Thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất được thai nghén chỉ vì chàng nhân viên Guccio Gucci quá mê mẩn vali của các vị khách.

Lịch sử ghi nhận nhiều nghệ nhân Tuscan (vùng đất miền trung Italy có thủ phủ Florence) thành danh, với đóng góp to lớn cho nền thời trang và phong cách Italy. Trong số đó phải kể đến cái tên Guccio Gucci, cha đẻ của thương hiệu xa xỉ Gucci.

Sinh năm 1881 ở thành phố Florence, Gucci là con trai một thợ làm đồ da Tuscan. Nhưng ban đầu, ông không mấy hứng thú với con đường giống cha. Từ tuổi thiếu niên, Gucci đã du ngoạn những nơi như London hay Paris và làm qua các công việc bồi bàn, rửa bát và lễ tân.

Tại London, chàng trai Italy là nhân viên hộ tống thang máy trong khách sạn Savoy trứ danh. Đó là thời điểm Gucci bắt đầu quan sát phong cách của rất nhiều vị khách giàu có và nổi tiếng, đặc biệt để mắt đến những chiếc vali họ mang bên người.

Guccio Gucci, con trai một thợ làm đồ da Italy, là cha đẻ thương hiệu thời trang ra đời năm 1921. Ảnh: Gucci.

Đến tận năm 40 tuổi, Gucci mới trở về Florence để nối gót cha theo nghiệp da. Ông quyết định kết hợp nét sành điệu từng được quan sát với nghệ thuật thủ công quê hương.

Gucci mở cửa hàng nhỏ bán đồ da cao cấp tại Florence năm 1921 (năm ra đời của thương hiệu Gucci), thuê những thợ thủ công Tuscan tay nghề cao để làm sản phẩm với sự tỉ mỉ cao nhất.

Khởi đầu, cửa hàng của họ bán túi da cho dân cưỡi ngựa. Rồi dần dần những phụ kiện da do Gucci sản xuất trở thành mặt hàng xa xỉ được săn lùng.

Hầu hết khách hàng tìm đến bấy giờ thuộc giới đua ngựa, điều tạo cảm hứng cho điểm nhấn kim loại trên các sản phẩm Gucci (đặc biệt là mô-tuýp hàm thiếc ngựa). Logo hai chữ G của Gucci được người con trai Aldo sáng tạo năm 1933, bằng cách lồng ghép 2 chữ cái đầu họ và tên cha mình.

Sau những năm đầu thành công, Gucci tiếp tục thử nghiệm loạt chất liệu khác cho sản phẩm của họ. Năm 1932, hãng cho ra đời mẫu giày lười đầu tiên với điểm nhấn đai kim loại mà phổ biến cho đến tận ngày nay, cũng như những chiếc túi xách quai tre thường thấy trên tay nhiều sao nổi tiếng. Với sự giúp đỡ của các con trai, Gucci cũng mở rộng công ty, khai trương cửa hàng ở Milan và Rome.

Túi xách với quai tre biểu tượng của Gucci trên tay công nương Diana tại Rome năm 1991. Ảnh: Gucci.

Những năm 50, dải màu xanh đỏ biểu tượng bắt đầu xuất hiện trên hàng loạt sản phẩm Gucci từ túi xách đến ví và lập tức thành công. Dải sắc màu này trở thành dấu ấn nhận biết thương hiệu thời trang xa xỉ Italy cho đến nay.

Năm 1953, Gucci là cái tên tiên phong cho thời trang Italy trên đất Mỹ, khi khai trương cửa hàng nước ngoài của mình đầu tiên ở thành phố New York. Chỉ 15 ngày sau đó, nhà sáng lập Guccio Gucci qua đời.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các con ông đem đế chế thời trang gia đình dần đổ bộ khắp thế giới. Nhiều cửa hàng Gucci trên toàn cầu lần lượt ra mắt sau khi Rodolfo Gucci và Aldo Gucci nối nghiệp.

Các ngôi sao điện ảnh và giới du lịch có tiền mang đồ Gucci đi nhiều nơi trong thập kỷ 50, 60 và biến thương hiệu này dần trở thành biểu tượng quốc tế. Hàng loạt diễn viên xuất hiện trong trang phục, phụ kiện và giày Gucci trên các tạp chí phong cách toàn cầu, đóng góp cho sự lan tỏa của hãng thời trang Italy.

Gucci được nhắc đến không chỉ bởi tinh hoa của nghệ thuật thủ công Italy, mà còn bởi những bộ sưu tập trang phục với phong cách độc.

Giày lười Gucci với đai kim loại huyền thoại lấy cảm hứng từ hàm thiếc ngựa. Ảnh: Gucci.

Công ty tiếp tục phát đạt qua thập niên 1970 nhưng những năm 80 đánh dấu đà tụt dốc của họ do những mâu thuẫn nội bộ gia đình. Maurizio Gucci, con trai Rodolfo, tiếp quản gia sản sau khi cha qua đời năm 1983 và gạt người bác Aldo sang một bên.

Tuy nhiên, vị chủ tịch này điều hành công ty thất bại và sau cùng phải bán lại toàn bộ cổ phần cho một tập đoàn ngoại quốc có tên Investcorp. Năm 1993 đánh dấu sự chấm dứt liên quan của gia đình Gucci đến đế chế thời trang Italy. Giai đoạn này, hình ảnh thương hiệu này cũng bị tổn hại trầm trọng khi hàng nhái Gucci bắt đầu tràn lan.

Tom Ford được chỉ định làm giám đốc sáng tạo Gucci năm 1994. Bộ sưu tập đầu tiên của ông cho thương hiệu năm sau đó thành công vang dội cả về mặt chuyên môn lẫn thương mại, giúp Gucci hồi sinh giữa làng thời trang.

Hiện tại, Gucci được điều hành bởi CEO Marco Bizzarri, còn nhà thiết kế Alessandro Michele giữ vai trò giám đốc sáng tạo kể từ năm 2015.

Gucci là thương hiệu thời trang được giới hip hop rất ưa chuộng. Ảnh: Vogue.

Ngày nay, Gucci là một trong những thương hiệu hàng tiêu dùng đắt đỏ nhất và nằm trong số công ty bán chạy nhất của Italy. Hơn 500 cửa hàng của họ đã có mặt trên toàn cầu.

Cuối năm 2017, Google tiết lộ Gucci là thương hiệu thời trang được tìm kiếm nhiều nhất trong năm, theo sau là Louis Vuitton và Dolce & Gabbana.

Bên cạnh đó, Gucci còn nổi danh là thương hiệu thời trang xa xỉ số 1 cho cộng đồng hip hop, với việc Kanye West, Jay Z, Rihanna hay nhiều nghệ sĩ hip hop hàng đầu khác đều diện hoặc nói về đồ Gucci.

Quốc Việt (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.