & Taylor, ông thề sẽ trung thành với bộ vest hiệu Black Brown của chuỗi cửa hàng này. Tuy nhiên, ngay cả với sở thích đặc biệt với thời trang ấy, ông vẫn đủ tỉnh táo để tránh mọi kế hoạch đầu tư vô nghĩa mà rất nhiều nhà đầu tư trong ngành thời trang mắc phải. Theo kế hoạch, ông sẽ để các nhà quản lý cũ của Saks tiếp tục công việc ở đơn vị mới và để họ tự quyết định mọi kế hoạch về mặt thương mại thời trang.

“Ông ấy quan tâm tới tài chính hơn”, Walter Loeb, một chuyên gia phân tích lâu năm trong ngành bán lẻ, nhận xét.

Theo điều khoản của thương vụ, Hudson’s Bay Company sẽ trả 16 USD/cổ phiếu Saks bằng tiền mặt, cao hơn khoảng 4,5% so với giá đóng cửa của cổ phiếu này hôm thứ Sáu và cao hơn khoảng 30% so với giá đóng cửa hôm 20/5, ngày cuối cùng trước khi các thông tin về khả năng diễn ra thương vụ được công bố. Trên Sàn GDCK New York phiên ngày thứ Hai, cổ phiếu Saks đã tăng 4,18%, lên 15,95 USD.

Saks hấp dẫn không ít các nhà đầu tư, trong đó có Qatar Investment Authority, một tài sản cấp quốc gia của vùng Trung Đông, bởi chuỗi cửa hàng này vẫn mang lại khoản lợi nhuận lớn từ những người tiêu dùng giàu có. Doanh số năm 2012 của chuỗi cửa hàng này tăng 4,4%, lên 3,15 tỷ USD. Các lãnh đạo Công ty cho rằng, chuỗi cửa hàng sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn từ các khách du lịch giàu có nước ngoài, đặc biệt là các khách đến từ Trung Quốc, Nga và vùng Trung Đông.

Nhiều người đã từng đặt câu hỏi rằng, đầu tư vào các chuỗi cửa hàng có còn thích hợp hay không khi mà Internet và mua sắm qua mạng đang ngày càng phát triển, nhưng các chuyên gia phân tích rất lưu ý đến vị trí đắc địa của Saks, là Đại lộ Fifth Avenue ở New York.

“Không một khách du lịch nào lại thức dậy ở New York và nói: Bạn biết tôi sắp làm gì không? Tôi sẽ lên Internet và shopping”, Faye Landes, một chuyên viên phân tích bán lẻ ở Cowen nói. Baker nói rằng, cửa hàng của Saks ở Fifth Avenue đã đạt được kết quả kinh doanh rất tốt ngay tại một nơi có phí thuê cửa hàng thuộc vào loại cao nhất thế giới.

Bước sang tuổi 47, Baker hiện vẫn đang sống ở Greenwich, Conn., nơi ông – con trai một thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ – đã lớn lên. Năm 2006, Baker đã cùng với cha mình và hai nhà đầu tư bất động sản khác mua Lord & Taylor với giá 1,2 tỷ USD. Một vài năm sau đó, ông mua lại Hudson’s Bay và sáp nhập hai đơn vị làm một. Năm ngoái, ông đã đưa công ty hợp nhất này lên niêm yết ở sàn Toronto.

Saks và Lord & Taylor cùng kinh doanh những mặt hàng thời trang, nhưng lại ở hai phân khúc khác nhau. Vì vậy, với thương vụ này, Baker nói, ông định mở rộng thương hiệu Saks sang Canada, nơi hiện nay mới chỉ có duy nhất một chuỗi cửa hàng xa xỉ phẩm là Holt Renfrew. “Rõ ràng có dư địa cho một sự cạnh tranh nho nhỏ ở đây”, Baker nói.

Bên cạnh đó, Baker còn tìm cơ hội đầu tư ở cả lĩnh vực bất động sản. Ông chia sẻ với các chuyên viên phân tích rằng, ông dự kiến sẽ tập hợp các bất động sản có giá trị của ba chuỗi cửa hàng của mình và tạo thành một quỹ tín thác bất động sản (REIT), loại hình đang được ưu đãi thuế ở Mỹ. Sau đó, bằng việc bán chứng chỉ của REIT này ra công chúng, Hudson’s có thể thu tiền về để giúp trả một phần nợ. Các nhà bán lẻ khác, trong đó có chuỗi cửa hàng Mỹ Dillard và Hãng thực phẩm Canada Loblaw, gần đây cũng đã thành công với chiến lược tương tự.

Thêm nữa, đối với Baker, thương vụ này cũng sẽ giúp ông nâng cấp tủ quần áo của mình với các nhãn hiệu quần áo nam của Saks bao gồm những thương hiệu thượng lưu như Armani, Gucci và Ralph Lauren Black Label.

“Tôi rất thích thương hiệu Black Brown của chúng tôi. Nhưng rõ ràng, tôi sắp có thêm nhiều lựa chọn mua sắm nữa trong tương lai”, Baker hài hước nói.

Quang Minh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.