Sau khủng hoảng tài chính, các hãng cầm đồ tại Mỹ mọc lên như nấm do người dân khó vay ngân hàng.

Suttons & Robertsons tại Manhattan (New York, Mỹ) thoạt nhìn cũng như các cửa hàng bán lẻ cao cấp khác, với các kệ trưng bày vòng cổ kim cương, ngọc bích lấp lánh. Treo trên tường là một chiếc huy hiệu kiểu hoàng gia có hình hai con sư tử, phía dưới ghi năm thành lập là 1770. Tuy nhiên, chỉ khi nhìn kỹ, người ta mới phát hiện giữa hai hình sư tử là ba quả bóng trên một chiếc móc treo – biểu tượng quốc tế của các hãng cầm đồ.

"Chúng tôi chỉ tập trung vào khách hàng giàu có", Jeffrey A. Weiss - CEO của Suttons & Robertsons cho biết. Đây là cửa hàng đầu tiên của họ tại New York và sẽ được mở trong tháng này.

Với gần 250 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầm đồ cao cấp, Suttons & Robertsons (Anh) đã tới Mỹ để khai thác thị trường mà họ cho rằng rất triển vọng. Theo họ, nhu cầu đi vay của người giàu nước này đang tăng khi họ thường chi vượt dự tính và cần tiền gấp. "Ngày càng có nhiều người giàu thừa tài sản nhưng lại thiếu tiền tạm thời. Họ kẹt tiền, còn chúng tôi sẵn sàng cho vay tới hơn 1 triệu USD", Weiss cho biết trênNew York Times.

Suttons & Robertsons bày biện như một cửa hàng trang sức cao cấp. Ảnh: NYT

Một số website cầm đồ như Pawngo hay Borro đã mọc lên như nấm sau khủng hoảng tài chính 2008. Họ đồng ý nhận trang sức, đồng hồ và các đồ xa xỉ hơn thế, vận chuyển qua FedEx. Trong khi đó, Ultrapawn hay iPawn ra đời sau, còn nhận cả ôtô, các tác phẩm nghệ thuật và đá quý.

Weiss đã kiếm được cả gia tài nhờ điều hành các chuỗi cầm đồ tại 10 quốc gia. Tín dụng thắt chặt đã khiến ngày càng người dân New York tìm đến các hiệu cầm đồ. Với những người muốn vay vài nghìn USD, đồng hồ Rolex thường là vật bị đem ra cầm cố.

"Các tổ chức cho vay truyền thống đã rất lưỡng lự khi cho vay trong 5,6 năm qua. Thời gian khách hàng nhận được tiền cũng bị kéo dài. Trong khi đó, bạn vào cửa hàng của chúng tôi và có tiền chỉ trong một hoặc hai giờ", Weiss nói.

Tuy nhiên, lãi suất cầm đồ cũng rất cao. Nếu dùng Rolex vay vài nghìn USD, lãi này vào khoảng 12-60% mỗi năm với các cửa hàng online. Còn nếu là cửa hàng thật ngoài phố, con số này có thể lên tới ba chữ số.

Dù thế, lãi suất này cũng không cản trở các khách hàng như Mike Walsh. Walsh chuyên mua nhà, sửa sang rồi bán lại. Anh cho biết mình vẫn đi vay ngân hàng cho đến năm 2008, nhưng sau đó, mọi việc dần trở nên khó khăn. Sau khi lỡ nhiều mối làm ăn vì không đủ tiền, Walsh đã mang cầm vài chiếc đồng hồ Rolex tại Ultrapawn.

George Souri tại Ultrapawn cho biết ông coi những người giàu có như các công ty nhỏ vậy. "Khi một doanh nghiệp cần vốn để hoạt động và phát triển, họ có thể đến dùng tài sản kinh doanh để đi vay trên thị trường tiền tệ. Nhưng người tiêu dùng cao cấp thì không được làm vậy. Vì thế, họ tới chỗ chúng tôi", ông nói.

Ôtô cũng là mặt hàng cầm đồ được nhiều hãng chấp nhận. Ảnh: Borro

Souri cho biết ông có một khách hàng sở hữu nhiều căn nhà tại Chicago, Florida cùng vài chiếc Bentley. Vị khách này đã tới Borro, cầm cố một chiếc xe có giá 250.000 USD, để lấy tiền mua du thuyền. Ông này tin tưởng các khoản đầu tư khác sẽ sinh lời đủ để chuộc xe về.

Trong nhiều trường hợp khác, khách hàng chỉ đơn giản có quá nhiều hàng xa xỉ chẳng dùng hết, mà lại thiếu tiền chi học phí hay bồi thường sau ly hôn. Vì thế, họ tìm đến hiệu cầm đồ. Lo ngại của những người này chỉ là các cửa hàng có bảo đảm an toàn cho tài sản của họ hay không, nhất là những nơi chỉ kinh doanh trực tuyến và hàng hóa phải vận chuyển trên khắp cả nước.

Các hãng cầm đồ cao cấp kỳ vọng lãi suất hợp lý và khả năng cung cấp các khoản cho vay lớn trong 1-2 ngày sẽ giúp họ thu hút khách hàng. Paul Aitken – nhà sáng lập kiêm CEO Borro cũng cho biết họ ăn nên làm ra nhờ suy nghĩ chi tiêu hôm nay mà chẳng cần biết đến ngày mai của mọi người.

"Những nhà khởi nghiệp thường thích làm mọi việc ngay lập tức. Họ thường không phải là những người biết cách lên kế hoạch. Khi họ có tiền trong túi, họ thích mua hàng xa xỉ. Khi không có, họ lại dùng những đồ này cầm cố để lấy tiền cho dự án tiếp theo", ông nói.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.