Đầu năm 2013, thị trường tuyển dụng nhân sự Việt Nam bỗng sôi động với việc VON (KiemViec.com và HRVietnam.com) sáp nhập với Tập đoàn CareerBuilder (Mỹ), trở thành CareerBuilder Vietnam. Đây là "mối lương duyên" mà Paul Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc của VON, người có 18 năm kinh doanh tại Việt Nam, cảm thấy rất hài lòng.

Năm 1995, lần đầu tiên tại Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, ra đời Công ty TNHH TMDV Huy Bảo, chuyên về vệ sinh công nghiệp tại Việt Nam. Khi đó, hỏi Paul Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc của Huy Bảo, một chuyên gia phần mềm được đào tạo bài bản ở Mỹ sao lại làm dịch vụ này, thì anh nhận định: "Kinh tế Việt Nam phát triển ngày càng nhanh, chính vì vậy sẽ có thêm nhiều cao ốc văn phòng mọc lên, người làm kinh doanh cần phải đi trước và nắm bắt cơ hội".

Để rồi, tiếp sau đó, năm 2004, Paul Nguyễn Hưng mở thêm dịch vụ "tìm việc làm", nhưng lần này được nâng cấp lên tầm hỗ trợ tìm việc trên mạng internet. Kết quả, sau 9 năm, đến đầu năm 2013, dịch vụ "người tìm việc" của Paul đã có kết quả viên mãn khi đứng cùng tập đoàn giải pháp nhân lực lớn nhất thế giới: CareerBuilder.

* Mua bán, sáp nhập tại Việt Nam thời gian qua vừa là cơ hội, cũng vừa do áp lực. Vậy thương vụ M&A với CareerBuilder nằm ở phương diện nào, thưa ông?

- Lực của doanh nghiệp Việt Nam để đi ra biển lớn chưa đủ. Do đó, doanh nghiệp chỉ có thể lựa chọn: phải tự mình đi ra toàn cầu để làm người đứng đầu, hoặc phải hợp tác sáp nhập với một "người khổng lồ” khác.

Ngay từ lúc thành lập, chúng tôi đã hiểu vấn đề này sẽ xảy ra, quan trọng là thời gian và thời điểm.

Khi mới ra đời, thị trường còn nhỏ, mà lĩnh vực ngành nghề của tôi lại liên quan nhiều đến internet, trong khi hạ tầng internet của Việt Nam mới phát triển, chỉ vài chục ngàn người sử dụng. Sau 5 năm hoạt động, có một số đối tác đề nghị hợp tác, nhưng chúng tôi từ chối vì chưa sẵn sàng.

Phải đến cuối năm 2012, chúng tôi mới chấp nhận. Hơn nữa, thời điểm này không hợp tác cũng không được. Chúng tôi hiểu mình như một "cái sạp nhỏ”, khi một tỷ phú đem đến cho mình một lợi nhuận bằng việc hợp tác hấp dẫn thì sao lại từ chối.

Họ cũng thể hiện rõ quan điểm chủ trương sáp nhập, chứ không "tranh giành" bởi thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ so với quy mô hoạt động toàn cầu của họ. Chúng tôi mất hơn nửa năm để đi đến thỏa thuận cuối cùng.

* Ông cũng từng có một thương vụ lớn với DFJ VinaCapital sau khi mới thành lập VON được hai năm. Vậy lần hợp tác thứ hai này cùng CareerBuilder đem lại cảm giác khác biệt như thế nào so với thương vụ đầu tiên?

- DFJ VinaCapital đầu tư vào công ty tôi năm 2006, nắm giữ 30%. Thỏa thuận đầu tư này diễn ra sau khi chúng tôi thành lập hai năm. Đây đơn thuần là đầu tư tài chính, và chắc chắn đến một năm tháng nào đó họ sẽ rút để thu về lợi nhuận.

Còn CareerBuilder lại là câu chuyện khác. Nếu năm 2006, dù chúng tôi chào bán với giá rẻ cỡ nào thì họ cũng không mua, không phải vì họ không có tiền, mà bởi đó là chiến lược của họ.

Hai năm đầu họ không biết chúng tôi có thể xây dựng một hệ thống chuẩn mực. Họ không muốn những thỏa thuận hợp tác phức tạp về mặt pháp lý và con người, cái họ cần là sự ổn định.

Ngược lại, khi đầu tư vào giai đoạn sau, chắc chắn họ phải trả cao hơn. Với CareerBuilder, ngoài việc có lợi về tài chính, thành quả lớn hơn nữa chính là biết chắc "đứa con" của mình sẽ tồn tại lâu dài trên thị trường.

* Mối hợp tác này như ông nói là "thời điểm thích hợp", nhưng cũng có thông tin cho rằng kinh tế khó khăn đã tạo sức ép buộc phải M&A?

- Đối với thị trường Việt Nam, kinh tế có chững lại, nhưng ngành tuyển dụng nhân sự chỉ chậm lại một chút, chứ không chịu quá nhiều tác động. Tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam có một đặc thù. Ví dụ, ngành sản xuất xe máy, năm nay bán 5.000 chiếc, năm sau có thể bán 1.000 chiếc.

Riêng lĩnh vực nhân sự, dù không tạo thêm công ăn việc làm cũng không có nghĩa không phát triển. Trong ngành này có một khía cạnh "rời công ty" vì lý do này, lý do khác. Khi đó, công ty sẽ phải kiếm người thay thế theo vòng luân chuyển.

Ngành này vừa được thụ hưởng sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, đồng thời cộng với đặc thù luân chuyển nhân sự, nên chúng tôi bao giờ cũng nhận được yêu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp.

Ngay chính thời điểm được coi là phát triển chậm, chúng tôi vẫn nhận được đặt hàng tăng lên vì thời gian đầu phát triển nóng, các công ty tuyển dụng theo kiểu quơ cào cho đủ nhưng không chắc có được ổn định.

Do đó, tận dụng thời điểm kinh tế chậm lại, các công ty rà soát lại nhân sự và tuyển vào một lượng nhân sự mới. Nhiều công ty thông báo giảm 500 nhân công, nhưng thực ra họ lại tuyển vào 500 nhân công khác.

* Một trong những kết quả của hợp tác với CareerBuilder là việc ông tiếp tục ở lại nắm giữ cương vị Tổng giám đốc. Nhưng đặt ra trường hợp, nếu phía CareerBuilder muốn thay Tổng giám đốc ngay từ đầu, ông sẽ chấp nhận?

- Tôi sẽ phải chấp nhận vì đã xác định cần phải bán công ty trong thời điểm này. Sáp nhập để toàn cầu hóa là đề tài lớn, còn chuyện giá cả, ở lại hay đi, tôi cho đó là đề tài nhỏ hơn.

Năm ngoái, có tới bốn công ty nước ngoài muốn mua công ty của chúng tôi. Nhưng chúng tôi thích CareerBuilder nhất, chính họ cũng đánh giá cao đội ngũ của công ty.

Do đó tôi không có gì lo lắng. Bởi ngay từ đầu họ đã khẳng định: "Các anh có quyền quyết định cái gì thì làm cái đó, chúng tôi không can thiệp. Vì các anh là người biết tốt nhất ở Việt Nam cần cái gì và làm như thế nào".

Đương nhiên họ là người quyết định đầu tư ngân sách bao nhiêu, và chúng tôi không làm gì vượt quá mức đó.

* Sáp nhập cùng CareerBuilder, ngoài cái lợi về tài chính, VON sẽ thừa hưởng một mạng lưới kết nối tuyển dụng khổng lồ của CareerBuilder?

- Do CareerBuilder là một tập đoàn quốc tế, nên khi chúng tôi sáp nhập, ngoài thị trường Việt Nam, người lao động sẽ được hưởng lợi hơn.

Ví dụ một doanh nghiệp về công nghệ thông tin ở Nhật, Đức, Pháp... cần kỹ sư phần mềm có kỹ năng, dù chưa từng có mối quan hệ nào với thị trường Việt Nam, nhưng qua CareerBuilder, họ có thể biết thông tin về nhân sự cần tìm ở Việt Nam nhờ hệ thống kết nối toàn cầu.

Hoặc ngược lại, những doanh nghiệp Việt Nam muốn bước ra sân chơi quốc tế, bản thân họ cần tuyển dụng nhân sự nước ngoài. Họ không cần phải đi Singapore, Ấn Độ, hay Trung Quốc... để tìm, mà chỉ cần mua dịch vụ từ CareerBuilder Việt Nam.

* Là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhưng ông sẵn sàng bày tỏ những quan điểm trái ngược với khách hàng của mình một cách thẳng thắn để đôi bên hiểu nhau hơn?

- Tôi nói một chuyện cụ thể là việc nhà tuyển dụng có nên ghi "mức lương thỏa thuận" hay không. Ở Việt Nam, tôi thấy phần đông chưa cởi mở trong vấn đề này. Phương Tây đã từng trải qua và chứng minh rằng nó không hiệu quả, nên bao giờ họ cũng đưa ra trước mức lương được hưởng.

Chúng ta hay có suy nghĩ, để nhân sự đến rồi lúc đó mới thỏa thuận mức lương. Nhưng với người tài, nếu làm cách đó sẽ rất dễ mất người.

Người giỏi họ không cần đi thương lượng, mà họ cần biết trước khi tới. Do đó, công ty cần người phải đặt ra câu hỏi ứng viên muốn gì, nghĩ gì và cần gì ở mình...

Trong khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam vẫn dừng lại ở bước làm theo ý mình muốn. Nếu để ý, tổng hợp 1.000 công việc cần tuyển dụng ghi là "lương thỏa thuận", thì thường các công ty đó sẽ trả lương thấp. Nhiều công ty nói: "Công ty tôi nhỏ, nên không dám đề ra mức lương trước".

Paul Nguyễn Hưng

• Sang Mỹ năm 1980

• 1983: Theo học tại Trường Đại học Fullerton (California, Mỹ). Sau đó làm việc cho Hãng Hàng không McDonald Douglass (đã sáp nhập với Boeing), Tập đoàn Bảo hiểm Metlife, Tập đoàn Toyota.

• 1990: Thành lập Công ty Saigon Travel.

• 1995: Thành lập Công ty TNHH TMDV Huy Bảo.

• 2004: Thành lập Công ty CP VON (Vietnam Online Network), chuyên về việc làm và tuyển dụng trực tuyến với hai sản phẩm KiemViec.com và HRVietnam.com

Đầu năm 2013, VON chính thức sáp nhập với Tập đoàn CareerBuilder, Mỹ, trở thành CareerBuilder Vietnam.

Thật ra suy nghĩ đó là chưa đúng. Ví dụ một người đến phỏng vấn, yêu cầu mức lương là 2.000USD, nhưng công ty thỏa thuận chỉ trả được 500USD.

Như vậy, thứ nhất là người đến phỏng vấn và nhà tuyển dụng đều mất thời gian, thứ hai ấn tượng về công ty đó sẽ xấu với ứng viên. Tuy nhiên, nếu lương bổng hấp dẫn, thông tin "mức lương thỏa thuận" sẽ trở nên thu hút.

* Cung cấp cùng lúc hai dịch vụ tuyển dụng lao động phổ thông và lao động cấp cao, bản thân ông hứng thú với đối tượng nào hơn?

- Điều kích thích lớn nhất ngay từ đầu thành lập công ty là ứng viên tìm được việc, chứ tôi không quan tâm chuyện đó là người lao động phổ thông hay cao cấp.

Việc thường xuyên chứng kiến cảnh những người đang tìm việc tập trung ghi ghi chép chép đông đúc tại các trung tâm giới thiệu việc làm, hay sinh viên mới ra trường phải vất vả đem hồ sơ đến từng công ty, nhà máy xin việc đã thôi thúc tôi thực hiện ý tưởng tổ chức dịch vụ cầu nối việc làm trên mạng, hỗ trợ những người đi xin việc, cũng là hỗ trợ các nhà tuyển dụng.

Việc nhận được hàng chục ngàn lá thư cám ơn khi người lao động nhận được việc làm, đem lại cảm giác rất khó tả trong tôi.

Chúng tôi có chính sách không bao giờ lấy tiền của ứng viên dù ngay cả khi họ đã có việc làm. Chúng tôi chỉ thu phí từ nhà tuyển dụng.

* Ông thường tỏ ra thích thú mỗi lần được chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và làm việc với các bạn trẻ. Vậy có khi nào ông đã thất nghiệp?

- Thật sự là chưa bao giờ tôi chịu cảnh thất nghiệp. Tôi xa nhà từ lúc bé, và không ngại phải làm gì vất vả cả, vì làm việc đối với tôi là niềm vui.

Từ nhỏ đến lớn, tôi có một thói quen là khi thích làm một cái gì đó, tôi sẽ đến gặp người chủ và nói: "Thuê tôi làm đi. Tôi sẽ không lĩnh lương trong hai tháng" bởi tôi biết mình chưa có kinh nghiệm, mà lại đòi một công việc hưởng lương ngay thì cơ hội sẽ là rất thấp.

Do đó phải chào người ta những gì không rủi ro, không tốn kém thì khó ai từ chối. Ngay cả khi đã vào một công ty nào đó, tôi cố gắng làm xong phần việc của mình, rồi muốn học hỏi thêm một lĩnh vực, tôi sẽ đề nghị làm phụ việc không công cho đồng nghiệp. Chẳng lẽ họ lại không chỉ dạy cho tôi!

* Ngay cả học việc để thành lập công ty cũng vậy?

- Đó là trường hợp với Saigon Travel. Năm 1989 tôi về Việt Nam chơi và thấy nhu cầu về nước du lịch của cộng đồng người Việt rất lớn.

Khi đó tôi gặp một người bạn Mỹ lớn tuổi đang có một công ty du lịch. Tôi cũng xin vào học việc ở đó.

Mỗi ngày tôi đến làm công việc đặt vé máy bay, làm thủ tục... cho khách hàng. Học trong vòng 6 tháng, tôi quyết định mở Công ty Saigon Travel.

* Có nhận định cho rằng ông xây nên nhiều nhưng cũng bán là chủ yếu?

- Đúng và tôi thấy đâu có gì sai. Với tôi, mọi thứ trên đời đều vô thường. Mình còn không tồn tại thì có cái gì tồn tại mãi được?

Vấn đề là ý nghĩa của sự tồn tại đặt trong các mối quan hệ. Sự sở hữu và tồn tại của một công ty hay gia sản phải mang lại ý nghĩa cho ai đó.

Người Á Đông có quan niệm về thừa kế tài sản cho con. Không sai nhưng việc thừa kế một công ty có thể khác.

Ví dụ, con tôi không có khả năng thì việc để lại công ty liệu có tốt không hay có khi trở thành cái họa cho nó và người khác?

Ngược lại, nếu mình bán công ty, nhưng con mình có khả năng thì nó có thể làm mọi thứ từ đầu như mình đã từng làm. Ngay chính trong công ty này, hiện không có bất kỳ người thân nào của tôi làm việc.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Mạnh (Doanh nhân Sài gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.