Ngày 21/9/2013, lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một “ông tỷ phú” vỏn vẹn 1 tuổi.

Đó là bé Huỳnh Hằng Hữu - con trai ông Huỳnh Uy Dũng, chủ Công ty Đại Nam, Bình Dương. Ông chủ nhỏ này, theo chúc thư của cha, đã trở thành Chủ tịch HĐQT của một công ty có hơn 2.000 nhân viên và tổng tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Cậu bé vàng...

Thông tin này được công bố rình rang trong một bữa đại tiệc tại khách sạn Sheraton Sài Gòn với sự chứng kiến của 600 quan khách. Theo đó, sau khi “nhường ngôi” cho con, ông Dũng giờ đây chỉ còn đóng vai trò là Tổng Giám đốc Đại Nam mà thôi. Tuy nhiên, để giúp cho Chủ tịch nhí Huỳnh Hằng Hữu, một hội đồng giám sát gồm vợ chồng ông Dũng và 9 thành viên khác sẽ có trách nhiệm giám hộ, quản lý toàn bộ khối tài sản cho đến khi vị Chủ tịch HĐQT này tròn 18 tuổi. Ông Dũng cũng cho biết, Công ty cổ phần Đại Nam với Chủ tịch HĐQT Huỳnh Hằng Hữu thời gian tới sẽ xây dựng 17 đền thờ Đại Nam (trị giá 100 tỷ đồng/đền) trên khắp đất nước, phục vụ người dân đến thờ tự chiêm bái và tưởng nhớ tổ tiên.

Ông Huỳnh Uy Dũng còn tiết lộ với báo chí rằng, lý do ông tuyên bố toàn bộ tài sản cá nhân của mình sẽ thuộc về con trai Huỳnh Hằng Hữu là vì ông đã từng ước nguyện, có ai đó sẽ thay mình giữ gìn, bảo tồn cơ nghiệp mà ông đã dành gần cả đời gây dựng. Việc có cậu con trai này là do vợ chồng ông cầu xin tại đền Đại Nam nhân dịp mồng Một Tết nguyên đán năm trước. Gia đình ông coi đứa con trai này như một món quà mà Thượng đế ban tặng và từ đó, ý tưởng xây dựng 17 ngôi đền đã ra đời.

Trong khi đó tại Mỹ, trong vòng 20 năm qua, không có bất cứ sự kiện đình đám nào liên quan đến việc cho tiền thừa kế với các quý tử của Bill Gates - chủ Hãng Microsoft - tỷ phú giàu nhất thế giới với tổng tài sản trị giá 72 tỷ USD. Bill cho biết, ông cùng bà vợ Melinda của mình không hề có ý định cho con thừa kế toàn bộ tài sản. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng, việc đưa tiền cho các con là điều tốt cho chúng cũng như cho xã hội”.

Vì vậy, vợ chồng Bill Gates đã thành lập Quỹ Từ thiện The Bill & Melinda Gates Foundation vào năm 1994 và hiện quỹ này đã quyên góp được 37 tỷ USD. Cũng không có sự kiện đình đám nào với gia đình tỷ phú giàu hàng thứ 2 thế giới là Warren Buffett. Ông này cũng đã công bố rõ ràng về ý định không để lại tài sản thừa kế kếch xù nào cho con, mặc dù ông đang có trong tay 53,5 tỷ USD. Ông là một nhà từ thiện có hạng. Con trai ông, Peter Buffett, một nhạc sĩ cho biết, khi 20 tuổi anh từng hỏi vay tiền của cha và bị từ chối. Sau đó, Peter đã tự mình làm nên sự nghiệp.

Tỷ phú Warren Buffett cho biết, ông không hề lo lắng về con cái của mình. Trong một lá thư gửi tới tổ chức từ thiện của Bill Gates, ông Warren Buffett viết: “Tôi đưa cho con mình đủ tiền để chúng biết rằng, chúng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, nhưng cũng không quá nhiều khiến chúng tưởng rằng, chúng chẳng cần làm gì cả”.

Có thể dự đoán sự kiện Chủ tịch nhí Huỳnh Hằng Hữu được thừa kế khối tài sản khổng lồ hàng chục ngàn tỷ đồng vào năm đầy tuổi tôi có khả năng sẽ được ghi vào kỷ lục Guiness thế giới. Đây cũng là sự kiện chứng tỏ, các tỷ phú Việt Nam “vượt mặt” các tỷ phú thế giới - theo một nghĩa nào đó.

...không phải là cá biệt!

Tuy thế, trước ông Huỳnh Uy Dũng, cũng đã có khá nhiều đại gia Việt mạnh tay truyền thừa kế cho con. Giới truyền thông cũng đã tốn nhiều giấy mực để ghi nhận những khối tài sản trị giá hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đang được các bậc cha mẹ chuyển cho con đứng tên để xây dựng các “đế chế” kinh doanh trong gia đình. Ở Việt Nam, dường như càng ngày càng xuất hiện nhiều cô chủ, cậu chủ nhỏ mới chỉ ngoài 20 tuổi đã sở hữu hàng trăm tỷ đồng tiền cổ phần, cổ phiếu mà chẳng cần có nỗ lực nào trong cuộc sống hay có tài cán đặc biệt gì.

Ví như tại gia đình bà Nguyễn Thị Hường, chủ Ngân hàng Nam Á (tổng sở hữu 25% cổ phần) thì ngoài cổ phần của chính bà Hường, còn có cổ phần đứng tên con trai Nguyễn Quốc Mỹ, con gái Nguyễn Thị Xuân Loan và mới đây, chỉ riêng cô con dâu - Á hậu Dương Trương Thiên Lý mới ngoài 20 tuổi đã sở hữu tới 14,7 triệu cổ phần tại ngân hàng này.

Tại Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC), ông Lê Văn Quang, chủ công ty này đã cho con gái là Lê Thị Dịu Minh nắm giữ tới 3,16 triệu cổ phiếu, ước tính cũng khoảng trên 80 tỷ đồng. Còn Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, sinh năm 1991, con gái của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, "thuyền trưởng" lẫy lừng của REE, đã sở hữu 3,16 triệu cổ phiếu, ước tính giá trên 80 tỷ đồng.

Không kém cạnh là hai con gái của ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL). Đây là một công ty trong ngành thép đang ăn nên làm ra và lợi nhuận ròng trong quý 2 vừa qua là 5,4 tỷ đồng/ tổng doanh thu hơn 611 tỷ đồng. Hai con gái của ông Nghĩa là Nguyễn Thanh Loan đang sở hữu 5,7 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 12,54% vốn công ty) và Nguyễn Thanh Dung nắm 2,3 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 5,17% vốn). Tính ra, khối tài sản do các cô con gái ông Nghĩa nắm giữ cũng lên tới cả trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, các con gái Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Thảo của bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ hiện cũng đang sở hữu số cổ phần ở đây lên đến 121,7 tỷ đồng.

Danh sách này đang ngày càng kéo dài hơn. Và có thể thấy rõ xu hướng, nhiều đại gia Việt - bằng việc cho con thừa kế sớm - đã gây dựng các đế chế mới trong kinh doanh theo lối “gia đình trị” trong những cái vỏ công ty cổ phần, công ty niêm yết. Giới quan sát giờ đây đã phải “soi kỹ” phả hệ các gia đình này xem tình hình sẽ đi đến đâu.

Có thể giàu ba, bốn họ?

Nếu tôi có một đống tiền từ cha tôi thì có lẽ cuộc sống của tôi đã không có ý nghĩa như ngày hôm nay - Peter Buffett

Nhiều người dân nghèo hy vọng các gia đình cự phú Việt Nam này sẽ đến lúc học tập các tỷ phú phương Tây, bỏ ra các khoản tiền lớn để làm từ thiện thay vì chỉ cho con thừa kế là chính. Tuy nhiên, điều này khó có thể trở thành thực tế ở Việt Nam trong nhiều năm nữa. Nhất là khi các đại gia Việt Nam hiện nay chủ yếu khởi nghiệp trong điều kiện khá gian khổ, họ đã vừa nỗ lực, vừa gặp may trong bối cảnh chuyển đổi các mô hình kinh tế xã hội nên thường mong mỏi con cái của mình có được một xuất phát điểm dễ dàng hơn, bắt đầu từ trên... một núi tiền.

Khi việc cho thừa kế sớm trở thành một “trào lưu” mạnh mẽ thì ở Việt Nam không loại trừ khả năng gia tăng các vụ kiện tụng liên quan đến thừa kế, thậm chí có thể khiến cho các doanh nghiệp đã được dày công xây dựng bởi thế hệ trước phải đối diện với nguy cơ tan rã…Vụ kiện thừa kế tại Công ty TNHH Kim Anh (chuyên làm hàng thủy sản xuất khẩu) tại Sóc Trăng sau khi bà chủ đầu tiên qua đời kéo dài vài năm qua có thể là một lời cảnh báo.

Theo giới kinh doanh, nhiều đại gia tộc của các tỷ phú tại châu Á - nơi có truyền thống cho con thừa kế tài sản - cho thấy sự giàu có thường trải qua một trình tự 4 thế hệ. Trong đó thế hệ đầu tiên thiết lập một hạt nhân vốn liếng mà thế hệ thứ hai, nhờ quan hệ với giới quyền lực chính trị được cải thiện, sẽ nâng nó lên thành một tài sản lớn. Sau đó, thế hệ thứ ba cố gắng giữ gìn khối tài sản vô cùng đa dạng phản ánh tính cách cá nhân độc đáo và các mối quan hệ của người chủ thế hệ trước. Đến thế hệ thứ tư, vì thiếu sự chuyên tâm trong công việc và có sự phân rã của các mối quan hệ ban đầu mà các đế chế doanh nghiệp (được xây dựng dựa trên lề lối quản trị gia đình hơn là quản lý chuyên nghiệp) sẽ làm cho khối tài sản đó... sụp đổ! Ở Việt Nam, khi giới doanh nhân còn “non trẻ” hơn thì còn quá sớm để bình luận.

Xem thêm bài viết về: Ông Huỳnh Uy Dũng
Hoàng Hoa (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.