S-Fone "chết mãi không xong", Gmobile thôi gây xôn xao bằng các gói cước khủng trong khi Vietnamobile cũng chỉ tạo được chút ít tiếng vang trong cuộc đua 3G.

Sau 2012 đầy biến động, hoạt động của các mạng nhỏ tương đối trầm lắng trong năm 2013, nhường gần như toàn bộ sân chơi cho bộ 3 đại gia Viettel - Mobifone -Vinaphone với sự kiện tăng cước dịch vụ internet di động (3G, 2G), vốn gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.

Đáng chú ý nhất vẫn là S-Fone khi các thuê bao buộc phải ngừng hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn chưa bị khai tử. Ngay cả số liên lạc của lãnh đạo công ty với đầu 095 cũng không thể liên lạc được. Hiện thuê bao của nhà mạng nhỏ nhất Việt Nam đã không còn ai, các cửa hàng, đại lý sim thẻ cũng vắng bóng sản phẩm dành cho S-Fone.

Đầu năm 2013, nhiều cựu nhân viên của S-Fone đã tập trung tại chi nhánh công ty SPT (đơn vị sở hữu mạng) tại Hà Nội để đòi lương, bảo hiểm và các khoản trợ cấp. Việc này đã từng diễn ra nhiều lần trước đó nhưng không có kết quả, dù lãnh đạo doanh nghiệp hứa hẹn rất nhiều. Giám đốc S-Fone Hà Nội lúc đó cũng phải xin nghỉ việc và thừa nhận nhà mạng cầm cự được là quá giỏi bởi nợ nần đang chồng chất. Trong quá trình đi đòi quyền lợi đã có nhân viên ngất xỉu vì quá bức xúc.

Gmobile trẻ tuổi và nhỏ nhất thị trường nên đang phải chịu nhiều áp lực để tồn tại. Ảnh: Anh Quân

Không đến mức nằm chờ giấy "khai tử" như S-Fone, nhưng Gmobile cũng không tạo được tiếng vang nào trên thị trường trong năm qua. Trái với một Beeline (tên cũ) luôn rầm rộ trong các chiến lược quảng bá, tung gói cước gây "sốc" trên thị trường, Gmobile (tên mới có từ tháng 10/2012) năm nay đã phải hạn chế nhiều chiến dịch, bớt quảng cáo, ngừng tung gói cước để tập trung cho những gì đang có, đồng thời tiết giảm tối đa chi phí vận hành.

Sự kiện đáng chú ý nhất có Gmobile góp mặt là thỏa thuận roaming sóng (dùng nhờ sóng khi bị yếu) lần đầu tiên tại Việt Nam với Vinaphone. Cụ thể, Gmobile sẽ được phép nhờ sóng và hạ tầng của đối tác tại các vùng chưa phủ sóng hoặc yếu mà không có chiều ngược lại. Thực tế Vinaphone và Mobifone đã hợp tác kiểu này từ trước nhưng do cùng thuộc VNPT nên không được chú ý nhiều.

Là "em út" trên thị trường viễn thông di động (nhỏ và trẻ nhất), Gmobile có khoảng 4,7 triệu thuê bao, không cung cấp 3G. Theo nhận định của chuyên gia, các đơn vị ở quy mô nhỏ hiện hết sức khó khăn. Tại một cuộc họp diễn ra đầu tháng 12, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết trong số các mạng nhỏ, có doanh nghiệp đã tê liệt hoàn hoàn, có đơn vị "sống không còn tính bằng năm, bằng quý nữa mà có thể là tuần".

Đặc điểm chung của các nhà mạng nhỏ, đang gặp khó khăn nêu trên là đều có sự tham gia của đối tác ngoại. Hiện lý do khiến S-Fone còn tồn tại là để xử lý các vấn đề về hạ tầng mạng di động với đối tác SK Telecom của Hàn Quốc. Đây cũng là công ty đã đổ tiền đầu tư để khai sinh ra S-Fone ở Việt Nam. Không chỉ SK Telecom, một doanh nghiệp quốc tế khác là Vimpelcom (Nga, đổ tiền cho Beeline-Gmobile) cũng phải rút chạy khỏi thị trường vì kinh doanh thua lỗ. Đến lúc này chỉ còn Tập đoàn Hutchison (Hong Kong, Trung Quốc) còn bám trụ lại được với mạng Vietnamobile.

Là mạng lớn thứ 4 với hơn 10 triệu thuê bao, vài năm gần đây Vietnamobile hoạt động khá ổn định trên thị trường, không phát triển rực rỡ nhưng cũng chưa có dấu hiệu sa sút. Năm ngoái, thống kê cho thấy doanh nghiệp vẫn có lượng thuê bao gần bằng năm nay.

Doanh nghiệp viễn thông của Hanoi Telecom lâu nay cũng khá kín tiếng, tập trung hoạt động thay vì tìm cách tạo danh trên thị trường qua các chiến dịch, sự kiện. Điểm nhấn duy nhất của đơn vị trong năm 2013 là tuyên bố không tăng giá cước 3G sau khi 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone vàVinaphone đồng loạt điều chỉnh vào ngày 16/10. Hiện 3G của Vietnamobile có giá thành rẻ nhất, cam kết tốc độ cao tuy nhiên chỉ hoạt động được tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài 3 doanh nghiệp lớn được công bố đầy đủ tài chính, Vietnamobile là mạng nhỏ duy nhất được nhắc tên kèm khoản doanh thu hơn 8.400 tỷ đồng (không đề cập lãi). SPT xuất hiện với vai trò nhà mạng cung cấp Internet, không phải là doanh nghiệp viễn thông di động. Riêng Gmobile còn không được nhắc tên.

Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, Viettel đang đứng số một về thị phần di động (44,05%), tiếp sau là Mobifone (21,4%), Vinaphone (19,88%), Vietnamobile (10,74%), Gmobile (3,93%) và cuối cùng là S-Fone (0,01%, tuy nhiên đây chỉ là con số tượng trưng, tránh 0%). Cả nước đang có hơn 120 triệu thuê bao hoạt động có phát sinh liên lạc.
Anh Quân (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.