"Hơn 10.000 lao động trực tiếp và hơn 400.000 lao động gián tiếp có thể sẽ bị ảnh hưởng đến lương thưởng, công ăn việc làm nếu Sabeco bị truy thu thuế theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước. Đây là đề nghị hết sức vô lý mà nếu áp dụng, Bia Sài Gòn cũng không biết sẽ phải thực hiện như thế nào để không bị xáo trộn hoạt động, giảm thị phần và uy tín thương hiệu đã gây dựng nhiều năm qua".

Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT TCty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – đã lên tiếng tại hội thảo do Hiệp hội Bia-Rượu- NGK VN tổ chức sáng 15.7.

Bia Sài Gòn có thể sẽ đối mặt với khó khăn nếu Sabeco bị buộc truy thu khoản thuế Tiêu thụ đặc biệt 408 tỉ đồng.

Theo ông Tuất, trước đề nghị truy thu thuế Tiêu thụ đặc biệt của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với Bia Sài Gòn chỉ tính riêng năm 2013 lên tới 408 tỉ đồng, Bia Sài Gòn sẽ phải lấy ra từ nguồn Quỹ Dự phòng và nguồn lợi nhuận chưa chia để đóng thuế.

"Tuy nhiên, là DN với 90% vốn nhà nước thì tiền này là của nhà nước. Chúng tôi phải làm công văn kiến nghị Bộ Công Thương vì bộ mới là chủ sở hữu các khoản tiền này, chúng tôi chỉ là đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện còn 10% cổ đông tư nhân bên ngoài đang nắm giữ cổ phiếu Sabeco, muốn chi thì phải họp Hội đồng cổ đông và xin ý kiến biểu quyết, tuy nhiên, nếu các cổ đông sở hữu 10% vốn này không chịu thì sẽ xử lý thế nào? Lúc đó sẽ rất phức tạp. Bản thân tôi cũng không biết sẽ phải nộp thuế như thế nào? Nếu tuân thủ theo kết luận truy thu của Kiểm toán, sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối thì bản chất vẫn là tiền nhà nước, có nghĩa là Sabeco lại phải xin tiền nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước?", ông Tuất nói.

Hơn nữa, từ năm 2008 đến nay, Bia Sài Gòn thực hiện nhất quán phương án kê khai nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia các loại do TCty sản xuất và tiêu thụ theo quy định của Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 và theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2012/TT-BTC và các hướng dẫn của Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đối với Bia Sài Gòn.

Theo đó, sản phẩm bia được sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và dơn vị sở hữu thương hiệu là TCty.

Sau đó, các cơ sở bán sản phẩm bia cho Cty thương mại Bia Sài Gòn để bán cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế mà TCty quy định Cty Thương mại Bia Sài Gòn bán ra nhưng không thấp hơn 10% so với giá bình quân do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

"Qua kết luận của các đợt thanh tra, quyết toán thuế TTĐB từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng là Cục thuế TPHCM, Tổng cục thuế, kiểm toán nhà nước và thanh tra Bộ Tài chính đều khẳng định Bia Sài gòn tuân thủ các quy định, vậy sao lại nói Bia Sài Gòn trốn thuế, lách thuế là không có căn cứ", ông Tuất lập luận.

Cũng theo vị Chủ tịch Sabeco, thông tin về việc bị truy thu thuế TTĐB rõ ràng đang gây bất lợi lớn cho Sabeco. Theo các điều tra thị trường, thị phần của TCty đang bị mất ít nhất 5%.

"Và cũng may là Sabeco chưa lên sàn, chứ với “sự cố” vừa rồi, chắc chắc cổ phiếu Sabeco sẽ bị giảm tới vài chục phần trăm" ông Tuất nói. Trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương bán tiếp phần vốn của Sabeco cho các nhà đầu tư chiến lược, nếu Bộ Tài chính chấp thuận đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco sẽ bị hồi tố tiền thuế TTĐB từ năm 2008 đến nay với số tiền ước tính là 3.500 tỉ đồng, tăng khoảng 3,3% thuế suất thuế TTĐB của Sabeco sẽ làm mất sức hấp dẫn đầu tư, kéo dài việc cổ phần hóa của chính phủ.

Khi đó, không những Bia Sài Gòn mất khả năng cạnh tranh, khó giữ được thương hiệu quốc gia mà thị trường bia Việt Nam sẽ sớm rơi vào tay các hãng bia nước ngoài.

Thông tin mới nhất được ông Tuất cho biết, Sabeco đã có văn bản báo cáo, đề xuất xử lý với Bộ Công Thương là đơn vị chủ quản, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có giải pháp xử lý, chỉ đạo nhanh và dứt điểm việc nộp thuế TTĐB của Sabeco. Trường hợp Bộ Tài chính yêu cầu nộp theo kiến nghị của Kiểm toán, Bia Sài Gòn sẽ chấp hành dù sẽ rất khó khăn vì những lý do như đã phân tích.

Hồng Quân (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.