Bóng đá Việt Nam đang đứng trước sự kiện các ông bầu bỏ bóng đá hoặc hăm he rút vốn khỏi bóng đá.

Điều gì sẽ xảy ra khi phần vốn của các đại gia dần được rút ra khỏi các CLB? Điều này thì chính những nhà điều hành bóng đá Việt Nam biết rất rõ trước nhưng lại chưa có giải pháp cụ thể ngoài những con tính nếu bao nhiêu đội thì mùa này sẽ ra sao.

Kẻ “vắt sữa”, kẻ đấu tiền

Mùa 2001 bóng đá Việt Nam tiến hành giải chuyên nghiệp đầu tiên với phần kinh phí bao cấp của địa phương, ngành và phần hỗ trợ 3 tỉ đồng cho mỗi đội của ban tổ chức thu tiền từ sản phẩm thuốc lá, bia, cà phê và các mặt hàng điện tử.

Mùa đầu tiên đấy cầu thủ ngoại đa phần là Tây ba-lô hoặc những cầu thủ không có cửa đá M-League, Thái-League… chạy sang Việt Nam tìm chỗ trú thân và kiếm chút tiền.

Mùa 2002 thì có hai doanh nghiệp tham gia là HA Gia Lai của bầu Đức và ĐT Long An của bầu Thắng. Hai ông nhận đội bóng xộc xệch của địa phương rồi đổ tiền đầu tư bắt đầu đá hạng Nhất và đấy là hai doanh nghiệp đầu tiên đến với bóng đá.

Những năm tiếp theo, bóng đá Việt Nam có thêm bầu Kiên (Hà Nội ACB), bầu Hiển (Hà Nội T&T) rồi bầu Long (Hòa Phát Hà Nội), bầu Trường (V. Ninh Bình), bầu Thọ (NaviBank SG), bầu Thụy (Sài Gòn XT)...

Bầu Thụy vừa hăm bỏ bóng đá nếu không xử Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng “bắt tay” nhau mùa qua. Đây có thể là động tác để rút lui trong danh dự khi ngành xi măng rơi vào tình trạng đóng băng không có đầu ra. Ảnh: XUÂN HUY

Việc các doanh nghiệp tham gia ồ ạt rồi cổ phần hóa đội bóng để các CLB rút chân dần ra khỏi đơn vị Nhà nước là đúng với định hướng chuyên nghiệp nhưng cũng từ đó lại đẻ ra chuyện đấu tiền và thủ đoạn trong bóng đá hệt như thương trường của nhiều ông bầu.

Các ông bầu có đội bóng và chăm chăm vào thành tích, vào bề nổi lại được tư vấn bởi rất nhiều kẻ cơ hội thế là hướng chuyến nghiệp của bóng đá Việt Nam chạy theo kiểu “đua nhau vắt bò sữa”.

Bầu Đức sau chiến dịch “thái hóa” đội bóng có liền hai chức vô địch (2003, 2004) thì bầu Thắng “binh” đường khoán hết cho ông Calisto tính đường dài và cũng có hai chức vô địch (2005, 2006). Từ 2007 trở đi khi bầu Đức, bầu Thắng đã có đủ các danh hiệu thì chính họ cũng nhát tay trước các ông bầu chơi ngông bung tiền đấu.

Nếu mùa đầu, bầu Đức chi 20 tỉ đồng cho một mùa bóng, trong đó còn có được Kiatisak đã là con số khủng khiếp thì những mùa sau có bầu chỉ mua một cầu thủ như Phước Tứ đã phải rút túi 12 tỉ đồng.

Và con số 100 tỉ đồng cho một mùa bóng của một CLB có khi chỉ đứng nổi vào hàng top 7 mà thôi.

Chính những nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á lên chuyên nghiệp trước Việt Nam như Malaysia, Singapore, Thái Lan… cũng ngợp với kiểu đi sau nhưng chạy trước về việc bung tiền ra chơi mà không cần biết ngày mai sẽ ra sao.

Bầu Hiển đã rút vốn khỏi tất cả các đội bóng sau thời gian thu hoạch từ bóng đá và “săn” được nhiều đất vàng, dự án vàng. Ảnh: QUANG THẮNG

Chuyện các ông bầu đổ tiền chơi lấy tiếng chỉ là một phần rất nhỏ cho thỏa mãn máu đại gia, phần còn lại là từ đội bóng các ông bầu đấy đã bắc cầu sang nhiều dự án hay nhiều đất vàng mà địa phương ưu ái dành cho người có công nuôi đội bóng.

Cũng từ đó mà có những ông bầu chuyên tìm đội bóng để nuôi và thương lượng với địa phương theo kiểu “Tôi nuôi đội, anh giao tôi đất vàng, dự án kim cương!”.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã không đi theo hướng phát triển chuyên nghiệp thực thụ theo kiểu bóng đá nuôi bóng đá mà chạy theo canh bạc của nhiều ông bầu. Đấy cũng là lý do nhiều cầu thủ Thái đã hô hào nhau trở về đá Thai-League bởi nhìn ra được V-League là cối xay tiền và là nơi mà nhiều người xâu xé, cơ hội…

Đến giai đoạn bỏ của chạy lấy người

Nhìn vào 28 đội bóng chuyên nghiệp và hạng Nhất Việt Nam có bao nhiêu đội làm bóng đá tử tế, hằng năm có đào tạo tuyến trẻ và nghĩ đến chuyện kế thừa, đến đào tạo nhân tài cho bóng đá Việt Nam?

Con số đấy không chiếm được 1/6.

Tức là đa số chỉ chăm chăm vào đổ tiền bắt cầu thủ rồi thổi phồng đội bóng lên với kinh phí thật đậm từ nguồn khác đổ về chứ không phải từ bóng đá. Các cầu thủ giàu lên bất thường nhờ giá trị ảo và nhiều HLV, nhiều nhà làm bóng đá cũng giàu lên bất thường nhờ bắt tay với “cò” đẩy giá cầu thủ hoặc nhận cầu thủ không đúng giá trị để ăn huê hồng. Thậm chí là có cầu thủ còn được chỉ đường để phá hợp đồng về đội khác do mỗi lần chuyển là một lần lót tay tiền tỉ.

Thế là bóng đá Việt Nam một năm tốn hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó có rất rất nhiều khoản để bôi trơn, làm giá và phung phí vào các khoản áp phe hơn là đi từng bước đệm cho bóng đá phát triển.

Rất nhiều người tiêu tiền mà không cần biết tiền đấy từ đâu ra nhưng đã được khoác lên lớp áo xã hội hóa.

Đến mùa 2012 thì đã có đội bỏ cuộc. Đầu tiên là Hòa Phát Hà Nội với lý do đá bóng mà phải đấu rất nhiều ở hậu trường và phải biết đi đêm nên bầu Long chấp nhận xóa hết.

Mùa 2013 chuẩn bị diễn ra thì hội chứng bỏ bóng đá diễn ra hàng loạt với lý do khó khăn kinh tế. NaviBank SG sau khi tìm cách “bán” đội không thành đã đề nghị trả lại cho TP.HCM dù khi “mua” đấy là đội Quân khu 4 đóng quân ở Nghệ An.

Hai đội bóng của bầu Kiên vẫn mạnh miệng sẽ dự giải nhưng không ai trả lời được kinh phí lấy từ đâu để trả lương cầu thủ. Trong khi đó bầu Hiển tuyên bố rút hết vốn ra khỏi hai CLB Hà Nội ông quản lý và cả đội SHB Đà Nẵng vừa vô địch.

Còn lại rất nhiều đội chưa biết số phận sẽ ra sao khi nhà tài trợ chưa trả lời dù nhiều lần đề nghị đàm phán lại và có nguy cơ phải quay lại dùng tiền Nhà nước như thời bao cấp các đội bóng vẫn sống bằng kinh phí của tỉnh. Không ít đội sống bằng “tiền xi măng” hay được “bao bọc” bởi phần lãi của ngân hàng thì cả hai ngành trên đều đang khó khăn với hiện tượng bong bóng vỡ khiến các CLB ấy bị “đứng hình”.

Chuyện các đại gia rút vốn khỏi bóng đá và bỏ của chạy lấy người có thể xem là điều tất yếu khi mà ngay từ khi đến với bóng đá và làm bóng đá họ đã chạy sai hướng với kiểu chọn bóng đá làm nơi “xay” tiền hợp pháp.

Bây giờ mới là lúc bóng đá Việt Nam phải giải quyết hệ quả của việc mở cửa “ôm” các đại gia vào mà không phân loại hoặc không có những ràng buộc cần thiết.

Khác biệt của bóng đá Việt Nam và các nước khi làm chuyên nghiệp gắn với các đại gia

- Cái khác của bóng đá Việt Nam so với các quốc gia là bóng đá chuyên nghiệp là đại gia nào có tiền cũng vào chơi bóng đá chuyên nghiệp được mà không cần phải đi đúng hướng và đúng quy chế.

- Cái khác của bóng đá Việt Nam còn là rủ các đại gia vào chơi bóng đá rồi để các đại gia biến đấy thành “trạm trung chuyển” thành chỗ tiêu tiền thay vì phải là một CLB bóng đá nghiêm túc thực thụ.

- Cái khác của bóng đá Việt Nam là khi các đại gia rút vốn khỏi bóng đá thì những nhà điều hành vẫn xem đấy là chuyện riêng của các CLB thay vì phải xắn tay vào cùng giải quyết và cùng tìm hướng khắc phục…

Theo Pháp luật TP HCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.