Những số liệu thống kê trên cho thấy tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này ngày càng bất lợi, làm tăng thêm lo ngại rằng "con voi châu Á" đang mất dần động lực phát triển - Ảnh: Getty.
Khi voi tuột dốc
Hôm 9/8, Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng này vẫn cao hơn dự báo của giới phân tích, nhưng đây là mức tăng chậm nhất trong vòng 30 tháng qua. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, CPI cả năm 2012 của Trung Quốc sẽ tăng dưới mức mục tiêu 4%.
Một ngày sau, hôm 10/8, Tổng cục Thuế Trung Quốc công bố, trong tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chỉ đạt có 176,9 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sụt giảm mạnh so với mức tăng trưởng 11,3% của tháng 6. Nhập khẩu đạt 151,8 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 6,3% so với mức của tháng 6 liền trước.
Những số liệu thống kê trên cho thấy tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này ngày càng bất lợi, làm tăng thêm lo ngại rằng "con voi châu Á" đang mất dần động lực phát triển, bất chấp việc chính phủ nước này nỗ lực tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, nhằm giảm bớt những tác động từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khủng hoảng nợ châu Âu.
Trung Quốc tuy là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, song đã phải chịu nhiều tác động của khủng hoảng nợ công châu Âu vì đây là thị trường chủ chốt của Trung Quốc. Trong khi đó ở trong nước, thị trường bất động sản khá ảm đạm và chi tiêu cho tiêu dùng cũng yếu đi. Trong 7 tháng, xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia kinh tế của IHS Global Insight nhận định rằng lĩnh vực xuất khẩu Trung Quốc đang mất dần động lực tăng trưởng, và sự suy giảm về tăng trưởng xuất khẩu đến nhanh hơn mọi dự báo. Nhà kinh tế Trương Chí Vệ thuộc Công ty Nomura International Limited (HK) dự đoán hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới.
Cũng theo ông Trương Chí Vệ, con số tăng trưởng CPI tháng 7 mở cửa cho khả năng Trung Quốc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ và trọng tâm chính sách của chính phủ nước này là hướng vào tăng trưởng một cách rõ ràng hơn. Đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia phân tích khác, đặc biệt sau cam kết đầu tuần của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo sẽ điều chỉnh tích cực chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm nay và khẳng định các chính sách tín dụng sẽ được cải tiến để vực dậy đà tăng trưởng của nền kinh tế. Ngân hàng này cũng nhắc lại tầm quan trọng của một chính sách tiền tệ "hướng lên phía trước," tập trung và hiệu quả hơn để hỗ trợ nhịp độ tăng trưởng.
Châu Âu sa sút
Đã gần hai tuần trôi qua sau phát biểu "sẽ hành động" của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa hết kỳ vọng. Và sự kỳ vọng đó có thể sẽ còn chi phối tiếp trong tuần này, bởi những dấu hiệu gần đây cho thấy kinh tế châu Âu thực sự sa sút và rất cần một hành động mạnh bạo để đưa khu vực này tăng trưởng trở lại.
Theo thông báo ngày 8/8 của Bộ Kinh tế Đức, sản lượng công nghiệp tháng 6 của nước này giảm 0,9% so với tháng trước, trong đó lĩnh vực xây dựng giảm 2%, khu vực chế tạo giảm 1%, riêng sản lượng năng lượng tăng 1,2%. Thực trạng này đã cho thấy sản lượng kinh tế nói chung của Đức trong quý 2/2012 suy giảm 0,3%, sau khi đã giảm 0,1% trong quý 1 trước đó.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh cho thấy chiều hướng sụt giảm mạnh hơn trong những tháng tới. Theo các chuyên gia phân tích, số liệu trên chứng tỏ cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tác động xấu tới nền kinh tế lớn nhất khu vực này và đe dọa sức mạnh tổng thể của toàn bộ các nền kinh tế đang sử dụng đồng Euro.
Cũng trong ngày 8/8, Ngân hàng trung ương Pháp (BoF) cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này sẽ lâm vào suy thoái lần thứ hai trong vòng ba năm, với GDP dự kiến giảm 0,1% trong quý 3/2012, sau khi đã giảm với mức tương tự trong quý 2 và tăng trưởng 0% trong quý 1. Pháp đang gặp khó trong việc giành lại động lực tăng trưởng do cuộc khủng hoảng nợ.
Vẫn là ngày 8/8, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2012, viện dẫn mối đe dọa từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và việc các ngân hàng thắt chặt cho vay kéo nền kinh tế đi xuống. BoE dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng 2013 xuống còn 1,7%.
Nước Anh là đối tác thương mại lớn nhất của các nước trong Eurozone. Hiện nay, kinh tế Anh vẫn tiếp tục chìm sâu trong suy thoái kép, sau khi Cơ quan Thống kê quốc gia Anh cuối tháng 7 vừa qua công bố tăng trưởng âm trong quý thứ ba liên tiếp. GDP của Anh quốc đã giảm 0,7% trong quý 2/2012, sau khi đã giảm 0,3% quý 1 và giảm 0,3% trong quý 4/2011.
Các con số thống kê cùng dự báo của Đức, Anh, Pháp được đưa ra chỉ một ngày sau khi Italy công bố GDP quý 2 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Những điều này cho thấy, nền kinh tế châu Âu đang ngày một u ám hơn và rất cần tới một hành động kiểu như ông Mario Draghi đã tuyên bố về việc thu mua trái phiếu nhằm cứu vãn Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Nhận định giá cả
Tuần qua, những số liệu kinh tế Mỹ hầu như không tác động nhiều tới tình hình giao dịch hàng hóa trên các thị trường quốc tế, ngoại trừ báo cáo cuối tuần về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Tuy nhiên, sự kỳ vọng vào động thái của các ngân hàng trung ương châu Âu và Trung Quốc đã góp phần hỗ trợ chứng khoán Mỹ tăng gần như liên tiếp trong các ngày.
Tính chung cả tuần qua, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức tăng khá lớn. Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đạt mức tăng lần lượt là 0,9% và 1,1%, cùng xác lập tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite cũng xác lập tuần tăng điểm thứ 4 trong 5 tuần liên tiếp vừa qua, với mức tăng mạnh hơn hẳn là 1,8%.
Trong đó, đáng chú ý hơn cả là chỉ số S&P 500 đã có chuỗi ngày tăng điểm dài nhất kể từ năm 2010 tới nay và vẫn đang trụ vững trên vùng 1.400 điểm. Đây là tín hiệu tích cực trong một tuần nhiều dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy kỳ vọng của nhà phân tích đang chiếm thế chủ đạo trên thị trường, trong khi mức độ bi quan đã giảm xuống.
Về thị trường năng lượng, tính chung cả tuần qua, giá dầu thô hợp đồng giao sau trên sàn giao dịch hàng hóa New York đạt mức tăng 1,6%, đánh dấu tuần tăng giá thứ 4 trong vòng 5 tuần lễ liên tiếp vừa qua. Giá xăng giao sau tại New York cũng đạt mức tăng hơn 2% trong tuần, dầu sưởi tăng hơn 3%. Trong khi mặt hàng khí tự nhiên đã giảm giá gần 4% trong tuần qua.
Tuy nhiên, phiên cuối tuần trước, giá hầu hết các mặt hàng năng lượng đi xuống sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ bị hạn chế trong thời gian tới do kinh tế toàn cầu yếu kém. Thêm vào đó, tình hình kinh tế ngày càng sa sút của thị trường Trung Quốc cũng đã tác động xấu tới triển vọng tiêu thụ các mặt hàng năng lượng.
Trên thị trường kim loại quý, tuần qua, giá vàng kỳ hạn đã tăng kịch tính 0,29%. Nhiều chuyên gia phân tích dự báo đà tăng này vẫn sẽ kéo dài trong tuần này. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà phân tích cho rằng, có rất ít lý do cho giá vàng thử sức vượt ra ngoài mốc 1.640 USD/ounce, bởi tháng 8 thường được coi là mùa du lịch và là thời gian giao dịch chậm của mặt hàng vàng.
Ngay những người dự đoán giá vàng tiếp tục tăng trong tuần này cũng cảnh báo nhà đầu tư cần cẩn trọng. Tuần này, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố các báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 vừa qua. Dự kiến cả hai chỉ số PPI và CPI sẽ đều tăng khoảng 0,2%. Một số nhà kinh tế cho biết, con số có thể cao hơn do giá lương thực đã tăng cao.
Kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách tài chính tại Trung Quốc cũng sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự lên xuống của thị trường vàng tuần này. Theo chuyên gia kinh tế Donna Kwok của ngân hàng HSBC, Bắc Kinh cần nới lỏng chính sách tiền tệ trong vài ngày tới, thay vì vài tuần tới, để có thể ứng phó kịp thời với những yếu kém hiện nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
-
Ông Joe Biden có thể mang lại chiến thắng cho các nhà đầu tư châu Á
18/11/2020 11:14 AMChiến thắng của Joe Biden trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump theo công bố của truyền thông đã chứng minh lợi ích cho các nhà đầu tư Mỹ khi thị trường chứng khoán tiếp tục đà tăng điểm trong tuần qua.
-
“Nhà giàu” châu Á đầu tư như thế nào?
16/10/2015 9:48 PMCác công ty quản lý tài sản gia đình tại châu Á đang đầu tư nhiều hơn vào các tài sản ít thanh khoản như cổ phiếu cá nhân, bất động sản hay các quỹ đầu cơ thanh khoản.
-
Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý những gì trong tuần này?
13/08/2012 7:53 AMSự sa sút của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kỳ vọng của giới đầu tư quốc tế với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ sớm hành động thu mua trái phiếu nhằm giải cứu khu vực đồng Euro... có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tới các giá trị giao dịch hàng hóa trong tuần này.
-
Nhà đầu tư châu Á liều lĩnh nhất thế giới
12/07/2012 9:18 AMKhi thị trường biến động mạnh, người châu Á có tỷ lệ tiếp tục đầu tư cao nhất thế giới. Hơn nữa, họ có xu hướng thích tài sản rủi ro hơn hẳn các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây.