Trên thế giới, tỷ lệ golfer nghiệp dư thành công với cú đánh này chỉ vào khoảng 1/5.000 và những huyền thoại golf như Jack Nicklaus, Gary Player, hay Tiger Woods… có số lần hole-in-one cũng chưa vượt quá con số 20.

Trong khi đó, một golfer nghiệp dư ở Việt Nam đã có đến 14 lần chiến thắng hole-in-one tại các sân golf trong và ngoài nước. Chủ nhân đang giữ kỷ lục này là một doanh nhân - ông Lê Xuân Phương - biệt danh “Tiger Phương”.

Ảnh: Quang Thắng

Dưới đây là những chia sẻ thú vị của người từng có cú hole-in-one trị giá 5 tỷ đồng.

* Được biết giải thưởng hole-in-one trị giá 5 tỷ đồng trong một giải golf không chuyên do Công ty bia Sài Gòn tổ chức tháng 1 vừa qua là cú hole-in-one thứ 6 tại sân golf Vietnam Golf & Country Club trong kỷ lục 14 lần thắng hole-in-one của ông tính đến nay. Hình như ông rất có duyên với giải thưởng này?

- Tôi nghĩ việc thắng hole-in-one cũng là ở cái duyên, nhưng yếu tố tâm lý không kém phần quan trọng. Người chơi golf có cảm giác thỏa mái tự tin thì cơ hội thắng sẽ cao hơn. Tôi khẳng định 99,9% việc thắng hole-in-one là may mắn, còn 0,01% là kỹ thuật. Tôi còn nhớ có lần đánh ở sân golf Vietnam Country Club, ở lỗ số 12, khoảng cách 189 yard, có chướng ngại vật là hồ nước trước mặt, tôi dùng gậy số 5 đánh thẳng vào banh và nhìn lên hơi sớm, nên mặt gậy tiếp xúc ngang lưng quả banh khiến banh bay thấp, tưởng là xuống nước, nhưng thật may mắn banh lại vượt qua mép nước rồi lăn luôn vào lỗ. Hole-in-one là thế!

* Cuộc sống, công việc của anh có thay đổi gì sau cú đánh “định mệnh” này không?

- Cuộc sống của tôi vẫn như mọi ngày, không có gì thay đổi. Ngoài công việc kinh doanh, phần lớn thời gian còn lại tôi vẫn dành cho golf. Có chăng, gần đây mỗi lần ra sân golf tôi được nhiều bạn chơi chia sẻ chúc mừng về chiến thắng này.Tôi cũng được nhiều người biết đến hơn sau khi được các phương tiên truyền thông đưa tin về sự kiện này.

* Được biết ông đã có hơn 20 năm theo đuổi môn golf với rất nhiều thành tích. Ông có thể giới thiệu sơ về bộ sưu tập thành tích trong sự nghiệp golf của mình?

- Tôi có được một “cơ nghiệp” golf như ngày hôm nay cũng là cái duyên bởi trước khi đến với golf, tôi chơi tennis và bóng bàn. Năm 1994, khi sân golf Vietnam Golf & Countruy Club mới thành lập thì anh Ba Huấn, Chủ tịch Hội golf TP.HCM khuyên tôi nên tham gia CLB này. Vậy là từ đấy tôi bắt đầu gia nhập vào thế giới golf và đến nay đã có thâm niên 20 năm theo đuổi môn thể thao đầy mê hoặc này. Từ khi chơi golf đến nay tôi chiến thắng rất nhiều giải lớn nhỏ khác nhau ở trong và ngoài nước. Bộ sưu tập Cup của tôi đến nay đã lên đến hơn 100. Đặc biệt, cho đến nay tôi đã có được gần 14 lần may mắn thắng giải hole-in-one trên nhiều sân golf khác nhau ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Tôi cũng vinh dự là thành viên đội tuyển Quốc gia Việt Nam tham gia tranh tài tại giải golf nghiệp dư các quốc gia Đông Nam Á Putra Cup tại Singapore và SeaGames lần thứ 21 diễn ra vào năm 2001 tại Malaysia. Bên cạnh đó, tôi còn may mắn tham gia 2 lần vòng chung kết khu vực Châu Á giải golf Mercedes Trophy, 2 lần dự giải golf JW Classic tại Perth ở Úc… Mới đây nhất, trong giải golf do Công ty Bia Sài Gòn tổ chức tại sân golf Vietnam Golf & Countruy Club tôi thắng giải hole-in-one tại lỗ golf số 17, par 3 dài 167yard với giải thưởng là căn hộ tại Saigon Pearl trị giá đến 5 tỷ đồng.

* Vậy có kỷ niệm “thương đau” nào ông muốn chia sẻ với người yêu golf?

- Có một “niềm đau” mà tôi không bao giờ quên là ở lỗ số 1 của sân Ocean Dunes, Phan Thiết. Một lỗ golf par 4 nhưng tôi phải mất đến… 17 gậy, trong đó có 5 lần banh rơi xuống nước. Qua “tai nạn” này, tôi rút ra một bài học kinh nghiệm cho bản thân. Khi rơi vào một chướng ngại trên sân như gốc cây, mép nước… thì mình phải tập trung, không được nóng vội và cố gắng đưa banh đến chỗ an toàn nhất để chuẩn bị cho cú đánh kế tiếp.

* Ông có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm chọn gậy khi đứng trước lỗ golf hole-in-one?

- Tính tôi rất thích thay đổi gậy golf. Sau một thời gian thử gậy tôi sẽ xác định cây gậy ấy đánh được khoảng cách bao nhiêu so với lực tay của mình. Riêng cây gậy putter, cây gậy Chip và Driver là cố định vì những cây này phải luôn giữ được cảm giác thì đánh mới ổn định. Còn đứng trước các lỗ golf có giải hole-in-one, tôi thường chọn cây gậy có khoảng cách xa hơn bình thường và đánh nhẹ nhàng để banh bay thẳng đến khoảng cách cần thiết. Ví dụ khoảng cách 170 yard thì sử dụng gậy 180 yard…

* Từ những trải nghiệm trên, theo ông tố chất cần thiết của một golfer là gì?

- Golf không giống những môn thể thao đối kháng khác chỉ có sức mạnh là có thể chơi tốt. Golf là môn chơi mà ở đó người có handicap (điểm chấp) có thể chơi chung với golfer chuyên nghiệp trong cùng một nhóm, nhưng cuộc chơi vẫn diễn ra bình thường. Golf còn là môn chơi không phân biệt tuổi tác, người trẻ tuổi có thể chơi cùng nhóm với người lớn tuổi… Những người đã tham gia tennis hay bóng bàn thì chuyển sang chơi golf rất nhanh. Tuy nhiên, nếu có năng khiếu thì bạn sẽ thuận lợi hơn trong việc tập luyện và thi đấu. Theo tôi, golf là môn chơi mình phải chiến thắng chính bản thân nên ngoài yếu tố kỹ thuật thì cần phải có một đức tính điềm đạm, một tinh thần thoải mái, tự tin và nhất là phải giữ đúng văn hóa golf.

* Ai là người thầy hướng dẫn golf đầu tiên của ông?

- Ngày đầu tiên ra sân golf tôi gặp anh Huỳnh Văn Đơ. Và đây cũng chính là người thầy đầu tiên hướng dẫn tôi những kỹ thuật chơi golf. Sau này nhờ tập đoàn MGM ở Las Vegas giới thiệu, tôi có dịp tham gia lớp hướng dẫn chơi golf của team do huấn luyện viên dạy golf nổi tiếng David Leadbetter phụ trách, sau đó là lớp huấn luyện ngắn ngày tại Úc và Philippines. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là thầy Huỳnh Văn Đơ.

* Lần đầu tiên ra sân golf cảm giác của ông thế nào?

- Khi chơi tennis, bóng bàn, cầu lông cũng như bóng chuyền… thì người ta bị giới hạn trong một khoảng không gian chật hẹp nhất định. Còn khi ra sân golf mình cảm thấy rất thoải mái vì được tận hưởng một không gian bao la với cỏ cây, ao hồ, đồi dốc, sông nước…, thật sự đưa con người trở về với thiên nhiên.

* Biệt danh Tiger Phương của ông có từ khi nào?

- Biệt danh này có từ năm 1997, khởi đầu từ anh Oh King Huat, golfer người Singapore cùng tuổi dần với tôi nói đùa như vậy. Và sau này mỗi lần ra sân golf bạn bè đều gọi tôi bằng biệt danh “Tiger Phương”!

* Golfer nào là thần tượng của ông?

- Thần tượng của tôi là golfer người Nam Phi Ernie Els vì cú swing của golfer này rất nhẹ nhàng. Tôi cũng rất ấn tượng với golfer số 1 thế giới là Tiger Woods khi còn ở thời đỉnh cao phong độ, bởi mỗi khi anh tranh tài ở các giải lớn thì các đối thủ đều thất bại trước anh. Trong thi đấu, Woods luôn có một ý chí và sự tự tin mà các golfer khác không thể sánh bằng.

* Theo ông thì golf hỗ trợ gì cho một doanh nhân trong kinh doanh?

- Trong thời buổi công nghiệp, nhịp sống luôn tấp nập, doanh nhân nào cũng dễ bị stress. Mà sân golf là nơi lý tưởng nhất để con người thư giãn, xua tan những căng thẳng thường nhật. Sân golf tạo điều kiện để gặp gỡ được rất nhiều bạn bè cùng chơi và khi ấy các mối quan hệ thân thiết sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt sau này. Hơn nữa một cuộc chơi kéo dài khoảng 4-5 giờ qua 18 lỗ golf sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn hàn huyên rất thoải mái và cởi mở. Không có môi trường nào marketing lại hiệu quả và tuyệt vời như trên sân golf. Rất nhiều các hợp tác trong kinh doanh cũng được xác lập từ đây.

* Là doanh nhân thành đạt trên thương trường và cũng là một golfer được nhiều người ngưỡng mộ, ông có bí quyết nào để cân bằng công việc và golf? Với những CEO bận rộn như ông, làm thế nào để có thể thoải mái ra sân mọi lúc mọi nơi mà vẫn đạt hiệu quả cao trong công việc?

- Tôi thuộc thế hệ doanh nhân tiên phong khi đất nước bắt đầu đổi mới, mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới. Từ khi khởi nghiệp đến nay, công ty của tôi hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và một số lĩnh vực khác. Khi đam mê thì mình phải thu xếp thời gian một cách khoa học. Mặc dù công việc rất bận, nhưng tôi vẫn đều đặn ra sân mỗi ngày. Có được may mắn đó là nhờ tôi hoàn toàn tin tưởng và giao việc cho các đồng nghiệp của tôi điều hành. Theo tôi, là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bạn đừng bao giờ can thiệp vào những tiểu tiết mà hãy là một “thuyền trưởng” chỉ vạch ra chiến lược, định hướng để con thuyền hướng đến mục tiêu đã định. Nếu không nó sẽ cướp mất quỹ thời gian của bạn. Hãy phấn đấu trở thành một CEO thông minh biết giao việc cho người khác để còn thời gian cùng bạn bè ra sân golf mỗi tuần.

* Thường xuyên chơi golf ở nước ngoài, ông nhận xét thế nào về phí chơi golf tại Việt Nam hiện nay so với các nước?

- Phí chơi golf hiện nay ở Việt Nam còn quá cao đối với những người chưa có thẻ hội viên. Nếu so với các sân golf công cộng ở các nước như Úc, Mỹ… thì phí chơi golf của ta quá cao. Để thu hút được nhiều người tham gia môn golf, nhất là học sinh, sinh viên thì Việt Nam nên sớm có sân golf công cộng.

* Ông đánh giá như thế nào về vai tương lai của golf Việt Nam?

- Ở Việt Nam hiện nay phần lớn người chơi golf đều là những doanh nhân trên 30 tuổi thì thật khó có được các golfer chuyên nghiệp trong tương lai. Trong khi đó, phần lớn các golfer trẻ là con những gia đình có tiềm lực kinh tế, nên chưa chắc có năng khiếu và đam mê golf thật sự. Còn các tài năng trẻ có năng khiếu thì lại không có đủ điều kiện tiếp cận với golf. Muốn golf Việt Nam phát triển như các nước trong khu vực thì cần phải có chiến lược ở cấp quản lý nhà nước. Các cơ quan chuyên trách về golf phải có chiến lược tuyển chọn và đào tạo vận động viên bắt đầu từ khoảng 6-10 tuổi. Để làm được điều này nên thành lập một quỹ hỗ trợ phát triển tài năng trẻ về golf. Với dân số hơn 90 triệu dân như Việt Nam thì chắc chắn sẽ chọn ra được những mầm non golf phát triển trong tương lại. Khi ấy Việt Nam mới hy vọng có được những golfer chuyên nghiệp đủ trình độ tranh tài cùng các golfer trong khu vực và vươn ra thế giới. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của các nước có truyền thống về golf, thiết lập hệ thống đào tạo và thi đấu golf hoàn thiện từ thấp lên cao.

10 “Bí mật” chưa từng “bật mí”

1. Cây gậy có tuổi cao nhất trong túi gậy:
- Cây putter Titleist Scotty Cameron Futura (hình móng ngựa).

2. Vật bất ly thân trong mỗi cuộc chơi:
- Một tượng phật rất nhỏ do vợ tặng từ khi bắt đầu chơi golf.

3. Người bạn golf thân nhất:
- Golfer Trần Tuấn Khanh.

4. Đối thủ “ngán” nhất:
- Bản thân.

5. Người muốn thi đấu cùng nhất:
- Golfer Trần Thanh Phong.

6. Lỗ golf tốn nhiều gậy nhất:
- Lỗ số 1 sân Ocean Dunes, Phan Thiết với 17 gậy.

7. Phí golf cao nhất từng phải trả cho một lần chơi golf:
- Khoảng 800USD cho một vòng golf 18 lỗ đi bằng xe và caddie tại sân Capital (sân private) của tập đoàn Crown, ở Melbourne, Úc.

8. Chiếc cup “nặng ký” nhất từng nhận được:
- Cúp vô địch giải golf SaigonTourist 2006.

9. Cú đánh xa nhất:
- Cú đánh tại lỗ 17 sân Tây, Vietnam Golf & Country Club 2001 với khoảng cách 300 yard.

10. Thẻ hội viên lâu năm nhất:
- Sân Vietnam Golf & Country Club.

P.V (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Người giữ “kỷ lục” hole-in-one Việt Nam

    Người giữ “kỷ lục” hole-in-one Việt Nam

    21/09/2014 9:26 AM

    Trên thế giới, tỷ lệ golfer nghiệp dư thành công với cú đánh này chỉ vào khoảng 1/5.000 và những huyền thoại golf như Jack Nicklaus, Gary Player, hay Tiger Woods… có số lần hole-in-one cũng chưa vượt quá con số 20.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.