Ẩn giấu đằng sau vẻ đằm thắm, dịu dàng của một người phụ nữ dành cho gia đình nhiều hơn là sự mạnh mẽ, tầm nhìn của một “nữ tướng”.

Chị Nguyễn Đoàn Kim Sơn, Phó tổng giám đốc Bách Khoa Computer

1.Trong suốt câu chuyện mà Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Bách Khoa (Bách Khoa Computer - BKC) Nguyễn Đoàn Kim Sơn kể với chúng tôi, luôn có bóng dáng của một người đàn ông, người luôn ở bên cạnh chị, động viên, chia sẻ và cùng gánh vác công việc kinh doanh của BKC. Đó là anh Trần Việt Quân, vậy Trần Việt Quân là ai?. Trần Việt Quận là Tổng giám đốc BKC và cũng là người bạn đời của chị. “Ông xã tôi lo chiến lược, còn tôi lo điều hành trực tiếp”, chị kể thế.

Có lẽ nhắc đến BKC, người ta thường biết đến chị Sơn nhiều hơn là anh Quân. Tuy giữ trọng trách tổng giám đốc, nhưng anh lại thường lùi về phía sau. Chị vốn giỏi giao thiệp nên chịu trách nhiệm đối nội, đối ngoại, lo những việc tỷ mỷ, cụ thể trong Công ty. Còn anh, vốn giỏi về công nghệ, luôn đứng sau vạch đường đi nước bước, hoạch định chiến lược tiến lui. Cả hai vợ chồng đã đồng hành như thế từ năm 1997, khi vừa cùng tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM. Thời điểm đó cũng là lúc cửa hàng đầu tiên, “tiền thân” của BKC ra đời.

Tâm sự với chúng tôi, chị cười vang: “Nói cửa hàng cho nó sang, chứ thực ra, nó chỉ rộng có 4 m2. Ngoài hai cái máy tính, một cái máy photocopy cũ để chuyên nhập liệu và in thuê luận văn cho sinh viên thì không còn gì thêm, ngay cả toa-lét cũng… không. Nhớ lại thời chật vật vay mượn gia đình và họ hàng mãi mới được 60 triệu đồng để mở cửa hàng, suốt ngày phải ăn hủ tiếu gõ, cơm nhà tự nấu mang theo từng cà mèn và làm việc lọ mọ đêm hôm đến 2-3 giờ sáng trong suốt những năm đầu, mà vợ chồng tôi và anh em BKC kỳ cựu vẫn thấy vui”.

Nhưng đến cuối năm đó, anh chị đã trả hết nợ và chuẩn bị nghĩ tới những kế hoạch dài hạn hơn. “Và cứ như thế, từ năm 1997 đến tận năm 2008, doanh thu của BKC luôn năm sau cao gấp đôi năm trước. Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng nhất là năm 2000, khi BKC chính thức ra đời”, chị say sưa kể.

Suốt một thời gian khá dài, Bách Khoa Computer là cái tên rất nổi tiếng trong giới công nghệ thông tin TP.HCM. Sau này, bắt đầu lan ra đến Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Nhưng BKC chỉ nổi tiếng với dân kinh doanh sỉ ngành công nghệ thông tin, chứ khách hàng trực tiếp thì chưa, vì số lượng cửa hàng của BKC trước năm 2008 khá khiêm tốn. Công ty tập trung vào bán sỉ và sửa chữa, bảo hành, chứ không bán lẻ. Nói một cách chính xác, BKC là công ty chuyên nhập khẩu trực tiếp để cung cấp hàng hóa cho các nhà phân phối trong cả nước. Trần Việt Quân là một kỹ sư giỏi và cái tài của anh là biết đâu là “hàng độc”, đâu là những sản phẩm công nghệ hàng đầu có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ. Còn việc của Kim Sơn là kết nối cung - cầu.

2. Năm 2008 là thời điểm khó khăn của kinh tế thế giới, chứ chẳng riêng của một BKC, vốn đang trên đà phát triển. Là nhà nhập khẩu, lại gặp ngay tình trạng chênh lệch tỷ giá ngoại tệ chính thức và chợ đen quá lớn khiến càng nhập hàng càng lỗ. Thêm vào đó, đối tác kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Họ trả nợ rất chậm trong khi vẫn lấy hàng gối đầu liên tục. BKC bán hàng mà chưa thu được tiền, lại thêm vay nợ ngân hàng với lãi suất cao, dẫn tới càng kinh doanh càng lỗ. Vì thế, một quyết định mang tính bước ngoặt được đưa ra: thay vì bán sỉ, BKC chuyển sang bán lẻ.

“Vào thời điểm chúng tôi quyết định thay đổi mô hình kinh doanh, nhiều bạn hàng của BKC đã tỏ ý không hài lòng. Trước đây, chúng tôi là nhà cung cấp hàng hóa cho họ, còn bấy giờ, lại là đối thủ trực tiếp của họ”, chị nói.

Các bạn hàng dần dần giảm nhập hàng từ BKC, mặc dù Công ty vẫn luôn có chính sách chiết khấu, trợ giá hợp lý giữa hàng sỉ và lẻ. Không chỉ không thể giữ chân mãi những khách hàng lâu năm của mình, BKC còn phải đương đầu với thách thức rất lớn là cạnh tranh với hệ thống bán lẻ vốn tồn tại lâu năm hơn BKC rất nhiều trên thị trường cả nước.

“Kinh tế thị trường mà, phải chấp nhận cạnh tranh thôi”, chị tiếp tục câu chuyện với giọng sôi nổi. “Hồi mới bắt đầu ra kinh doanh lẻ, mọi thứ khó khăn lắm. Khó khăn không chỉ vì thị trường bắt đầu bị thu hẹp, trong khi ngày càng nhiều nhà bán lẻ đã thành danh chiếm lĩnh gần hết thị trường, mà còn vì BKC phải đối mặt với một sự thay đổi lớn về quản trị. Lúc trước, BKC là công ty bán sỉ nên nhân viên cả hệ thống chỉ cần vài chục người, nói là quản trị công ty nhưng thực chất mang tính gia đình nhiều hơn. Còn nay, muốn bán lẻ, thì không thể chỉ bó gọn trong vài cửa hàng, cũng lại phải tập trung cho quản trị hệ thống, quản trị con người. Rất nhiều thứ quá mới mẻ, nên gần như trong hai năm đầu tiên, 2008 - 2009, chúng tôi chỉ lo học, đi học và đi học… Chúng tôi quá chủ quan vì nghĩ rằng mình bán sỉ thành công thì cũng làm được thế với bán lẻ. Nhưng mọi chuyện không đơn giản vậy. Kinh doanh không hiệu quả, vốn thì cạn dần…”, chị mỉm cười.

Hỏi rằng, có tiếc số vốn bị thất thoát không, thì chị thẳng thắn rằng không, bởi đó là học phí cần thiết phải bỏ ra để tiếp thu và trải nghiệm thực tế. Không có những thất bại đó, anh chị và ban quản trị BKC không có được kinh nghiệm quý giá để tiếp tục xây dựng hệ thống phân phối lẻ cho BKC ngày càng tiến bộ hơn về sau. Vượt qua thất bại của hai năm đầu tiên, từ năm 2010 tới nay, cứ vài ba tháng lại có thêm một cửa hàng của BKC được mở ra. Doanh thu liên tục tăng trưởng và tới giữa năm 2011, chuyện bán sỉ đã hoàn toàn chấm dứt.

Tới thời điểm hiện nay, hệ thống BKC ba miền Bắc - Trung - Nam đã có 40 cửa hàng, với 800 nhân viên đang làm việc tích cực. Ở BKC, mức lương cho nhân viên dao động khoảng 2,5 - 8 triệu đồng/tháng, tùy vị trí. Còn cán bộ quản lý, từ 10 triệu đến 25 triệu đồng/tháng, tùy bộ phận. Mức lương này có thể chưa thật sự hấp dẫn, nhưng anh chị em BKC đều gắn bó với Công ty vì hơn hết, mọi người hiểu rằng, BKC không chỉ dừng lại ở đây.

Nếu so với cửa hàng 4 m2 đầu tiên vào năm 1997, thì nay có thể nói, BKC đã có một cơ ngơi rất khá. Nhưng với chị Sơn, tài sản quý nhất của BKC chính là con người, chứ không phải là những khoản mục ngân hàng. “Chính những trái tim nhiệt huyết đó đó đã làm nên thành công cho BKC hôm nay. Và ban quản trị chúng tôi vô cùng biết ơn những anh chị em đã cống hiến hết mình để BKC tồn tại và lớn mạnh”, chị nói.

Tự tin thế, nên Nguyễn Đoàn Kim Sơn luôn cho rằng, hệ thống của BKC sẽ thành công, bất chấp thị trường đang suy giảm, bất chấp các hệ thống điện máy đang gặp khó khăn. Năm 2011, doanh thu của BKC trong TP.HCM là 400 tỷ đồng. Của miền Bắc và miền Trung cũng chừng ấy nữa. 6 tháng đầu năm nay, dù không còn thuận lợi như thời bán sỉ, ở TP.HCM, BKC vẫn đạt doanh thu 35 - 38 tỷ đồng/tháng. Ở miền Bắc có chậm hơn, còn miền Trung, vẫn ngang bằng năm trước.

“Có thể, quy mô của BKC sẽ không bằng nhiều nhà bán lẻ khác, nhưng chúng tôi có thể tự tin để cạnh tranh bằng sự khác biệt”, chị Kim Sơn nói, giọng chắc nịch.

3. Vào thời điểm này, cả chị Nguyễn Đoàn Kim Sơn và anh Trần Việt Quân đều đã lùi lại phía sau. Anh chị muốn dành cơ hội cho cho những người kế cận, trẻ hơn, giỏi hơn đứng ra điều hành BKC. Còn anh chị đang chuẩn bị để “lấn sân” sang một địa hạt khác là giáo dục và đào tạo. Với chị, trước hết là kế hoạch mở một trường mầm non theo mô hình hiện đại ở Cà Mau, để khi có một mô hình chuẩn thì nhân rộng ra các tỉnh, thành phố lớn. Còn với cả anh và chị, hai người đang phát triển hơn nữa hệ thống các lớp học về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh… mà lâu nay vẫn được tổ chức cho các nhân viên và khách hàng của BKC.

Hỏi rằng, đây có phải là một “chiêu” PR cho BKC, thì chị trả lời rằng không. Bao lâu nay, bên cạnh việc điều hành BKC thông suốt, hàng tuần, hàng tháng ban quản lý công ty vẫn dành thời gian để tổ chức và tham gia các buổi huấn luyện cho nhân viên và miễn phí cho sinh viên về các kỹ năng sống. Với chị, đó là một cách để chia sẻ cùng cộng đồng. Và tất nhiên, cũng là để tri ân khách hàng hiện tại cũng như khách tiềm năng của BKC và tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm mà Công ty cung cấp.

Lại hỏi: “Chị có sợ vất vả và quá sức không, khi chuyển sang một địa hạt khác khá khó khăn và phức tạp là giáo dục?”, chị tự hào: “Giáo dục là niềm đam mê của tôi. Trước đây, tôi cũng đã định thi Đại học Sư phạm. Nhưng vì chút kiêu ngạo, một chút hiếu thắng về chuyện con gái không thi được Bách khoa, tôi rẽ bước trở thành kỹ sư. Nay thì tôi đã thực sự có cơ hội để đeo đuổi niềm đam mê của mình. Dù là ngày mới mở cửa hàng, hay tới tận bây giờ, kể cả là làm đêm, làm ngày, tôi cũng không cho rằng mình vất vả. Nếu đó là đam mê, thì có nghĩa rằng, tôi đang sống vì những điều mình mong muốn”.

Năm 2003 là thời điểm chị và BKC gặp một cú sốc lớn, tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng rồi cuối cùng đã vượt qua. Thời điểm đó, BKC, giống như nhiều doanh nghiệp khác, bị phạt và buộc nộp thuế tới 2,5 tỷ đồng, vì không lo được hóa đơn đầu vào. Thế là ngược xuôi Nam - Bắc để giải trình, kiện tụng, ròng rã hai năm trời, từ lúc còn chưa mang thai đứa con thứ hai, tới khi mang thai đến tháng thứ chín, rồi sinh nở mẹ tròn con vuông, chị mới giành được sự công nhận hợp lý cho BKC. Khoản thuế phải nộp chỉ còn hơn 300 triệu đồng.

“2,5 tỷ đồng là một khoản tiền quá lớn, nó gấp tới 4 lần vốn của Công ty hồi đó. Nếu không vượt qua vụ việc ấy, BKC đã không thể tồn tại đến ngày nay. Đó là một cú sốc, nhưng đồng thời cũng là một kinh nghiệm cực kỳ quý giá trong bước đường kinh doanh của chúng tôi”, chị trầm ngâm chia sẻ.

Câu chuyện với tôi cứ tiếp tục như thế, cho đến khi chị nở một nụ cười thật tươi và thở phào: “Vượt qua được những lận đận khó khăn rồi chiêm nghiệm, thì mình thấy dù có bất cứ trở ngại nào cũng chẳng thể cản bước được mình. Và chắc chắn, cũng sẽ không thể cản bước thành công của BKC”.

Chị bảo, mong muốn của chị bây giờ là xây được khu nhà tập thể dành cho cán bộ, công nhân viên. Ở đó, có trường mầm non cho con em công nhân, có khu thể thao để mọi người cùng rèn luyện sức khỏe hàng ngày và nhất là có công ty đào tạo để chia sẻ kỹ năng sống cho nhân viên, cho học sinh, sinh viên, cho nhân sự của các doanh nghiệp và dâng tặng ngày càng nhiều giá trị cho cộng đồng…
Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.