Mới học hết lớp 8 nhưng Phạm Minh Thành (42 tuổi, ngụ Nguyễn Siêu, phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nghiên cứu chế tạo thành công máy đào khoai tây đa năng giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân và đã bán ra thị trường hàng trăm máy...
Khi hoạt động, bộ phận sàng sẽ giúp cho khoai tây rơi vào giữa luống...
Chiếc máy đào khoai tây đa năng do nông dân Phạm Minh Thành chế tạo chỉ nặng khoảng 200 kg với những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm như sắt, thép, lưỡi cày, nhíp cũ xe ô tô, băng chuyền, trục lăn, bạc đạn… nhưng máy hoạt động vô cùng hiệu quả trên mọi địa hình.
Chiều rộng của máy chỉ chừng 1 m, bằng với chiều rộng của luống khoai tây. Để hoạt động, máy phải được kết nối vào sau đuôi của chiếc máy cày để di chuyển. Khi hoạt động máy sẽ kéo lưỡi cày xới đất lẫn củ khoai rồi đưa tất cả lên bộ phận sàng (băng chuyền), sau đó đất sẽ rơi xuống trước, củ khoai sẽ rơi xuống sau và có bộ phận gom khoai vào giữa luống, người đi theo sau chỉ mỗi việc nhặt khoai là xong.
Điều đặc biệt, dù máy móc hoạt động ầm ầm nhưng củ khoai được đào lên không bị trầy xước hay sứt sẹo gì và được đào sạch sẽ không bỏ sót củ nào. Hơn thế nữa, máy có thể hoạt động trên mọi địa hình, kể cả đồi núi, đất đá nhờ được thiết kế có thể nghiêng hoặc nâng lên, hạ xuống để điều chỉnh lưỡi cày cho phù hợp. Không chỉ đào khoai tây, máy còn có thể đào được củ khoai lang, củ lily, củ lay ơn, đào gốc sú và máy còn san luôn cả đá có trong vườn giúp nông dân dọn vườn sạch sẽ.
Theo anh Phạm Minh Thành việc chế tạo ra chiếc máy này rất ngẫu nhiên và từ một sự tình cờ. Anh Thành vốn sinh ra trong một gia đình nông dân đông anh em ở phường 7, TP.Đà Lạt. Kinh tế gia đình nhiều khó khăn, nên mới học đến lớp 8 anh phải nghỉ học để về phụ giúp gia đình làm nông, công việc mà anh vốn đã quen thuộc từ nhỏ. Vừa làm nông vừa đi học nghề cơ khí và đến năm 1994 anh lập gia đình sau đó "ra riêng" sống với nghề cơ khí rồi dần dần nghỉ việc làm nông.
“Quá trình làm nông, nhà mình cũng có làm khoai tây nhưng mỗi lần vào vụ là vô cùng cực khổ, phải đào khoai tây thủ công nên một ngày không đào được bao nhiêu cả, còn thuê lao động thì không chỉ trả tiền công cao mà việc tìm cho ra người cũng khó. Thế rồi năm 2008, một lần tình cờ mình nhìn thấy trên ti vi, ở nước ngoài người ta dùng máy đào phục vụ nông nghiệp quá tiện lợi. Mình liền suy nghĩ, ở mình mà cũng có máy móc như vậy thì tốt biết mấy, hay mình thử chế tạo một chiếc để đào khoai tây phù hợp trên diện tích nhỏ lẻ để giúp nông dân xem sao. Thế là mình bắt tay vào nghiên cứu chế tạo”, anh Thành kể.
Có ý tưởng, anh bắt đầu mua phụ kiện như lưỡi cày, sắt, băng chuyền… về nghiên cứu và vận dụng nghề cơ khí của mình hì hục hàn, gò chế tạo. Suốt một tháng trời, anh cũng cho ra đời một chiếc máy đào nhưng khi mang ra thử nghiệm thì cứ hư lên hỏng xuống, củ khoai bị máy cắt đứt nhiều đoạn. Anh lại bỏ công một thời gian dài ra hiện trường để đi theo máy quan sát, chỗ nào, chi tiết nào chưa đạt, anh ghi chép lại rồi về tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh. Mất cả năm trời, chiếc máy đào khoai tây đa năng của anh chính thức hoàn thiện và hoạt động trơn tru giúp ích cho bà con nông dân trong chuyện đồng áng.
“Khi thấy máy hoạt động, nhiều bà con tìm đến xem thực tế và thấy rất hiệu quả, nhiều tiện ích nên họ đặt hàng, mình chế tạo không kịp bán. Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh phía Bắc cũng gọi điện đặt hàng và thế là máy đào của mình được xuất bán ra ngoài ấy. Tính đến nay, mình đã bán được hơn 200 máy, giao tận nơi và tùy theo xa hay gần mà máy được bán với giá từ 19 - 24 triệu đồng/chiếc. Tháng 10.2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chiếc máy của mình với nhãn hiệu Minh Thành Tài”, anh Thành tự hào cho biết.
Là một trong những người đầu tiên mua và sử dụng máy đào khoai tây của anh Thành, nông dân Trần Ngọc Lưu Long (37 tuổi, Măng Lin, phường 7, TP.Đà Lạt), cho biết: “Chiếc máy này rất tốt và rất tiện lợi, làm được nhiều thứ, giúp ích được rất nhiều cho bà con nông dân nói chung và gia đình tôi nói riêng. Với khoai tây, nếu như đào thủ công như ngày xưa thì 1 ha phải mất 60 - 70 người chưa chắc đã xong, còn bây giờ với chiếc máy này, 1 ngày tôi đào hơn 1 ha, tiết kiệm được rất nhiều công lao động. Hơn nữa, máy còn sử dụng để đào được nhiều cây khác, thậm chí ở góc độ nào đó cũng có thể coi như máy làm đất được, bởi sau khi máy đào khoai tây xong thì ít nhất 1 lớp đất được máy làm cho tơi xốp, nếu muốn mình có trồng rau lại được. Quý hơn là máy sử dụng mãi mà chưa thấy hư hỏng gì, chỉ khoảng 2 năm thì thay dây băng chuyền 1 lần…”.
Gia Bình (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Máy đào khoai tây đa năng của anh nông dân lớp 8

    Máy đào khoai tây đa năng của anh nông dân lớp 8

    13/04/2016 10:43 PM

    Mới học hết lớp 8 nhưng Phạm Minh Thành (42 tuổi, ngụ Nguyễn Siêu, phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nghiên cứu chế tạo thành công máy đào khoai tây đa năng giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân và đã bán ra thị trường hàng trăm máy...

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.