Từng là thầy giáo nhưng vì đam mê mà ông Trần Văn Tiếp chuyển qua gắn bó và thành công với nghề trồng hoa.
Ông Tiếp (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) kể, lúc đầu trồng hoa kiểng ông tưởng dễ nhưng khi vào nghề mới thấm thía câu “hoa cười người khóc”. Năm 1986, ông trồng 8.000 giỏ hoa cúc mâm xôi nhưng năm đó mưa nhiều lại chưa có kinh nghiệm nên cúc bị hư hỏng nặng. Năm 1987, ông trồng 10.000 giỏ cúc mâm xôi rồi thuê xe chở ra Đà Nẵng bán và tin chắc rằng sẽ hốt bạc vì “đã nghiên cứu xứ đó ít trồng loài hoa này”. Thế nhưng, tới nơi ông mới vỡ lẽ vào cận tết miền Trung hay có mưa phùn, sương muối không thích hợp cho cúc mâm xôi. Sau vài cơn mưa, hoa bị úng hết phải bán rẻ, thậm chí cho không. Kết quả, không có tiền mua vé tàu về quê ăn tết, ông phải lang thang ở Đà Nẵng, mua cây đàn đi hát rong kiếm tiền về quê.
Năm 1989, ông Tiếp đưa 2.000 giỏ hoa hồng ra Hà Nội với giá thuê xe là 12 lượng vàng. Lần này số hoa hồng được tiêu thụ hết nhưng bù đi trừ lại ông lỗ nặng vì chở xa lượng hoa bị hao hụt nhiều. Cả ba lần ông suýt tán gia bại sản, nhưng cũng từ đấy ông Tiếp đã tạo nền cho nhà vườn Sa Đéc trong việc chủ động đưa hoa đi xa tiêu thụ chứ không chỉ quanh quẩn trong vùng.
Cái duyên với hoa ôn đới
Những thất bại ban đầu đã giúp ông Tiếp điềm tĩnh lại với nghề, biết tính toán loại hoa, thời điểm cần trồng và tung ra thị trường phù hợp. Ông bảo, nghề hoa kiểng đã mang lại cho gia đình ông kinh tế ổn định, mỗi năm lời hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng mà nếu làm nghề giáo thì không bao giờ dám nghĩ tới.
Năm 2008, ông Tiếp chuyển sang trồng giống hoa thuộc vùng ôn đới. Với nhiều người, cái khó là làm sao để hoa ôn đới nở được ở vùng mưa nắng như Sa Đéc. Nhưng với ông Tiếp, đã trồng thì hoa phải nở, dù ở bất cứ xứ nào. Ông bắt đầu lấy giống hoa cát tường ở Đà Lạt về trồng, nhập hoa ly ly từ Hà Lan… Nhiều loài hoa ôn đới qua bàn tay ông đã trở thành giống hoa địa phương, trong đó có cây hương thảo (tên khoa học là Rosemary), một loài hoa có nguồn gốc từ Úc, có mùi thơm rất dễ chịu. Ông Tiếp nhớ lại: “Cây ở xứ lạnh đem về xứ nóng trồng như người ta thay da đổi máu nên công chăm sóc khó gấp trăm lần cây thường. Tôi nhập cây hương thảo về năm 2008, tốn gần 5 năm chăm sóc, theo dõi từng chút mới nắm rõ tập tính và thuần dưỡng được giống cây này bổ sung vào danh mục hoa kiểng Sa Đéc”. Năm 2013, ông tung ra thị trường 300 chậu hương thảo và bán hết sạch. Năm 2014, ông Tiếp trồng 3.000 chậu đưa ra thị trường và bán không còn chậu nào…
Tết Nguyên đán 2016 ông lại làm những người chơi hoa nhớ tên khi tung ra thị trường cây trúc mai - loài cây ôn đới có nguồn gốc từ Hawaii (Mỹ). Hơn 4.000 chậu trúc mai được tung ra thị trường với giá từ 40.000 - 250.000 đồng/chậu nhưng vẫn không đủ bán.
Bây giờ, tên tuổi ông Tiếp đã trở thành thương hiệu ở nơi được mệnh danh là xứ hoa Sa Đéc. Người ta thích tìm đến vườn hoa kiểng của ông Tiếp bởi lẽ mặt hàng của ông phong phú và giá cả đa dạng, đáp ứng cả người nghèo lẫn người giàu.
Thanh Dũng (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.