4 năm du học, chàng trai Nguyễn Văn Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) quyết định về quê nuôi chim. Trang trại của anh hiện thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi tháng.

Ở thôn Hiệu Chân (Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội), mỗi khi có ai hỏi thăm chàng trai Nguyễn Văn Phúc, người dân đều chỉ dẫn tận tình kèm theo lời khen: "Cậu đó thế mà giỏi, làm việc không giống ai, giờ có nhiều tiền lắm".

Từ năm 2010, Phúc bỏ thành phố về quê nuôi chim. Giờ anh đã có 3 trang trại nuôi 5.600 chim bồ câu và hơn 600 chim cu gáy. "Năm tôi bắt đầu theo nghiệp nuôi chim, ít ai nuôi quy mô thế này", chàng trai chia sẻ, khuôn mặt rạng ngời vẻ hạnh phúc.

Chim cu là giống nhát người nên từ khâu lựa chọn huấn luyện thành chim cảnh, anh Phúc phải chọn những con bạo dạn. Ảnh: Phan Dương.

Năm 2005, Phúc sang Nga học ngành công nghệ thông tin. Tốt nghiệp đại học, anh về nước làm việc tại một công ty máy tính có tiếng ở Hà Nội với lương 8 triệu đồng. Được vài tháng thì công ty chuyển chế độ chuyên viên thành cử nhân bình thường, lương bổng giảm một nửa. Không đủ chi tiêu, anh nghỉ làm về quê mở quán Internet, thi thoảng phụ bố mẹ chăm sóc đàn chim bồ câu nhỏ của gia đình.

"Khi tôi quyết định về quê nuôi chim, cả nhà phản đối gay gắt. Làng xóm bảo tôi là dở người, tốn bao nhiêu tiền của đi học lại về làm anh nông dân cực nhọc, thu nhập ba cọc ba đồng", anh tâm sự.

Lúc khởi nghiệp, Phúc vay mượn 60 triệu đồng và biến tầng 2 nhà mình thành nơi nuôi chim. Anh mua 100 đôi bồ câu giống Pháp, Mỹ, Hà Lan, chứ không nuôi bồ câu ta như bố mẹ. Chàng trai trẻ nghĩ không cần học hỏi kinh nghiệm của ai vẫn tự mình nuôi được. 3 tháng sau đàn chim chết hàng loạt. Thất bại lần đầu, anh làm lại lần hai, chủ động học hỏi kinh nghiệm từ bố, dành nhiều tháng đi các tỉnh thành phía Bắc học hỏi. Lứa chim này anh đã thành công, tăng số lượng đàn lên gấp ba lần. Bước đầu, ông chủ trẻ cũng gây dựng được những khách hàng quen.

Trong khi nuôi bồ câu, anh Phúc cũng mua thêm một số chim cu gáy về chơi thỏa đam mê. Chàng cử nhân công nghệ nảy ra một ý tưởng điên rồ: Bắt chim cu gáy tự nhiên về nhà nuôi đẻ. Anh cho hay, tìm được một con chim ưng ý không hề đơn giản, phải chọn loại có bố mẹ giọng tốt, mã đẹp, ngực nở, chân cao, mắt vàng cát, cườm hạt nhỏ như ông cha có câu "cườm vàng thì giọng thổ, bỏng nổ thì giọng kim". Để chọn chim gáy cảnh cần giống chim khách, bạo dạn, những con nhát hơn sẽ mua làm chim đẻ.

Ông chủ doanh nghiệp nuôi chim Hồng Phúc từng là một du học sinh Nga. Khát khao làm giàu anh chuyển sang nuôi chim và thành công. Ảnh: Thanh Tùng.

Thời điểm thử nghiệm nuôi chim đẻ mang đến cho anh Phúc nhiều buồn vui. Ban đầu, anh ghép con trống và mái vào một chuồng, không để ý con mái đã bị chim trống mổ chết, hoặc ngược lại. Vài lần như thế khiến Phúc vắt óc suy nghĩ, tìm hiểu sâu về giống chim này.

Chim cu là giống kén bạn tình. "Để ghép đôi cho chúng, tôi đặt chuồng chim mái và trống cạnh nhau khoảng một tuần cho chúng làm quen, sau đó mới ghép lồng, quan sát ít nhất nửa ngày xem nó có hòa hợp không. Khi chim đẻ, tuyệt đối không được sờ tay vào trứng để cho nó tự ấp, tự nở", anh Phúc cho hay. Để tăng khả năng sinh sản, anh mua giống chim cu Pháp về huấn luyện chuyên ấp thuê cho chim gáy Việt. Như vậy, trong một năm chim sẽ sinh sản được 20 lần, mỗi lần 2 quả, so với chỉ 6 lần như thông thường. Làm đúng quy trình trên, một chim mái sẽ cho ra đời 40 chim con mỗi năm.

Trong việc nuôi chim đẻ, cứ 6 tháng Phúc phải thay đổi bạn tình cho chúng một lần để cải thiện chất lượng giống. Chim cu một tháng tuổi, giọng thổ đang được bán 800.000 đồng một đôi, giọng kim là 500.000 đồng một đôi. Nuôi được chim, anh Phúc cũng học hỏi kinh nghiệm để dạy chúng. Thời điểm huấn luyện tốt nhất là từ 8 tháng đến một năm. Mỗi sáng, anh phát những bản thu âm giọng cu gáy hay để cho chim con nghe. Ngoài ra, anh còn huấn luyện chúng tập theo cử động của ngón tay hoặc đặt con mới gáy được 2 lèo cạnh con gáy được 3 lèo. Các cụ vẫn bảo "con gà tức nhau tiếng gáy", giống chim cũng thế. Nhờ cách này mà chúng rất nhanh tiến bộ.

Chăm sóc chim cu cảnh cũng không hề đơn giản. Thức ăn cho chim bao gồm vừng, thóc, kê. Mùa nóng, anh Phúc cho thêm nước điện giải, mùa đông cho nước muối, trong ngày phải kiểm tra có kiến, giòi, bọ không. Vào mùa hè cứ 2 ngày chim tắm một lần cho bộ lông đẹp mượt mà.

Nếu như chim bồ câu mang lại thu nhập lớn thì với cu gáy, ngoài thu nhập tạm ổn, anh Phúc còn có thêm nhiều niềm vui. Chàng trai trẻ say sưa kể những thời điểm chạy xe khắp các ngõ ngách Hà Nội rao bán chim hay những ngày tháng lượt khắp các miền rừng Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình tìm chim hay. Có lần, anh rất ưng một con cu gáy 3 tuổi, gáy được 6 lèo, dáng mã, lông mượt mà. Nhiều lần anh đến gạ bán khiến chủ nhà bực tức đuổi đi. Tới lần thứ 10, họ mới đồng ý bán chim với giá 10 triệu đồng, trong khi giá anh đưa ra lần đầu là 6 triệu.

Cách đây 2 năm có một vị khách ở Hòa Bình ưng con cu gáy giá 12,5 triệu đồng. Qua điện thoại, anh Phúc cho biết nó có ngoại hình hoàn hảo, gáy hay nhưng lúc ba ông khách tới thì làm cách nào con chim cũng không gáy. Họ tỏ ra khá thất vọng vì đi một quãng đường xa tới, lại nghĩ Phúc buôn bán không đáng tin. Khi ông khách ra khỏi nhà khoảng 100 m, đột nhiên chim gáy vang, giọng trầm ấm. Họ vào nhà xin lỗi và còn trả cho anh hơn giá đưa ra để sở hữu người bạn nhỏ này.

"Nhiều người chơi cu gáy có kinh nghiệm dọa chim để thử độ gan của nó. Khi đi mua chim, người ta cũng chọn ngày nắng, không đi ngày râm và mưa vì nó sẽ không gáy", ông chủ trẻ cho biết thêm.

Một nghệ sĩ ở Bắc Ninh từng mua chim cu gáy của Phúc chia sẻ, một lần ông đến nhà họ hàng chơi thì nghe nói trong xóm có Phúc huấn luyện chim giỏi. Ông dựng xe sát tường lắng nghe giọng cu gáy và khá ưng chất giọng khỏe của một con. Hai ngày tiếp theo, ông không ngại đi vài chục km đến và cũng chỉ đứng bờ rào nghe "trộm" chim gáy. Đến ngày thứ 4, ông mới vào mua con chim mình mê mẩn. Giờ ông trở thành một người bạn chơi chim với ông chủ trẻ sinh năm 1987 này.

Thành công sớm, Nguyễn Văn Phúc cũng giúp đỡ rất nhiều người khác thành lập cơ sở nuôi chim và đóng góp xây dựng quê hương. Cách đây vài tuần anh lên chức bố lần hai. Mái ấm có người vợ đảm và hai đứa con (một gái, một trai) luôn chờ anh về sau những ngày làm việc căng thẳng.

Phan Dương (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.