CafeLand - Một loạt những quyết định sai lầm của mình các CEO đẩy công ty mình vào tình trạng đáng báo động, giá trị cổ phiếu xuống đến mức đáng kinh ngạc, thị trường tẩy chay sản phẩm của công ty…Đứng đầu trong danh sách này là như cựu tỷ phú Brazil- Eike Battista, Thorstein Heins của BlackBerry, Ron Johnson của JC Penney và Eddie Lampert chủ tịch của Sears Holdings…

Họ đã tự làm tổn hại danh tiếng của chính mình và chứng minh với cả thế giới họ là những nhà lãnh đạo khủng khiếp.

1. Eike Batista - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn dầu khí OGX

Cựu tỷ phú Brazil Eike Batista từng tuyên bố muốn trở thành người giàu nhất thế giới nhưng giờ đây với những quyết định sai lầm của mình ông đã nhấn chìm Tập đoàn dầu khí OGX chìm ngập trong nợ nần. Chỉ trong vòng 20 tháng hơn 30 tỷ USD của Eike Batista mất sạch và tập đoàn mà ông sáng lập phải đệ đơn phá sản lên tòa án.

Hồi đầu tháng 10, OGX đã không thể thanh toán khoản lợi tức 45 triệu USD cho các nhà đầu tư trái phiếu. Đây được xem là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất lịch sử kinh tế Mỹ Latin. OGX từng được ví như "hòn ngọc" trong chuỗi các công ty do ông Batista sở hữu. Nhưng đến nay, cổ phiếu của hãng đã mất 99% giá trị kể từ đỉnh lập năm 2009.

Lúc giàu sang, Basista đã cho xây dựng cả một siêu cảng ở phía bắc Rio De Janerio. Ông còn mua lại nhiều công ty vận tải, đóng nhiều tàu chở dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, lời hứa của vị CEO này với các nhà đầu tư chỉ là hứa hão, lượng dầu trong kho dự trữ cũng bị phóng đại, 4/5 mỏ dầu của công ty đã bị bỏ hoang.

Eike Batista từng sở hữu khối tài sản ước tính trên 30 tỷ USD (theo Forbes), được xem là người giàu nhất Brazil và xếp thứ 7 trên thế giới. Nhưng cơ đồ của ông sụp đổ chỉ sau 20 tháng. Hồi đầu tháng 9/2013, Eike từ một tỷ phú đã xuống thành triệu phú, hiện ông sở hữu ít hơn 400 triệu USD.

2. Ronald Johnson - cựu Giám đốc điều hành JC Penney

Cựu giám đốc bán lẻ của Apple - Ron Johnson trở thành CEO của J.C.Penney vào tháng 11/2011. Chỉ sau một năm điều hành, ông đã làm tê liệt hẳn hãng bán lẻ vốn đang chật vật đứng lên này. Dưới sự điều hành của ông, J.C.Penney đã thực hiện hàng loạt thay đổi như loại bỏ các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tung ra logo mới và hàng loạt chiến dịch quảng cáo rầm rộ đã ngốn không ít tiền của J.C.Penney.

Nhưng tất cả những nỗ lực thay đổi này đều khiến khách hàng sụt giảm không phanh mà nguyên nhân ban đầu được xác định là áp dụng mô hình giá của Apple một cách máy móc, chính sách cắt giảm nhân sự gây hoang mang và sự bế tắc trong những chiến lược nhằm cải thiện hình ảnh....được coi là những “tội danh” lớn của chuyên gia bán lẻ từng rất nổi tiếng này. Cuối cùng, Ron Johnson đã phải từ biệt JC Penney như một trong những CEO thất bại nhất trong thập kỷ khi gây ra cho công ty khoản lỗ quý nửa tỷ USD, trong khi giá cổ phiếu cũng giảm từ 42 USD xuống chỉ còn 14 USD.

3. Eddie Lampert - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Sears Holdings

Năm 2003 thì Eddie Lampert là “anh hùng” khi kéo Kmart ra khỏi vũng bùn phá sản, sau đó mua lại tập đoàn bán lẻ Sears của Mỹ với giá 11 tỷ USD và sáp nhập Kmart vào Sears với tên gọi chung là Sears Holdings.

Từ khi giữ vị trí Chủ tịch Lampert không thực hiện được bất kỳ mục tiêu nào của công ty đặt ra. Sears là tập đoàn bán lẻ hàng đầu với tuổi đời lên đến 120 năm, đến nay có nguy cơ bị phá sản khi nền kinh tế gặp khó khăn. Từ năm 2004 - 2007, cổ phiếu Sears đã tăng từ mức 30 USD lên 170 USD. Tuy nhiên, từ khi Lampert làm chủ tịch, cổ phiếu hãng này giảm xuống còn 30 USD vào năm 2009 và 2012. Lampart đang hủy hoại Sears và khiến công ty bán lẻ này rơi vào tình cảnh khó cứu vãn.

Đáng lẽ ông nên bị sa thải từ nhiều tháng trước khi những kết quả ông tạo ra cách quá xa mức mong đợi. Eddie Lampert đã có hàng loạt quyết định sai lầm như: đầu tư vào công nghệ và chương trình thành viên của công ty nhưng không đầu tư vào cửa hàng và tiếp thị. Doanh số bán hàng giảm 27 quý liên tiếp khiến công ty đã lỗ ròng 800 triệu USD trong 3 quý đầu năm. Vay nợ lên đến 7 tỷ USD trong khi đó chỉ có 600 triệu USD tiền mặt. Không tiến hành cắt giảm chi phí khi kinh tế khó khăn…

4. Thorsten Heins - cựu Giám đốc điều hành BlackBerrry

Research in Motion (RIM) nay gọi là BlackBerry, từng chiếm gần một nửa thị trường điện thoại thông minh vào 4 năm trước, nhưng từ khi Thorsten Heins điều hành đã có những thay đổi mạnh mẽ nhưng không cần thiết khiến BlackBerrry lâm vào tình trạng khó khăn.

Mặc dù, Thorsten Heins đóng góp lớn vào sự ra mắt của hệ điều hành BlackBerry 10 và khiến BlackBerry "cởi mở hơn" về những khó khăn của công ty nhưng Heins vẫn có những quyết định sai lầm khi không tập trung hoàn toàn vào thị trường doanh nghiệp mà tập trung vào thị trường tiêu dùng rộng lớn nơi Apple và Google đang nhanh chóng giành thị phần.

Thorsten Heins bị nhiều nhà đầu tư đánh giá là kém trong việc giao tiếp với công chúng và dường như ông "câm điếc" trước tình hình ngày càng nghiêm trọng của BlackBerry. Theo báo cáo tài chính, vào mùa hè năm ngoái BlackBerry thua lỗ lên tới 1 tỷ USD và hàng nghìn nhân viên mất việc.

Thậm chí, BlackBerry từng có ý định “bán mình” với giá rẻ mạt 4,7 tỷ USD, khi nhà đầu tư Fairfax Financial ra giá. Tuy nhiên, BlackBerry lại kết thúc bằng một khoản đầu tư từ quỹ tài chính Fairfax Financial (Canada) thay vì việc sáp nhập.

Giá cổ phiếu BlackBerry giảm gần 60% trong 22 tháng điều hành. Cuối cùng, Thorsten Heins, người khiến mọi thứ ngày càng xấu đi trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình đã bị sa thải vào ngày 4/11.

5. Steve Ballmer - cựu Giám đốc điều hành đi Microsoft

Mặc dù, dưới thời điều hành của Steve Ballmer, Microsoft vẫn báo cáo hơn 20 tỷ USD lợi nhuận năm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những tài sản mà người tiền nhiệm của ông là Bill Gates để lại và vị trí độc quyền của hãng trong một số thị trường trọng điểm thì thực tế, Ballmer không làm được gì nhiều.

Dưới thời lãnh đạo của Steve Ballmer, khi thị trường ngày càng di động hóa, Microsoft vẫn chỉ là một công ty phần mềm và thất bại trong việc chuyển đổi sang mảng điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Năm 2000, khi Steve Ballmer lên giữ chức CEO, cổ phiếu Microsoft có giá 60 USD. Đến năm 2002, cổ phiếu Microsoft tụt xuống còn 20 USD và khó khăn lắm mới lên được mức 30 USD như hiện nay. Mặc dù cổ phiếu của Microsoft tăng trong năm nay nhưng nó đã giảm 36% trong nhiệm kỳ của Ballmer.

Bị các đối thủ bỏ xa trong một số sản phẩm như máy nghe nhạc Zune - đối thủ chính của máy nghe nhạc iPod của Apple. Thất bại trong việc cạnh tranh với Google khi tung ra Bing. Không tận dụng tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil.

Thêm vào đó, sau nhiều lần liên tục trì hoãn, sản phẩm mới của Microsoft tung ra không đủ tiên tiến để gây ấn tượng với người sử dụng. Trong khi Windows 7 và Office 2010 của Microsoft không khiến người dùng hài lòng.

6. Guido Barilla - Chủ tịch Barilla

Sự việc bắt đầu trong bài phỏng vấn trên chương trình phát thanh La Zanzara và sau đó được thông tấn xã Italia đưa tin lại. Guido Barilla chủ tịch thế hệ thứ tư của hãng sản xuất mì ống lớn nhất thế giới Barilla (công ty chuyên sản xuất thực phẩm đóng gói như mì spaghetti) nói: “Tôi không đời nào muốn dính dáng đến một gia đình ‘bê đê’, không phải xúc phạm gì nhưng hoàn toàn không chấp nhận được. Hình mẫu của một gia đình mà công ty chúng tôi nhắm tới là mẫu cổ điển với vai trò trung tâm là phải có người phụ nữ tề gia nội trợ và tôi không ủng hộ hôn nhân đồng tính”.

Ông Guido Barilla, người đứng đầu công ty mới đây đã có một bình luận mang tính kì thị và phân biệt nặng nề đối với người đồng tính. Hậu quả là đã có một chiến dịch tẩy chay sản phẩm của Barilla nổ ra mạnh mẽ đến mức ông Guido phải chính thức đưa ra lời xin lỗi nhưng mọi việc ngày càng tồi tệ hơn khi ông tiếp tục nhấn mạnh rằng gia đình truyền thống có liên quan đến thương hiệu Barilla. Trong quảng cáo của Barilla các gia đình truyền thống luôn là lựa chọn hàng đầu vì đây là biểu tượng của lòng hiếu khách và tình cảm cho tất cả mọi người và nói cách khác, các gia đình đồng tính không phải là gia đình.

7. Robert Benmosche - CEO Tập đoàn tài chính – bảo hiểm AIG

Tập đoàn tài chính – bảo hiểm AIG dù đang lỗ tơi tả nhưng vẫn mạnh tay chi thưởng cho lãnh đạo cấp cao, số tiền công bố chi tiền thưởng đợt đầu là 165 triệu USD và mức chi tổng cộng có thể lên tới 450 triệu USD. Việc mạnh tay chi thưởng trong thời buổi kinh tế khó khăn đã khiến dự luận phẫn nộ, vì AIG từng nhận 173 tỷ USD tiền bảo lãnh của chính phủ, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tổng thống Obama gọi vụ này là “một sự xúc phạm” do AIG đang sống nhờ tiền giải cứu.

8. Tim Armstrong - Giám đốc điều hành AOL

Trong một cuộc gọi hội nghị với 1.000 nhân viên, Tim Armstrong, giám đốc điều hành AOL đang nỗ lực để củng cố lại tinh thần nhân viên, sau khi thông tin cắt giảm nhân sự nổi lên, việc này khiến tinh thần làm việc của nhân viên bị sa sút.

Nhưng sau đó mọi thứ đi đột nhiên không như mong đợi khi Armstrong nói: “Abel, ngay bây giờ đặt máy ảnh xuống, anh bị sa thải. Ra ngoài!”. Điều này là một cú sốc đối với nhân viên vì người mà Armstrong đang nói chuyện trong đoạn ghi âm là Abel Lenz, Giám đốc sáng tạo của Patch. Được biết Lenz là nhân vật chủ chốt tại New York, thường xuyên chụp ảnh của người nói trong họp hội thoại toàn công ty để ông có thể gửi cho họ trên trang web tin tức nội bộ của Patch. Mặc dù, Abel Lenz đã xin lỗi nhưng ông vẫn không được quay trở lại làm việc.

9. Greg Gopman - CEO AngelHack bị sa thải vào tháng 10

Greg Gopman từng chia sẽ trên trang Facebook của mình: Tôi đã đi du lịch khắp thế giới và tôi phải nói không có gì lố bịch hơn đi bộ ở San Francisco. Vì trung tâm thành phố của chúng tôi đã bị tàn phá bởi những người vô gia cư, ma túy, những người vô học và thùng rác bốc mùi khắp nơi.

Ông còn tiếp tục chia sẻ: Họ là những người dưới đáy xã hội, họ chỉ bán những bộ nữ trang nhỏ, cầu xin một cách rụt rè, chó chạy lang thang khắp nơi, khạc nhổ, tiểu tiện lung tung…đó là một sự sỉ nhục.

Tuy nhiên, ngày hôm sau ông đã viết lại trên Facebook: Đêm qua, tôi đã nói những ý kiến không phù hợp về San Francisco và người dân kém may mắn ở đây. Tôi thực sự xin lỗi vì ý kiến của tôi đó...

Tuy nhiên, cộng đồng mạng xã hội trên Facebook và Twitter phản ứng rất dữ dội và này đã khiến Greg Gopman phải từ chức.

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.