Gần một năm ngồi tù vì hàm oan không khiến bà rơi lệ, vậy mà chỉ mới nhìn thấy bồn dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cạn khô, người phụ nữ này đã khóc như con nít vì xót xa, tiếc nuối.

Những tưởng đại diện tại Việt Nam của một tập đoàn dầu khí quốc tế hàng đầu phải thét ra lửa, nhưng gặp doanh nhân Huỳnh Thu, tôi mới biết mình lầm. Tiếp tôi là người phụ nữ nhỏ nhắn có khuôn mặt phúc hậu, giọng nói miền Nam ấm áp, thân tình. Trên tay phải bà là chuỗi tràng hạt niệm Phật bằng đá nhẵn bóng. Câu chuyện của nữ Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Macron tại Việt Nam không bắt đầu bằng những thùng dầu thô, hay những thương vụ mua bán dầu như thường lệ, mà bằng triết lý sống của nhà Phật.

11 tháng tù hàm oan

Tạm biệt những ngày tháng thanh niên sôi nổi, hừng hực khí thế biểu tình chống Mỹ xâm lược, cô sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Vạn Hạnh bước vào đời, trở thành cô giáo dạy văn. Hành trang của cô giáo trẻ là những lời răn dạy của Thiền sư Nhất Hạnh: “Đức Phật đã dạy, con người cần phải có Bi - Trí - Dũng. “Bi” là lòng từ bi, “Trí” là trí thông minh, “Dũng” là dũng mãnh, kiên cường”.

Nhưng đối với bà, triết lý sống đó là chưa đủ. Năm 1980, bà chia tay nghề giáo rồi bước chân vào làm kinh doanh như một sự xui khiến của định mệnh. Thời gian đầu, bà đã đối mặt với nhiều thử thách tưởng chừng không thể vượt qua và chỉ có chữ “Nhẫn” mới giúp bà trụ vững, không gục ngã trước sóng gió cuộc đời.

Khởi nghiệp kinh doanh bằng việc nhập hàng điện tử từ Nhật Bản đã cho bà những kinh nghiệm quý giá trên thương trường. Để rồi từ đó, năm 1994, bà được chọn vào làm việc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, một vị trí hầu như không được dành cho một người tay ngang từ nghề giáo viên.

Có thể nói, sóng gió lớn nhất trong cuộc đời bà là thời điểm năm 1996, khi bà được giao nhiệm vụ bố trí vốn cho Nhà máy Xi măng Tam Điệp (Ninh Bình). Ký xong hợp đồng trị giá 255 triệu USD cho Nhà máy chỉ vài ngày, bà bàng hoàng, sững sờ vì... bị công an bắt.

Những tháng ngày trong lao tù khiến bà không thể nào quên. Nhưng cũng chính trong những ngày tháng đó, chữ “Nhẫn” đã giúp bà không gục ngã và nhận ra bộ mặt thật của người phụ tá đã dựng kịch bản lừa đảo, tống tiền, làm bằng chứng giả... để đẩy bà vào vòng lao lý. Sau 11 tháng ngồi tù, đầu năm 1997, bà được trả lại tự do vì vô tội.

Ra tù, một người bạn đã giới thiệu bà với nhiều khách hàng là các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Bà đã nhận được nhiều lời mời làm việc từ các tập đoàn quốc tế danh tiếng, trong đó có cả nhà tỷ phú Mohamed Al Fayed (UAE). Bà cũng có ý định làm việc cho công ty của tỷ phú này, nhưng rồi việc hợp tác bất thành.

Trước đó, lúc vẫn còn làm việc ở IMF Việt Nam, bà gặp ông Cleland, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Macron khi ông đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đúng vào lúc bà đang gặp khó khăn, Macron đã chọn bà làm người đại diện cho mình tại Việt Nam.

Thời điểm đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, lại là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước như dầu khí, thực sự rất khó khăn. Để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chấp nhận sự hiện diện và hợp tác không chỉ một sớm, một chiều. Gót chân bà đã gõ mòn bậc thềm của nhiều bộ, ngành. Những văn bản đề xuất, kiến nghị xếp chật nhà. Đã không biết bao lần, bà nhận được ánh mắt lạnh nhạt. Nhưng rồi, một lần nữa, sự kiên nhẫn, kiên trì đã giúp bà đứng vững.

13 năm ẩn nhẫn

Nhưng nói về chữ “Nhẫn”, phải nói đến sự ẩn nhẫn của Macron và bản thân doanh nhân Huỳnh Thu ở thị trường Việt Nam. Có mặt ở Việt Nam hơn một thập kỷ để chờ đợi, đến thời điểm này, khi một số tập đoàn dầu khí quốc tế lớn thoái lui, Macron đã nhìn thấy cơ hội của mình.

“Đây chính là thời điểm để Macron mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tôi nói “thời điểm” chứ không phải là “thời cơ”, bởi nếu nói “thời cơ” thì không phù hợp với quan niệm của tôi”, bà Huỳnh Thu nhấn mạnh.

Chỉ khác nhau một chữ, nhưng có thể thấy tính nhân văn sâu sắc trong câu chuyện đối nhân xử thế với đối thủ của bà Huỳnh Thu.

Năm 1999, Tập đoàn Macron có ý định mua dầu thô ở mỏ Bạch Hổ cho hai nhà máy lọc dầu ở Ai Cập. Macron muốn mua dầu của Việt Nam để pha với dầu của Trung Đông. Là người tư vấn, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Macron đưa ra quyết định chính xác cho thương vụ này.

Mới đây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đưa các yêu cầu về thông số kỹ thuật và Macron tìm được 6 loại dầu cung cấp cho Nhà máy. Macron và Nhà máy đã ký văn bản ghi nhớ cung cấp 5 triệu thùng dầu/tháng. Tạm tính mỗi thùng dầu có giá 100 USD, thì thương vụ này đạt giá trị khoảng 500 triệu USD/tháng.

Bà Huỳnh Thu kể, bà đã ba lần vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và nhận được sự đón tiếp rất nồng hậu. Lần đầu tiên khi vào thăm Nhà máy, ngó xuống bồn chứa dầu, thấy bồn cạn khô, bà đã khóc. Bà khóc vì tiếc cho một nhà máy xây hoành tráng, hiện đại như vậy mà không có dầu để hoạt động...

Kể cũng lạ, đây không phải là lần đầu tiên người phụ nữ này khóc vì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, một đơn vị không hề có liên quan gì đến mình. Trước đó, một buổi sáng ngủ dậy, nghe phong thanh thông tin Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bán 49% cổ phần, bà đã khóc như con nít. Gọi cho ông Trần Hiển, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện là cố vấn cho Macron, bà thút thít: “Anh ơi, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bán 49% cổ phần rồi! Nếu quả thực có việc này em sẽ thuyết phục Macron mua lại”.

Kỳ thực, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có kế hoạch xây dựng một nhà máy lọc dầu mới và Macron đang hợp tác thực hiện dự án này.

Một công nghệ sẽ làm giàu cho đất nước

Sau kế hoạch cung cấp dầu thô cho Việt Nam, bà Thu bắt tay vào thực hiện một kế hoạch lớn khác là giúp Việt Nam xử lý ô nhiễm, sự cố về môi trường. Hàng ngày đi làm, nhìn thấy dòng sông Tô Lịch bị ô nhiễm đen ngòm, đồng thời chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường khi đi khảo sát khắp nơi, bà đã đề xuất với lãnh đạo Macron sử dụng công nghệ DCR hiện đại (được Tập đoàn dùng để xử lý ô nhiễm, sự cố môi trường ở 80 nước trên thế giới) tại Việt Nam.

“Mục tiêu của tôi là đưa công nghệ DCR vào Việt Nam trong thời gian tới để dọn sạch ô nhiễm môi trường. Đây là công nghệ di động bằng hóa học, được dùng để xử lý ô nhiễm tràn dầu. Công nghệ này sẽ giúp giảm 35% giá thành xử lý, lại đạt hiệu quả cao”, bà Huỳnh Thu nói.

Để chứng minh sự ưu việt của công nghệ DCR, bà Thu đã lặn lội về các tỉnh, các vùng ô nhiễm ở Việt Nam, chui vào những ngóc ngách mà ít ai dám vào để lấy mẫu đất về xét nghiệm và thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm đã chứng minh rằng, công nghệ DCR có thể xử lý đất bị ô nhiễm lâu ngày. Đặc biệt, sau khi xử lý, có thể thu được 3 sản phẩm tái chế là phân bón, nguyên liệu làm xi măng và nhựa trải đường. Công nghệ này còn giúp nạo vét các bồn dầu, đường ống bị đóng cặn, với quy mô xử lý trong cả nước, giúp giảm giá thành xuống 35 - 50%.

Hàng loạt kế hoạch lớn

Không chỉ có kế hoạch đưa nguồn dầu thô vào Việt Nam, nhập công nghệ xử lý môi trường, doanh nhân Huỳnh Thu đang ấp ủ nhiều kế hoạch lớn. Đó là việc hợp tác với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 10 triệu tấn, là việc nhập khẩu vàng, mở nhà băng mang tên Macron…

Ở tuổi xưa nay hiếm, nhiều người cùng thế hệ đã vui vầy với con cháu, an hưởng tuổi già, nhưng doanh nhân Huỳnh Thu vẫn thích một mình trong căn hộ đơn sơ tại Hà Nội. Con trai bà hiện là giáo viên của Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng và con gái đang là giám đốc một công ty thủy sản tại Đà Nẵng. Với ánh mắt tràn ngập sự tự hào và lòng yêu thương, bà khoe, cậu cháu trai bà vừa nhận học bổng đi du học ở Đại học Havard (Mỹ).

Đi gần hết một đời người vất vả, gian nan, đến nay, bà chỉ tâm niệm: còn sống, còn làm việc được ngày nào thì vẫn sẽ cống hiến hết mình.

Trong công việc, doanh nhân Huỳnh Thu dù rất nghiêm khắc, nhưng cũng đặc biệt hòa ái với nhân viên. Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, ba lần bà tạm dừng câu chuyện, nghe điện thoại và xưng “má - con” với ai đó. Cuối buổi, tôi mới biết, những người đó chính là nhân viên dưới quyền của bà. Bà chưa bao giờ coi cấp dưới là nhân viên, mà như con cháu trong nhà, luôn tận tình chỉ bảo và truyền đạt kinh nghiệm.

Đặc biệt, trong cuộc trò chuyện, bà Thu không hề tỏ ra oán hận những kẻ đã đẩy mình vào đường cùng. Bà chỉ kể về những tháng ngày thăng trầm với lòng bình thản, sự tha thứ, cho dù nỗi đau đó chưa bao giờ nguôi ngoai. “Những lúc khó khăn nhất, trong tôi luôn kiên định rằng, mình phải sống thế nào cho có ý nghĩa với cuộc đời. Cảm ơn Macron đã tin tưởng tôi, cảm ơn đạo Phật đã cho tôi sự nhẫn nại, bao dung”, doanh nhân Huỳnh Thu chia sẻ.

Macron là tập đoàn dầu khí đa quốc gia, có nhiều nhà máy lọc dầu ở các nước châu Phi, châu Mỹ, các vùng Trung Đông và châu Âu.

Hoạt động chính của Macron là mua bán, xử lý dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Macron đã có khu lọc dầu tại Ai Cập, Mỹ, UAE và khai thác dầu thô tại Argentina...

Ngày 15/9/1999, Macron chính thức đặt nền móng tại Việt Nam và bổ nhiệm bà Huỳnh Thu làm Tổng giám đốc đại diện Macron tại Việt Nam.

Bà Huỳnh Thu đã nhận được nhiều giải thưởng như cúp Vàng “Doanh nhân văn hoá”, cúp “Diên Hồng”, Huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường”, Kỷ niệm chương “Chiến sĩ Trường Sơn thời bình”...

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.