Trong vô vàn những thứ có thể bán mua, xúc cảm là điều khó có thể cầm nắm và ra giá nhất. Vậy mà, người chủ của hệ thống Zen Spa nổi tiếng của Việt Nam lại đang nương theo cảm xúc để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh.

Được và mất

Có thể với nhiều người, Nguyễn Lan Hương đã đi rất nhanh, đang trên đỉnh sự nghiệp và có thể an tâm dừng chân trong ánh hào quang.

Là chủ sở hữu của Hệ thống Zen Spa nổi tiếng của Việt Nam, có tên trong những cuốn cẩm nang du lịch Việt Nam của nhiều du khách trên thế giới, từng được Hiệp hội Spa châu Á – Thái Bình Dương xếp hạng là 1 trong 10 Spa của năm, tới đây sẽ khai trương Zen Spa thứ 5 với quy mô lớn nhất trong Hệ thống tại Đà Nẵng, với diện tích lên đến 5.000 m2 tại Khu biệt thự Đảo Xanh xinh đẹp bên dòng sông Thu Bồn...

Nhưng, đối diện với chị, nghe chị chia sẻ về những thất bại tưởng như không thể đứng dậy, về thời điểm chị đặt cược cả nhà cửa, sự nghiệp của chồng cho một kế hoạch kinh doanh, lúc quyết định bán chiếc xe máy duy nhất để có tiền mở cửa hàng, rồi hướng đi của Zen Spa từ phố về ngõ, về bản thân chị với niềm đam mê không dứt với triết lý “sống chậm”, về zen (tư tưởng thiền) với cảm nhận từ các giác quan và tâm tĩnh của con người ..., tôi tự hỏi, không hiểu người phụ nữ đẹp, nhẹ nhàng như chị lấy đâu ra nguồn năng lượng dồi dào đến vậy và rằng, nếu mặt đất thiếu chỗ cho những niềm đam mê của chị đặt chân, có thể chị sẽ lật tung cả bầu trời này lên để tìm kiếm.

Khởi nghiệp sớm, từ năm 18 tuổi, Nguyễn Lan Hương đã tạm dừng việc học hành cho niềm đam mê với trang điểm, làm tóc, nhất là khi chị có cơ duyên theo học nghệ nhân người Hoa kiều, được đầu quân cho cửa hàng áo cưới của Việt kiều đầu tiên ở Hà Nội. Khi vào những năm 90 của thế kỷ trước, dịch vụ này còn rất mới, không phải người nào cũng có đủ tiền để tiếp cận. Có lẽ vì vậy, cảm giác được làm đẹp, được cảm nhận niềm vui sướng và hạnh phúc của khách hàng đã không chỉ là sự thích thú của tuổi trẻ, mà nó ăn sâu, dần biến thành bản năng.

Sau này, trong rất nhiều công việc, từ làm thuê cho chủ hãng mỹ phẩm cao cấp đầu tiên của Hà Nội, rồi dám vay tiền từ ông chủ của chồng để nhập mỹ phẩm, trở thành chủ beauty salon, cũng như Hệ thống Zen Spa hiện tại, cảm xúc được nhìn thấy sự mãn nguyện của khách hàng đã giúp chị không những mở được cánh cửa hẹp nhất đến với khách hàng ở nhiều nền văn hoá, mà còn tìm được những ánh sáng hẹp trong những thời phút sinh tử.

Đến giờ, khi ngồi kể lại những thất bại trong sự nghiệp kinh doanh theo đề nghị của tôi để chia sẻ kinh nghiệm với những người đi sau, chị vẫn không nén được những giọt nước mắt. Có thể, vào thời điểm cuộc khủng bố 11/9/2001 kinh hoàng của nước Mỹ, chị đã không thể khóc khi khoản tiền 50.000 USD mà khách tin tưởng giao cho chị đặt hàng mỹ phẩm mà chị đang độc quyền kinh doanh biến mất theo sự sụp đổ của Toà tháp đôi, nơi đặt trụ sở của đối tác, biến chị từ chủ một Beauty Salon tiếng tăm thành kẻ phải trốn nợ. Mà đó lại không phải là biến cố lớn duy nhất trong sự nghiệp kinh doanh của chị.

“Nghĩ lại, tôi vẫn sởn gai ốc. Cái cảm giác trở thành tội đồ trong mắt khách hàng, những người mà tôi luôn dựa vào để tìm kiếm sự hưng phấn trong công việc vô cùng tồi tệ. Tôi đã từng nghĩ đến cái chết”, chị Hương nhớ lại những ngày trốn khách đòi nợ trên căn gác ở ngôi nhà đi thuê trên phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội).

Giống như cơn bão lớn bất chợt ập tới ngay khi bầu trời đang xanh ngắt, yên ả, cuốn phăng tất cả những gì đẹp đẽ nhất trước sự thảng thốt của con người. “Hốt hoảng, tiếc nuối và đau đớn, nhưng rồi điều quan trọng nhất mà tôi cảm nhận được là vẫn đang tồn tại, vẫn đầy cảm giác. Trên thực tế, sau biến cố lớn, thiên nhiên thường xuất hiện những điều kỳ diệu. Con người cũng vậy, khi ngôi nhà mới dựng bị bão làm sập, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn sẽ phải dựng lại một ngôi nhà mới. Ngôi nhà mới có thể to hay nhỏ, nhưng chắc chắn rằng, bạn sẽ biết cách để xây căn nhà mới vững chắc hơn nhiều so với cái đã mất trong điều kiện eo hẹp hơn”, chị nói.

Bắt đầu lại không ít lần từ con số không chính nhờ cảm xúc với từng khách hàng của mình khi tự tay chăm sóc, làm đẹp cho khách, chị đã dần định hình thương hiệu trong ngành kinh doanh... xúc cảm. Thật khó đưa đến cho khách hàng sự yên bình trong khi bản thân đang nổi sóng. Nhưng, đúng như chị nói, sống bằng cảm xúc thật của mình, điều tưởng như giản dị mà lại khó khăn nhất. Bởi, chỉ có sống thật, ta mới thực sự hiểu mình, biết khả năng của mình, bình tĩnh tìm được đến đích của ước mơ bằng con đường gần nhất, thực tế nhất.

Người chuyển lửa thiền

Ngay khi cảm nhận rằng, mình đang nắm được những ý tưởng mới mẻ về một hình thức chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp gần gũi với thiên nhiên, chị quyết định bán đi beauty salon ở trung tâm Hà Nội vừa vực dậy sau biến cố lớn với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng để đi học.

Nghe kể, hơn một lần, cả gia đình chị tá hoả bởi những ý tưởng xa vời. Khi mọi người mới quen với dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đơn giản, thì chị đã lại ám ảnh về một dưỡng đường với cây xanh, sự cô tịch, nơi con người được thư giãn bằng tất cả ngũ quan… Đất chẳng chịu trời thì trời đành chịu, gia đình lại cùng chị gom góp những khoản tích cóp sau khi đã trả hết các khoản nợ, dồn vào các khoá đào tạo ở nước ngoài...

“Tôi đã đi, đã đến và cảm nhận được sự hoà quyện của mọi người, không kể màu da, tôn giáo, quốc tịch, trình độ văn hóa ở một số Spa trong khu vực. Nhưng điều đó chưa đủ, tôi muốn chuyển tải nền văn hoá Việt Nam giàu bản sắc, giới thiệu cuộc sống gần gũi thiên nhiên, cây cỏ, hương liệu của trời, của đất mà bao đời người Việt đã quen với nồi nước xông của mẹ, của bà… Trời thử thách tôi nhiều, nhưng cũng đem lại cho tôi nhiều cơ hội để tôi thể hiện”, chị Hương kể lại sự ra đời của Zen Spa với tư tưởng đậm chất thiền trong khuôn viên của Khách sạn Thắng Lợi Hà Nội vào năm 2003.

Phải nói là, Zen Spa xuất hiện trong sự ngỡ ngàng và lo lắng của không chỉ gia đình chị, mà cả chính cả vị giám đốc Khách sạn, người đã buộc phải chấp thuận cho chị sử dụng khoảng đất cỏ dại của Khách sạn bởi nể tài thuyết khách, nể sự đam mê của chị chứ không hẳn do tính khả thi của dự án dường như quá nhiều cảm xúc, cảm giác và quá thiếu tính thực tế… Hơn nữa, lúc đó, việc chị bỏ trung tâm chăm sóc sắc đẹp ở trung tâm Hà Nội về vùng ven đô vắng vẻ cũng được xem là “có vấn đề”…

Tôi có cảm nhận, chính trên con đường tìm kiếm cảm xúc, chị đã gặp được khe sáng từ chính những khách hàng thân thuộc khi họ tâm sự về một cơ sở làm đẹp mà ở đó, họ có thể tạm rời bỏ cuộc sống bon chen để sống chậm, sống thật, nơi mà chân, thiện, mỹ được phô bày tự nhiên và gần gũi. Chính khách hàng của chị đã giúp quảng bá niềm đam mê về một nơi làm đẹp thuần Việt ra thế giới, đưa đến với chị những người cùng chí hướng... Ngay cả đội ngũ nhân viên của Zen Spa, cả những người nhận chuyển nhượng thương hiệu Zen sau này cũng thành những người truyền lửa thiền cùng chị...

Hiện tại, kế hoạch khai trương Zen Spa Đà Nẵng đang được hoàn tất. Bài toán về thương hiệu, tầm nhìn, định hướng phát triển và đặc biệt là việc thiếu hụt kỹ năng quản lý mà chị đã có lúc phải dừng công việc để đi học dần được tháo gỡ. Zen Spa không còn là cuộc chơi đơn thuần...

Nhưng như một chiếc xe, sau mỗi chặng đường cần phải bảo dưỡng để đi tiếp đoạn đường dài hơn. Với những khắc nghiệt do bão suy thoái, chị cho biết đang che chắn, rào rậu nhà cửa kỹ hơn. “Tôi đang ở bước chậm nhất so với tốc độ làm việc của những năm trước, thấy cần chùng xuống sau những khúc quanh. Tôi ưa lối sống không nhiều nguyên tắc. Như một sự luân chuyển của tự nhiên, tôi cảm thấy có những bước chuyển cứ sau một chặng, khoảng 5 năm. Nếu không do khách quan, thì chính mình cũng cần làm điều gì đó để làm mới mình. Tôi sợ sự nhàm chán, tẻ nhạt khiến mình không còn lửa cho đam mê”, chị Hương lại bắt đầu về không gian Spa tại Đà Nẵng do chính tay chị sắp xếp. Rồi kế hoạch sản xuất hương trầm với những công thức bí truyền của người Việt...

Chuyện trò với Nguyễn Lan Hương

Chị là người quá nặng cảm xúc?

Tôi nuôi dưỡng tư duy bằng cảm xúc, điều tiết sao cho những gì đang nghĩ gần nhất với thực tế, rồi phiêu diêu theo nó. Khi cảm xúc đã thành ý tưởng chín muồi, thì thực hiện chỉ là thời gian.

Cuốn sách nào ảnh hưởng tới chị nhiều nhất?

Cách đây gần 20 năm, tôi đã đọc “Kinh doanh - Mồ hôi - Nước mắt và Nụ cười”, kể chuyện có thật về những doanh nhân thành đạt. Tôi nhớ mãi chuyện người đàn bà buôn sắt vụn ở La Thành, nhờ cần mẫn, sáng tạo đã trở thành doanh nhân nổi tiếng. Câu chuyện của bà đã đem lại cho tôi ước mơ về tương lai của mình.

Chị có thần tượng ai không?

Steve Jobs, người đã sống, làm việc theo bản năng và đam mê cháy bỏng với cảm xúc của chính mình dẫu sự nghiệp có nhiều biến cố...

Chủ một hệ thống Spa như chị chọn cách thư giãn nào cho riêng mình?

Nhạc thiền, các phương pháp thiền hoặc gặp gỡ bạn bè để nói chuyện và làm cho mọi thứ xung quanh đơn giản nhất có thể.

Chị dạy con cái thế nào?

Tôi luôn gieo cho các cháu niềm tin vào những ước mơ của chính các cháu trong tương lai.

Có bao giờ chị cảm thấy phải dừng lại?

Chúng tôi cũng không còn quá trẻ, nông nổi. Vì thế, mọi thứ sẽ chỉ dừng lại khi đối diện với những việc không giống như bản chất và con người của mình. Khi đó, chắc chắn không cần ai khuyên, tôi sẽ dừng lại để được là chính mình.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.