Theo Vox, vào một buổi chiều tháng 8, khoảng 20 người tập trung thành từng nhóm ở East River, khu vực nằm giữa cầu Brooklyn - biểu tượng của thành phố New York - và cầu Manhattan.
Nhóm này gồm người châu Á, người da trắng, da đen lẫn người Latin, họ cầm trên tay những tấm bảng ghi "Ngừng trục xuất", "Ngừng phân biệt đối xử, cho thuê nhà giá cao và thu hồi nhà" bằng tiếng Anh và tiếng Quan thoại. Họ biểu tình trước cửa tòa nhà Extell Tower.
Cuộc biểu tình được tổ chức bởi Liên minh Bảo vệ Chinatown và Lower East Side (New York), nhắm đến bốn tòa nhà xa xỉ với 3.000 căn hộ đang được xây dựng. Trong một khu vực có thu nhập hộ gia đình trung bình khoảng 40.000 USD/năm, các căn hộ cao cấp được rao bán với giá 1-4 triệu USD mỗi căn.
Chinatown giờ chứng kiến sự đổ bộ của những tòa nhà xa xỉ. Ảnh: Vox.
"Tống khứ" người nghèo
Tại cuộc biểu tình, Shui Y. Gao, một cụ bà 82 tuổi, cầm micro. Bà nói bằng tiếng Trung Quốc rằng 30 năm qua, bà đã sống ở Chinatown trong một căn hộ cho thuê. Nhưng khi khu phố trở nên đắt đỏ, chủ nhà người gốc Trung Quốc cố tăng tiền thuê nhà và đuổi bà đi.
"Họ đang xây dựng bốn tòa nhà lớn, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn và chúng ta bị đuổi khỏi đó. Tôi đã già rồi, tôi có thể chuyển đi đâu?", bà than vãn.
Việc người giàu "tống khứ" người nghèo là một câu chuyện quen thuộc trên các thành phố khắp cả nước Mỹ. Nhưng ở Chinatown và Lower East Side là những khu dân cư thuộc tầng lớp lao động cuối cùng còn sót lại ở phía nam Central Park thuộc khu Manhattan.
Vox bình luận cuộc chiến giữ nhà của cư dân nơi đây phản ánh nỗi sợ hãi và sự vật lộn của cộng đồng lao động người Mỹ gốc Á, thường bị bỏ qua trong những câu chuyện về "nhóm người thiểu số điển hình" tại Mỹ.
Đối với bà Gao, những người có thu nhập thấp và người già, bốn tòa tháp - một tòa đã được xây dựng, ba tòa dự kiến xây dựng - không chỉ là vài căn hộ cao tầng chắn bầu trời và làm tăng tình trạng tắc nghẽn.
Người biểu tình phản đối việc cho thuê nhà giá cao và đuổi người nghèo khỏi khu vực Chinatown. Ảnh: Vox.
Chúng còn đại diện cho làn sóng cư dân mới giàu có hơn, có khả năng làm tăng chi phí sinh hoạt ở Two Bridges, cũng như Chinatown và Lower East Side.
Trong khi các cư dân như bà Gao phải vật lộn để sửa chữa nơi ở, thì những người thuê nhà ở One Manhattan Square tận hưởng các tiện nghi sang trọng như khu vườn rộng hơn 4.100 m2, một rạp chiếu phim 70 chỗ, một ngôi nhà cây và một spa dành cho thú cưng.
Phí sinh hoạt tăng cao
Cuộc biểu tình hồi tháng 8 là sự kiện mới nhất trong cuộc đấu tranh của cộng đồng này từ năm 2013. Năm đó, Pathmark - một cửa hàng tạp hóa giá rẻ - đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho One Manhattan Square.
Hai năm sau đó, dự án chính thức đi vào xây dựng, cư dân gốc Hoa và Latinh đã biểu tình chống lại "sự phát triển mang tính chất phân biệt chủng tộc" của tòa nhà.
Họ bày tỏ lo ngại rằng sự hiện diện của các tòa nhà xa xỉ sẽ tăng giá cho thuê trong khu vực và loại bỏ những hạ tầng cung cấp nhu yếu phẩm như cửa hàng tạp hóa để phát triển cửa hàng, nhà hàng đắt đỏ.
Theo dữ liệu của Đại học New York, 23% hộ gia đình ở Chinatown và Lower East Side được phân loại là "chịu gánh nặng tiền nhà nghiêm trọng", nghĩa là họ phải chi hơn 50% thu nhập để thuê nhà.
Hai phần ba cư dân ở Chinatown và Lower East Side là những người da màu với 36% người Mỹ gốc Á. Nhưng người Mỹ gốc Á không phải thị trường mục tiêu ban đầu của One Manhattan Square.
Nhiều người Mỹ gốc Hoa đứng trước nguy cơ không còn chốn dung thân ở New York. Ảnh: Vox.
Năm 2015, Extell Group rao bán tòa tháp độc quyền ở thị trường nước ngoài, nhắm vào khách hàng quốc tế châu Á. Nhưng bắt đầu từ cuối năm 2016, đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản New York.
Sự sụt giảm mạnh mẽ này lý giải vì sao người mua One Manhattan Square chủ yếu là người Mỹ và Extell Group phải vật lộn để bán hàng tồn kho.
Chênh lệch giàu nghèo
Grace Mak, một phụ nữ người Mỹ gốc Hoa, 40 tuổi, sống ở 82 Rutgers Slip, thuê nhà gần One Manhattan Square cùng chồng và ba người con. Sinh ra ở thành phố New York, cô lớn lên trong khu phố gần Two Bridges. Cha cô làm ở các nhà hàng Hoa, mẹ làm việc trong các xưởng may.
Mak là hình mẫu điển hình của cư dân cộng đồng người gốc Hoa ở New York. Làn sóng người nhập cư gốc Hoa đầu tiên đến New York trong thập niên 1870. Họ kiếm sống bằng cách mở cửa hàng và tiệm giặt ủi.
Luật nhập cư mới của Mỹ đã mở cơ hội cho người lao động có tay nghề cao được cấp visa như học giả, nghệ sĩ, hay người thân của các cư dân hiện tại.
Trong khi những người có tay nghề cao làm việc trong các lĩnh vực có thu nhập cao như y tế và kỹ thuật, bộ phận còn lại chỉ có thể làm những công việc thu nhập thấp.
Thành phố New York, với nguồn cung lao động thủ công và dịch vụ dồi dào, đã thu hút nhiều người gốc Hoa thuộc tầng lớp lao động thấp hơn là những thành phố có Chinatown khác. Vào năm 2017, tỷ lệ người Mỹ gốc Á nghèo ở mức cao nhất so với các nhóm chủng tộc khác ở New York.
Chênh lệch giàu nghèo Chinatown ở New York rất gay gắt. Ảnh: Vox.
Mak, không giống nhiều đồng nghiệp của mình, đã chọn ở lại Two Bridges với gia đình, bởi nơi này nằm ở vị trí trung tâm và đem lại cảm giác cộng đồng. "Những người hàng xóm rất gắn kết với nhau. Tôi có bạn sống ở các tòa nhà khác và thấy an tâm khi để con mình chơi ở công viên", cô chia sẻ.
Theo Mak, việc xây dựng One Manhattan đã gây ra những vết nứt trên vỉa hè, tường nhà kể từ năm 2014. Mặc dù tham gia vào cuộc biểu tình chống lại sự phát triển của Extell, cô khẳng định rằng không xâm phạm đến bất cứ cá nhân nào thuê nhà tại One Manhattan Square.
"Họ cũng đang tìm kiếm chỗ ở. Đây không phải cuộc biểu tình chống lại người thuê nhà, chúng tôi chống lại những đại gia bất động sản sẵn sàng làm bất cứ thứ gì và bỏ qua các nguyên tắc", Vox dẫn lời Mak.
Những cuộc biểu tình liên miên
Các chủ đầu tư bất động sản đã bị kiện vì tội bỏ qua quy trình xét duyệt tiêu chuẩn đất cộng động. Extell cũng hứa hẹn sẽ xây dựng một cửa hàng tạp hóa có giá vừa phải để thay thế Pathmark vào năm 2018, nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Tập đoàn cũng xây dựng một tòa nhà giá rẻ với 204 căn hộ ở gần đó, nhằm phục vụ những cư dân có mức thu nhập bằng 60% so với thu nhập trung bình của người New York.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động lập luận rằng dữ liệu được sử dụng không chính xác vì chúng được tổng hợp từ tất cả các thành phố New York, bao gồm vùng Westchester giàu có.
Trên thực tế, thu nhập hộ gia đình trung bình ở Chinatown và Lower East Side thấp hơn 35% so với thu nhập của người dân thành phố New York, và chuẩn nghèo cao hơn 10%.
Một góc Chinatown ở New York. Ảnh: Vox.
Ở chiều ngược lại, một số người Mỹ gốc Á khác tỏ ra ủng hộ việc phát triển chung cư xa xỉ. Bà Tan, một phụ nữ trung niên, sống cùng chồng trong một ngôi nhà gần One Manhattan Square mua từ năm 1989.
"Tôi hy vọng khu phố này sẽ trở nên an toàn hơn. Tôi không phân biệt đối xử với bất cứ ai. Tôi cũng đã phải làm việc chăm chỉ để mua được ngôi nhà", bà cho biết.
Sự tương phản giữa bà Tan và cô Mak cho thấy lằn ranh giữa người Mỹ gốc Á giàu và nghèo. Họ là nhóm người bị chia rẽ giàu nghèo nhất tại Mỹ. Những người nằm trong top 10% kiếm gấp 10,7 lần so với nhóm người thuộc 10% dưới cùng.
Một tuần sau cuộc biểu tình ở tòa nhà Extell Tower, một cuộc biểu tình khác được tổ chức bên ngoài một văn phòng nhà đất ở Cacal Street. Nhiều người tham gia vào cuộc biểu tình là người da đen và người Latinh, những người chiếm 24% tổng dân số tại khu vực.
Bạn của Mak là bà Manni Lee, 46 tuổi, sống cùng chồng và hai con trong một căn hộ cho thuê hai phòng ngủ ở Lands End One. Bà tiết lộ rằng chủ nhà cải tạo tòa nhà bằng cách thêm một số tiện nghi để thu hút người thuê trẻ, giàu có. Nhưng họ không nâng cấp các căn hộ cũ như của bà.
"Tôi đã cầu Chúa để không gặp bất kỳ người hàng xóm nào từ Extell, bởi tôi sẽ tự động ghét bỏ họ", bà cảm thán.
-
Người gốc Hoa lo không còn chốn dung thân tại New York
27/09/2019 2:10 PMCác tòa nhà xa xỉ chuẩn bị mọc lên bị cho là sẽ tàn phá Phố người Hoa (Chinatown) mang tính biểu tượng tại thành phố New York (Mỹ).