“Tuổi trẻ tài cao” là lời khen người ta thường nghe từ các bậc tiền bối dành cho lớp hậu sinh. Ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ dù chưa đến cái tuổi tam thập nhi lập cũng đã có công ty riêng hoặc làm giám đốc điều hành tại những công ty đa quốc gia. Họ trẻ, tài năng và đầy khát vọng.

Ngoài kinh doanh, nhiều người còn dành thời gian cho các hoạt động xã hội, thể thao. Trong ảnh: Tranh tài tại một giải bóng đá dành cho doanh nhân. Ảnh: UYÊN VIỄN

TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Mai Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khuông Việt; Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập Công ty cổ phần Giáo dục Yola; Đinh Nhật Nam, đồng sáng lập chuỗi cà phê Urban Station; và Nguyễn Phương Anh, Giám đốc điều hành Zalora Việt Nam, một thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam.

TBKTSG: Vào lúc khởi đầu, hẳn là “vạn sự khởi đầu nan”?

“Chúng tôi chọn con đường giáo dục để khởi nghiệp vì muốn tạo ra giá trị tích cực và có ý nghĩa cho cộng đồng”. Ngô Thùy Ngọc Tú

- Ngô Thùy Ngọc Tú: Chính xác. Đầu tiên, mô hình dạy tiếng Anh qua mạng của YOLA không thành công vì cơ sở hạ tầng Internet ở Việt Nam chưa tốt, người dùng Internet cũng chưa quen học qua mạng. Mô hình thứ hai là dạy tiếng Anh cho người lớn cũng không như mong đợi. Sau hơn một năm chật vật, đến tháng 11-2009, khi chuyển qua luyện thi SAT cho học sinh chuẩn bị du học thì con đường của YOLA mới sáng sủa hơn và phát triển từ bước ngoặt này.

“Từ Singapore về Việt Nam, thấy tiền bay khắp nơi, tôi tự hỏi tại sao mình không làm giàu trên chính quê hương mình?”. Mai Trường Giang

- Mai Trường Giang: Trong sáu tháng đầu, lượng bánh chúng tôi bán được rất khiêm tốn mặc dù ai cũng khen ngon. Thu không đủ chi, nguồn vốn tích lũy và vay mượn lần lượt vơi dần rồi cạn hẳn. Tôi rơi vào khủng hoảng và thật sự lo lắng.

Tuy nhiên, tôi luôn suy nghĩ tích cực và có niềm tin mạnh mẽ là sẽ thành công. Tôi suy nghĩ ngày này qua ngày khác và tìm ra nguyên nhân. Tôi giảm kích thước của bánh cho phù hợp với khách người Việt. Khi kích thước giảm thì giá cũng giảm. Mọi thứ chuyển biến tích cực và bây giờ thì bánh su Chewy Junior đã có mặt từ Nam ra Bắc. Sau Chewy Junior, tôi còn kinh doanh thêm nhiều mảng khác.

“Tôi thấy mình may mắn khi bắt đầu kinh doanh trước khi đi làm. Nếu đã đi làm với mức lương và phúc lợi tốt, có lẽ tôi đã không đủ dũng cảm để thoát ra và khởi sự kinh doanh”. Đinh Nhật Nam

- Đinh Nhật Nam: Chúng tôi khởi đầu theo mô hình “cà phê mang đi” đang khá thịnh vào thời điểm đó. Mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên nhiều quyết định cảm tính và chưa nắm được thị hiếu khách hàng. Kinh doanh thua lỗ, một số người bạn ra đi chỉ còn lại tôi và một người bạn nữa. Chúng tôi cùng cố gắng xoay vốn để duy trì Urban Station.

“Trong thế giới vô vàn kiến thức này, đừng ngại khi nói ‘tôi không biết’”. Nguyễn Phương Anh

- Nguyễn Phương Anh: Thời gian đầu mới về Việt Nam, một thân một mình, tôi phải thích nghi với mọi thứ, từ thức ăn, môi trường, cho đến con người. Công việc tại ELLE không mấy khó khăn vì tôi có chuyên môn trong lĩnh vực này. Nhưng khi về Zalora đảm nhiệm vị trí giám đốc sản xuất, từ một chuyên viên chỉ lo việc của mình chuyển sang làm “sếp”, tôi phải học thêm cách giao việc, quản lý con người. Ba tháng đầu tiên tôi rất căng thẳng vì không biết phải hướng dẫn thế nào để mọi người có thể làm tốt công việc được giao.

TBKTSG: Khi nguồn vốn cạn dần, anh chị xoay trở ra sao?

- Ngô Thùy Ngọc Tú: Mỗi người chúng tôi đều dành dụm được một ít trước khi “sinh” ra YOLA. Chúng tôi không nhận lương và sống dựa trên số tiền dành dụm đó. Thời điểm mới ra trường, tôi không sợ thất bại vì cũng không có gì nhiều để mất, chỉ mất thời gian nhưng được kinh nghiệm. Chúng tôi tự nhủ nếu không thành công thì tiếp tục chọn hướng đi khác cho công ty.

- Mai Trường Giang: Khi tôi ở tận cùng khó khăn, bạn bè xa dần thì gia đình vẫn luôn là điểm tựa. Cha mẹ tôi vay vốn giúp tôi và thế chấp giấy tờ nhà - những mảnh giấy vô cùng quan trọng đối với người dân ở miền quê Trà Vinh. Nhờ khoản “tiếp sức” này, tôi đã xoay chuyển được tình hình kinh doanh.

- Đinh Nhật Nam: Khi vốn cạn, tôi không thể mượn tiền của ai, cũng không muốn xin gia đình, càng không thể vay mượn ngân hàng vì không có gì để thế chấp. Tôi quyết định đi làm cho một công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với mức lương ổn định mỗi tháng, tôi dùng đó như nguồn chứng minh thu nhập để vay ngân hàng và dùng khoản vay này tiếp tục nuôi Urban Station. Sau khi đi làm một năm, tôi quyết định nghỉ hẳn để dành toàn thời gian cho “đứa con tinh thần” của mình.

Chúng tôi thay đổi mô hình hoạt động của quán, chuyển từ hình thức cà phê mang đi sang đầu tư không gian và chú trọng tạo phong cách riêng để khách có thể thưởng thức ngay tại quán.

Với cà phê chất lượng nhưng giá phải chăng, không gian thoải mái, phong cách phục vụ tốt, Urban Station được sự đón nhận của thị trường và ngày càng phát triển.

TBKTSG: Hình như chị Phương Anh chẳng phải lo gì về vốn và chiến lược kinh doanh?

- Là một giám đốc điều hành, tôi có những khó khăn và áp lực riêng. Khi bạn nhận được nguồn vốn đầu tư càng lớn, đồng nghĩa với việc có thể bị can thiệp càng nhiều vào công việc điều hành và chiến lược, định hướng của công ty. Sẽ là may mắn nếu quỹ đầu tư cùng tầm nhìn với mình, nhưng không hẳn lúc nào cũng vậy.

Hơn nữa, các dòng vốn đều có một chu kỳ nhất định. Vốn càng cao, đòi hỏi lợi nhuận càng lớn. CEO phải căng đầu với doanh thu, lợi nhuận để đạt những con số theo như thỏa thuận với quỹ đầu tư. Đồng thời, CEO phải xoay trở rất nhiều để chuẩn bị nguồn vốn một khi các quỹ đầu tư thoái vốn.

Về nhân sự, trước sự cạnh tranh gay gắt của các công ty trong ngành, việc giữ chân nhân sự giỏi luôn là một thách thức.

TBKTSG: Anh chị nghĩ sao khi những nhân viên xuất sắc của mình nhảy việc, hoặc “ra riêng” và trở thành đối thủ của mình?

- Nguyễn Phương Anh: Tôi tôn trọng ý kiến của họ và tư vấn để họ có quyết định sáng suốt nhất. Tôi không nghĩ khi họ ra đi Zalora sẽ yếu hơn. Một công ty lớn luôn có kế hoạch nhân sự dự phòng. Quan trọng hơn, chúng tôi xây dựng những quy trình hợp lý để khi một người nghỉ việc, công việc sẽ được chuyển giao và người thay thế có điều kiện thích nghi một cách nhanh nhất.
Cách cư xử khi một nhân viên nghỉ việc rất quan trọng. Chúng ta không còn là đồng nghiệp nhưng vẫn có thể làm đối tác hỗ trợ lẫn nhau. Và thực tế tại Zalora cho thấy có rất nhiều người giỏi, sau khi nghỉ việc lại đem đến cho công ty những mối quan hệ hợp tác mới.

- Mai Trường Giang: Ai cũng muốn có cái gì đó cho riêng mình. Nếu nhân viên “ra riêng”, tôi ủng hộ và sẽ tư vấn cho việc kinh doanh của họ.

TBKTSG: Anh chị có thể chia sẻ đôi điều về kế hoạch kinh doanh sắp đến, về ước mơ, khát vọng của mình?

- Ngô Thùy Ngọc Tú: Yola sẽ trở thành công ty giáo dục hàng đầu Việt Nam. Cá nhân tôi mong muốn được góp sức để thật nhiều cựu học sinh Yola trưởng thành và tạo được những ảnh hưởng với thế hệ của các em, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội, giúp Việt Nam có thể tự hào về những gì các em làm được ở nước ngoài.

Thử thách của YOLA là chính ở bản thân Yola, là việc không ngừng học hỏi, thay đổi, bắt kịp nhu cầu thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng. Để nâng cao chất lượng giảng dạy thì chất lượng giảng viên là yếu tố đầu tiên cần quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, nguồn giảng viên của YOLA chỉ đến từ nước ngoài và các bạn du học sinh. Đây là một thử thách lớn mà chúng tôi đang đối mặt.

- Mai Trường Giang: Tôi muốn trở thành tỉ phú đô la, sau đó nghỉ hưu, đi du lịch khắp nơi, tận hưởng cuộc sống cá nhân và đầu tư trở lại cho lớp trẻ. Tôi có thể lập quỹ đầu tư, chia sẻ về khởi nghiệp...

Nhưng thật khó trở thành tỉ phú nếu chỉ kinh doanh với quy mô hiện tại. Ngoài Việt Nam, tôi còn đầu tư một ít ở Singapore và dự định mở thêm chuỗi nhà hàng tại đây. Việc này sẽ giúp tôi thâm nhập thị trường các quốc gia khác dễ dàng hơn nếu so với việc mở chuỗi ở Việt Nam và đem thương hiệu đi các nước khác. Các cửa hàng này sẽ là sự kết hợp giữa phong cách hiện đại phương Tây và nền ẩm thực Việt Nam. Thế giới đánh giá rất cao các món ăn của chúng ta nhờ tính tươi, ngon và bổ dưỡng. Tuy vậy, thương hiệu của chúng ta chưa có nhiều, ngoài phở. Cả thế giới đã biết đến “phở” và họ sẽ biết thêm “bánh xèo”, “bánh canh”, “bánh cuốn”...

- Đinh Nhật Nam: Tôi vừa bắt đầu một chuỗi mới có tên Papaxot (tức nước xốt của Papa), cung cấp các món ăn Việt có lợi cho sức khỏe với mức giá hợp lý có thể đến với càng nhiều người càng tốt. Đây cũng là triết lý khi tôi xây dựng Urban Station và các chuỗi sau này. Có lẽ tôi sẽ kinh doanh thêm ở mảng nội thất và cả du lịch nữa.

Tôi có một mong ước rất đơn giản, đó là trải nghiệm thật nhiều, về mọi thứ và có thể đi du lịch bất cứ nơi nào mình thích.

Khi còn trẻ, thời gian là thứ quý nhất. Tôi có thể trải nghiệm mọi thứ vì chẳng có gì nhiều để mất và nếu mất thì tôi vẫn có thời gian để làm lại. Khi tôi mở Urban Station, tất cả đàn anh trong ngành đều nói 80% sẽ thất bại. Tôi không quan tâm nhiều đến điều đó, đơn giản tôi chỉ nghĩ rằng mình có một sản phẩm hay, tại sao không thử? Tôi làm Urban Station để thử thách những giới hạn của bản thân.

Còn với Papaxot, tôi nhìn thấy cơ hội và thử thách để chinh phục, mạo hiểm một chút cũng tốt. Dĩ nhiên, đến một độ tuổi nhất định với những thành công nhất định, có lẽ tôi sẽ sợ mạo hiểm, sợ vấp ngã nhưng thời điểm đó còn xa lắm.

Về du lịch, ước mơ nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra chẳng đơn giản chút nào. Có tiền là một chuyện, sắp xếp thời gian là một chuyện, yên tâm giao việc cho cấp dưới là một chuyện, có tinh thần thoải mái và đủ sức khỏe để đi lại là chuyện khác nữa.

- Nguyễn Phương Anh: Tôi mong muốn có thể tạo ra sự ảnh hưởng và đóng góp vào quá trình phát triển công nghệ, thời trang và tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam, đồng thời, rèn luyện bản thân mình trở thành một nhà lãnh đạo và người hướng dẫn tốt. Với tôi, hiện tại, Zalora là cuộc sống, là niềm đam mê và cả sự tự hào.

TBKTSG: Từ những trải nghiệm của bản thân, anh/chị có thể chia sẻ đôi điều với các bạn trẻ?

- Mai Trường Giang: Qua câu chuyện bánh su, tôi muốn nói rằng có những mô hình ở nước ngoài thành công nhưng về Việt Nam, nếu không điều chỉnh, rất dễ thất bại. Hãy luôn suy nghĩ tích cực, không có thất bại, chỉ có người bỏ cuộc. Đừng nghĩ rằng nguồn vốn chỉ có tiền mà còn cả kiến thức, quyết tâm và niềm đam mê. Thêm nữa, chúng ta có một “nguồn vốn” tinh thần vững chắc từ gia đình. Gia đình chắc chắn không bỏ rơi ta. Nói vậy không phải để ỷ lại mà để thấy chúng ta may mắn khi có gia đình là một gia đình Việt.

- Đinh Nhật Nam: Hãy làm những thứ mình thích, trải nghiệm thật nhiều. Mạo hiểm nhưng có tính toán và bớt cảm tính khi đưa ra các quyết định.

- Nguyễn Phương Anh: Đừng ngại nói “tôi không biết”. Có lẽ chúng ta bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng “tôi không biết” đồng nghĩa với yếu kém. Hãy mạnh dạn nói “tôi không biết” với những vấn đề mình không biết trong tâm thế “tôi không biết nhưng tôi muốn biết và biết cách để đạt được điều tôi muốn biết”.

- Ngô Thùy Ngọc Tú: Chấp nhận những thử thách ở giai đoạn đầu khi khởi nghiệp để thật sự hiểu được khách hàng và sáng tạo được mô hình kinh doanh. Nếu cho rằng phải thấy được hết tất cả mới làm thì có thể sẽ chùn bước trước những rủi ro, nên nhớ có những mô hình phải qua thời gian và kinh nghiệm mới có thể đúc kết và sáng tạo ra.

Các câu chuyện khởi nghiệp

MAI TRƯỜNG GIANG: Năm 2009, ở tuổi 23, có công việc ổn định tại Singapore, Mai Trường Giang quyết định quay về Việt Nam kinh doanh bánh su, một công việc hoàn toàn mới. Sau sáu tháng đầu thua lỗ, công việc kinh doanh được điều chỉnh và bắt đầu thành công. Sau bánh su, Mai Trường Giang kinh doanh thêm chuỗi Startup Coffee, bánh canh Bến Có, kinh doanh bất động sản...

NGÔ THÙY NGỌC TÚ: Tháng 10-2008, Ngô Thùy Ngọc Tú cùng hai người bạn quen nhiều năm khi cô ở Mỹ là Phan Duy và Phan Anh Khoa thành lập Học viện Anh ngữ YOLA với mục đích hỗ trợ việc học ngoại ngữ qua mạng. Sau hai mô hình kinh doanh đầu tiên không thành công, YOLA chuyển hướng sang luyện thi SAT. Hiện YOLA là một trong những tổ chức hàng đầu về luyện thi tiếng Anh du học với mạng lưới cơ sở tại TPHCM và Hà Nội.

ĐINH NHẬT NAM: Sẵn có ý định khởi nghiệp với một quán cà phê nhạc acoustic, vào tháng 6-2011, khi đang là sinh viên đại học năm thứ ba, Đinh Nhật Nam cùng một số người bạn mở quán cà phê Urban Station, như một trạm dừng chân giữa thành thị. Vượt qua những khó khăn đầu tiên, đến nay, Urban Station đã có 32 cửa hàng.

NGUYỄN PHƯƠNG ANH: Sinh ra và lớn lên ở Đức, từng làm việc ở Mỹ, về Việt Nam năm 2011, Nguyễn Phương Anh bắt đầu với công việc biên tập viên hình ảnh tại tạp chí ELLE. Từ tháng 2-2012, cô về làm Giám đốc sản xuất cho Zalora Việt Nam và sau đó được luân chuyển qua nhiều vị trí. Từ tháng 7-2013, cô là Giám đốc điều hành của Zalora Việt Nam.

Đức Tâm (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.