Liệu một Việt Nam có tăng trưởng GDP phụ thuộc vào doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm gia công có mang lại sự bền vững dài lâu?

Chủ chuỗi nhà trọ hơn 260 phòng nằm len lỏi trong khu dân cư đông đúc, cách Khu Kinh tế Đình Vũ, Cát Hải không xa, ông Nguyễn Việt Dũng đang cẩn thận kiểm tra công tơ điện của từng phòng trọ. Vốn là một quân nhân về hưu, cả chục năm nay cái nghề tay trái kinh doanh nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp đem lại cho ông nguồn thu nhập ổn định. Năm ngoái, khi Regina Miracle, nhà cung cấp cho các thương hiệu tên tuổi như Victoria’s Secret và Calvin Klein, bỏ ra 150 triệu USD đưa vào vận hành nhà máy tại VSIP Hải Phòng với quy mô lên tới 20.000 công nhân viên thì ông kiêm luôn dịch vụ môi giới việc làm.

Ông dành thời gian đảo qua hầu hết các tỉnh nông thôn từ Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Ngãi để tìm kiếm thanh niên trên 18 tuổi, đưa họ thông tin việc làm, cùng lời hứa cho thuê phòng với giá phải chăng. Nhờ vậy, mật độ cho thuê phòng của ông vẫn ổn định, dù công nhân nghỉ việc liên tục. Họ tự bỏ việc sau mỗi kỳ nghỉ lễ hoặc chủ các nhà máy sa thải hàng loạt nhân viên trước mỗi biến động của thị trường. Điều băn khoăn suốt hơn 10 năm kinh doanh phòng trọ là tại sao thu nhập của công nhân, nguồn khách hàng chính của ông, tăng lên chẳng đáng kể (nên ông cũng không thể tăng giá phòng trọ như mong muốn) và số công nhân nghỉ việc (dù tự bỏ việc hay bị sa thải) ngày một nhiều?

Một phần câu trả lời cho nỗi băn khoăn ấy nằm trong bản báo cáo phân tích thị trường mà tỉ phú 53 tuổi Hung Yau Lit tiến hành khảo sát 5 năm về trước, khi có kế hoạch chuyển các nhà máy trọng điểm của Regina Miracle đến những “thiên đường gia công mới” tại Đông Nam Á mà Việt Nam là ứng viên sáng giá. Báo cáo mới nhất của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Nike, Roche cho thấy xu hướng rõ ràng: Trung Quốc đang dần từ bỏ danh hiệu “công xưởng của thế giới” trong mô hình nền kinh tế gia công để chuyển hướng sang nền kinh tế tiêu dùng. Phần đơn hàng gia công mà Trung Quốc “từ bỏ” đang được phân chia lại cho những quốc gia đang phát triển khác có lợi thế chi phí nhân công thấp như Bangladesh, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia hay Việt Nam. Lấy ví dụ về hàng nhập khẩu giày Mỹ. Thị phần của Trung Quốc (xét về số lượng) ở thị trường này đã giảm từ 87% năm 2009 còn 79% năm ngoái. Các quốc gia hưởng thị phần “rơi ra” này là Việt Nam, Indonesia và Campuchia.

Nguồn nhân lực có trình độ, được đào tạo của Việt Nam chỉ chiếm hơn 37% lực lượng lao động. Ảnh: Quý Hòa

Trên bình diện vĩ mô, liệu rằng xu hướng Việt Nam chủ động thế chân Trung Quốc trở thành điểm đến “thiên đường gia công mới” có đem đến sự phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn? Và khi các quốc gia khác đang phấn đấu theo mô hình nền kinh tế tiêu dùng, nền kinh tế tri thức hay nền kinh tế tuần hoàn thì một Việt Nam gắn chặt tăng trưởng GDP với doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm gia công liệu có đảm bảo cân bằng được cả 3 mục tiêu của một nền kinh tế bền vững: kinh tế, sinh thái và xã hội?

Hạ cánh cứng

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu thế giới trong suốt 25 năm, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã cột chặt mô hình phát triển của Trung Quốc từ cuối thập niên 1970 chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: thu hút đầu tư FDI, nguồn nhân lực giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Sức lao động của hơn 1 tỉ dân trong hơn 1/4 thế kỷ đã giúp quốc gia này vươn lên và duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đem lại lượng dự trữ ngoại hối hiện tại đạt hơn 3.500 tỉ USD và sở hữu lượng tài sản tương đương 40% GDP toàn cầu nằm trong tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Theo báo cáo của Hội nghị Đầu tư và Thương mại Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành điểm đến đầu tư số 1 vào năm 2012 với khoảng 120 tỉ USD vốn FDI.

Cùng với lực đỡ từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính phủ nước này đã cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trong một thời gian dài nhờ vào lượng cung tiền. Mặc dù tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 không ảnh hưởng ngay đến Trung Quốc, nhưng quãng thời gian sau đó cho đến năm 2013 lượng cung tiền đã đạt tới 17.770 tỉ USD. Lượng tiền bơm vào lưu thông này cao gấp 4 lần so với thời điểm 10 năm trước là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang in tiền nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Từ đây, những trục trặc nội tại của mô hình phát triển kinh tế cũng bắt đầu gây ra những hệ lụy mà điển hình là nợ công. Tổng số nợ chính phủ, doanh nghiệp và người dân Trung Quốc ở thời điểm hiện tại nhiều hơn gấp 4,3 lần con số chính thức, tức phải chạm ngưỡng 28.000 tỉ USD, tương đương 282% GDP. Trong đó, các khoản nợ tới hạn cũng xấp xỉ 1.100 tỉ USD. Chính quyền Bắc Kinh đã phải lập ra Công ty China Trust Protection vào cuối năm 2014 để hỗ trợ các tập đoàn quốc doanh giải quyết các khoản nợ xấp xỉ 2.000 tỉ USD của mình.

Để giữ vị thế công xưởng của thế giới, ngoài những chính sách giảm, miễn thuế để thu hút đầu tư nước ngoài và “hy sinh” chỉ số nợ công, Trung Quốc buộc phải duy trì lợi thế giá nhân công thấp trong hàng thập niên. Tại hầu hết các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến, Hạ Môn, Sán Đầu, lương trung bình của công nhân sản xuất ở Trung Quốc hiện ở mức 3 USD/giờ (so với 22,3 USD/giờ ở Mỹ). Những năm 1990, Trung Quốc sản xuất chưa đầy 3% sản lượng hàng hóa toàn cầu thì nay họ sản xuất khoảng 80% máy lạnh, 70% điện thoại di động và 60% giày dép. Trung Quốc đã trở thành công xưởng toàn cầu khi tham gia sản xuất hơn 60% hàng hóa của thế giới.

Phía bên kia của bức tranh tăng trưởng kinh tế phi mã, Trung Quốc cũng tự mình tạo ra một “thế hệ trẻ em bị bỏ rơi” và một bầu trời xám xịt vì khói bụi. Để trở thành công nhân các khu công nghiệp, làm việc cho các nghiệp đoàn nước ngoài, có hơn 61 triệu trẻ em của Trung Quốc là con cái của công nhân viên trong các công xưởng gia công bị xa bố mẹ từ lúc mới sinh và trong toàn bộ thời niên thiếu. Mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm xuất phát từ mô hình nền kinh tế gia công khi chênh lệch chăm sóc dinh dưỡng và giáo dục giữa trẻ em thành thị và “thế hệ bị bỏ rơi” lần lượt là 4 và 20 lần.

Đáng buồn hơn, những ông bố bà mẹ phải làm việc với đồng lương ít ỏi, chịu cảnh xa con và ở trọ thì lại chịu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu công nghiệp. Số liệu trong báo cáo cho thấy tỉ lệ nước ngầm tại 198 thành phố có chất lượng dưới chuẩn chiếm 57,3% trong năm 2012 và hơn 30% sông lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm ngoái chỉ 27 trong số 113 thành phố quan trọng sở hữu bầu không khí đạt chất lượng tiêu chuẩn để hít thở. Nguyên nhân nằm ở bản chất của mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên khi quốc gia này đứng thứ 6 thế giới về tổng giá trị tài nguyên (có giá trị ước tính 23.000 tỉ USD với 90% trong số đó nằm ở các mỏ than và khoáng sản đất hiếm).

Tuy nhiên, như nhận xét của Giáo sư kinh tế Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Các nhà khoa học và chuyên gia người Việt tại Pháp AVSE, thành viên ban quản trị Hội Tài chính châu Á : “Sau thời gian dài hy sinh hai trụ cột của mô hình kinh tế là môi sinh và xã hội để ưu tiên tích lũy tư bản cũng như bảo hộ cho các doanh nghiệp nội địa bắt kịp khoa học và công nghệ thế giới, Trung Quốc đã bắt tay vào chuyển đổi mô hình từ nền kinh tế gia công sang nền kinh tế tiêu thụ, trong đó lấy tiêu thụ nội địa làm trọng tâm”.

Lam sao tranh bay

Để thực hiện con đường tăng trưởng mới, Trung Quốc đã đi nhiều nước cờ. Năm ngoái khi người Ấn Độ vui mừng vì lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới với giá trị 63 tỉ USD thì cũng là lúc Trung Quốc sử dụng sức mạnh tích lũy của ngoại tệ và lượng vàng dự trữ lên tới 1.708,5 tấn, đứng thứ 5 toàn cầu. Trong năm 2014, nếu tổng vốn FDI đầu tư vào nội địa Trung Quốc đạt 128 tỉ USD, thì tổng lượng vốn mà các doanh nghiệp nước này đầu tư ra thế giới lại lớn hơn nhiều, đạt gần 147 tỉ USD.

Nói cách khác, Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng như một cỗ máy “sở hữu tài sản” (asset holdings) khổng lồ dựa trên chiến lược mua lại và thâu tóm các tài sản có giá trị trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa đối với những sản phẩm trong nước không có thế mạnh như các sản phẩm công nghệ cao. Đó cũng là nhằm tìm đường ra cho nguồn cung dư thừa từ lượng hàng hóa sản xuất trong nước. Một điểm đáng chú ý nữa là lượng kiều hối của Trung Quốc năm 2015 giảm thấp hơn kỳ vọng chỉ đạt gần 64 tỉ USD. Lý do là người Trung Quốc tại hải ngoại đã dùng tiền thâu tóm tài sản trên chính nước mà họ di cư để thiết lập những chuỗi cung ứng ngược trở lại đại lục.

Tránh vết xe đổ

Miếng bánh thị phần mà Trung Quốc bỏ lại tại những ngành nghề sử dụng nhiều nhân công phổ thông như lĩnh vực công nghiệp nhẹ, da giày, dệt may hay chế biến thủy hải sản, đang được cạnh tranh bởi các thiên đường gia công mới nằm dọc theo khu vực Đông Nam Á. General Motors, tập đoàn nông nghiệp Archer Daniels Midland, Tập đoàn IBM, Samsung... đang tìm cách đưa một phần hoặc toàn bộ nhân sự lẫn trụ sở hay máy móc ra khỏi Trung Quốc, tìm đến những quốc gia có giá nhân công rẻ hơn.

Lam sao tranh bay

Một trong những điểm đến của họ là Việt Nam. Như câu chuyện của Regina Miracle, hãng nội y lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hồng Kông với 58,7 triệu sản phẩm làm ra vào năm ngoái. Regina Miracle đã không chọn đại lục làm nơi xây nhà máy mới, thay vào đó là Hải Phòng và Hải Dương của Việt Nam, với vốn đầu tư lần lượt 150 triệu USD và 88 triệu USD trong giai đoạn đầu. Theo các chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered, với quy mô sản xuất tại Việt Nam mỗi năm 20 triệu chiếc áo lót nữ, 8 triệu chiếc quần lót nữ, 2 triệu đôi giày thì chi phí nhân công mà tập đoàn này tiết kiệm được là khoảng 12% so với việc mở nhà máy tại các thị trường khác trong khu vực.

Nhưng không chỉ mỗi Việt Nam biết đưa ra lợi thế để thu hút đầu tư. Giáo sư người Pháp Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toán, thống kê và kinh tế toán (CERMSEM), nhận định, một mặt, các quốc gia đang phát triển cạnh tranh lẫn nhau bằng một loạt các giải pháp ưu đãi, giảm hoặc miễn thuế để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn. Mặt khác, chính họ lại vướng phải ma trận hiệp định thương mai tự do đã và đang ký kết. “Vùng trũng” của các hiệp định này chính là loại bỏ hầu hết hàng rào thuế quan nội địa. Nói cách khác là mở toang thị trường nội địa cho khối ngoại, nhất là trong bối cảnh sức khỏe, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa còn kém cỏi.

Tháng 8 vừa qua, Việt Nam miễn giảm thêm hơn 5.000 loại thuế suất về bằng 0%, một kết quả tất yếu của 13 hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký hết. Trong bối cảnh nguồn nhân lực có trình độ, được đào tạo chỉ chiếm hơn 37% lực lượng lao động, kinh tế Việt Nam hầu như có rất ít lựa chọn để thoát khỏi “bẫy gia công” khi doanh nghiệp cần các đơn hàng xuất khẩu để duy trì sự tồn tại; còn cả nền kinh tế cần nguồn kiều hối và ngoại hối từ doanh thu xuất khẩu để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng GDP.

Lam sao tranh bay

Trong một diễn biến khác, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, “đầu kéo” chính của nền kinh tế Việt Nam là hệ thống các ngân hàng thương mại lại đang gặp trục trặc, trong khi đang gánh trọng trách bơm tiền vào lưu thông để kích thích tăng trưởng (tín dụng 8 tháng đầu năm 2016 đã tăng hơn 11%). Một biểu hiện cho những trục trặc ở ngân hàng là nợ xấu trên tổng dư nợ đã lên tới 5,9 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2016. Mặc dù 11,3 tỉ USD nợ xấu (tính lũy kế đến thời điểm hiện tại) đã được chuyển sang VAMC nhưng chỉ có 1,5 tỉ USD được xử lý.

Còn theo khuyến cáo của ông Jonathan Dunn, Trưởng Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam, trong bối cảnh lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) chỉ đạt 0,5% và lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) 6,25%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình hệ thống ngân hàng tại các quốc gia đang phát triển (so với mức 2% và 15% tương ứng) thì Việt Nam gần như phải duy trì 15% ngân sách quốc gia trong trung hạn dành cho trả lãi và đáo hạn nợ gốc các khoản vay.

Trung Quốc đang chuyển hướng mô hình kinh tế, từ công xưởng của thế giới sang một nền kinh tế năng động, dùng sức mua nội địa làm động cơ tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là có ít nhất 3 yếu tố khiến sức mua, tiêu thụ ở Trung Quốc không tăng: một là lương tăng không nhanh; hai là một hệ thống an sinh xã hội kém hiệu quả (nên người dân tiết kiệm thay vì tiêu xài); ba là lãi suất rất thấp (vì thế, không mấy ai hăng hái bỏ tiền vào ngân hàng để kiếm lời và có thêm thu nhập để dùng vào chi tiêu).

Những vấn đề của Trung Quốc trong việc chuyển đổi từ mô hình gia công sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng cũng là một bài học quý giá cho Việt Nam. Để “uốn” nền kinh tế theo mô hình nền kinh tế tri thức (trong dài hạn) hay hướng đến nền kinh tế tiêu dùng (trong trung hạn), Việt Nam vẫn cần tích lũy hơn nữa về công nghệ, kỹ thuật, giáo dục, hơn là những chỉ số đơn thuần về ngoại hối, kiều hối và kim ngạch xuất khẩu. Có như vậy, mới có thể tránh khỏi bẫy “công xưởng thế giới” mà Trung Quốc đang muốn thoát ra.

Nguyệt Nguyễn (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.