Đó là lời nhận xét của TS Nguyễn Đình Cung – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại hội thảo Việt Nam Holding lần 8 với chủ đề “Xây dựng hội đồng quản trị (HĐQT) hiệu quả, vai trò chiến lược cho phát triển bền vững” vào ngày 7/3.

TS Nguyễn Đình Cung (bên trái) trong buổi hội thảo

Xoay quanh buổi thảo luận ông Cung đã đưa ra hai luận điểm đó là vai trò thực sự của HĐQT và vai trò của Ban kiểm soát.

Theo ông Cung vai trò thực sự của HĐQT là người “nhìn ra tiền”, “suy nghĩ thành tiền” chứ không phải “làm ra tiền”. Đồng thời HĐQT còn có vài trò giám sát để làm ra tiền theo cách nhìn và suy nghĩ đó. Nhưng trên thực tế hiện nay họ đang hùng hục để kiếm tiền, kiếm tiền một cách chộp giật, chạy theo lợi ích ngắn hạn. Họ không thực hiện đúng vai trò của mình là quản lý và giám sát chiến lược mà chỉ thiên về điều hành.

Hiện nay, hầu hết HĐQT tập trung vào một người, họ là người đưa ra chiến lược, vừa quản lý điều hành vì thế rất dễ vi phạm. Nguy cơ này đặc biệt cao trong công ty có tỷ lệ sở hữu nhà nước lớn. Các doanh nghiệp Việt hiện nay chưa có sự tách biệt rõ nét giữa chủ sở hữu và người quản lý. Chủ tịch HĐQT là người điều hành có nhiều quyền lực nhất trong công ty, vì thế có thể nói HĐQT ở Việt Nam là HĐQT tập quyền.

Hoạt động của HĐQT nói chung và từng thành viên có nguy cơ bị “hình thức hoá” và kém hiệu quả, vì thế việc tranh chấp quyền điều hành công ty cũng vì vậy trở nên phổ biến.

Trong khi đó, Ông Cung cho rằng vai trò của Ban kiểm soát (BKS) rất hình thức và kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ của mình, thường là người “đóng dấu” cho HĐQT trong trường hợp cần thiết. Thành viên BKS không thực hiện đúng chức năng kiểm soát của mình, vai trò của họ ngày càng bị xem nhẹ. Vì hầu hết những người ngồi trên ghế này đều là bạn bè, người thân, cấp dưới của giám đốc hoặc của thành viên HĐQT. Thành viên BKS chỉ là “tư vấn bạn bè” hay người giám sát bị kiểm duyệt hơn là kiểm soát độc lập, khách quan trung thực.

Vận hành thiếu kiểm soát, giám sát theo bổn phận chính điều này đã gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông thiểu số và người có liên quan, không có sự cân đối hài hòa lợi ích giữa công ty và cổ đông, giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ.

Sau khi phân tích hai vai trò của HĐQT và BKS, ông Cung cho rằng việc sửa Luật Doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ chú trọng đến vấn đề thay đổi tư duy và nhận thức về vai trò của HĐQT “đi chơi mà nhìn ra tiền” và coi giám sát là nhu cầu chứ không phải là soi mói. Đào tạo kỹ năng HĐQT như: Hỏi - trao đổi - chất vấn. Trong việc sửa luật sẽ có nhiều cách thức bầu HĐQT để cổ đông lựa chọn chứ không phải là hình thức bầu dồn phiếu như hiện nay. Còn Ban kiểm soát có thể sẽ có Ủy ban Kiểm toán và Kiểm toán nội bộ hoặc trong Ban kiểm soát sẽ có bộ phận Kiểm toán nội bộ.

Cũng nói về vấn đề xây dựng HĐQT hiệu quả, luật sư Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Luật Kinh doanh Việt chia sẽ về vài trò của thành viên độc lập (TVĐL) và thực trạng ở Việt Nam hiện nay.

Ông cho rằng vai trò của thành viên TVĐL là những người đưa ra các ý kiến trái ngược, phản biện lại những chiến lược không phù hợp với mục tiêu và lợi ích của công ty. Họ là những người không nắm bất cứ chức vụ nào trong công ty vì thế những ý kiến đóng góp của họ sẽ khách quan nhất. Thế nhưng ông Bích cho rằng, ở Việt Nam hiện nay TVĐL chỉ là “bắt chước” các nước khác, đồng thời số lượng những chuyên gia am hiểu ngành nghề công ty, có uy tín chưa nhiều, vì thế vai trò của họ trong HĐQT vẫn chỉ là "cho có" chứ chưa thể hiện đúng vai trò của mình.

Trong buổi thảo luận, Giáo sư Tomas Casas Klett đến từ Đại học St.Gallen, Thụy Sỹ chia sẻ vai trò của việc quản trị và cách bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trong kinh doanh. Giáo sư cũng nêu ra một kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới và cách xây dựng để có hội đồng quản trị hiệu quả, cách thu hút nguồn vốn đầu tư…

Ông đánh giá rằng các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là công ty gia đình vì thế về lâu dài cách quản lý sẽ không hiệu quả, ông cho rằng trong tương lai các doanh nghiệp Việt nên thuê người quản lý (không nên để các thành viên trong gia đình điều hành), đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong nước và ngoài nước. Đây là những bước đi rất cần thiết trong thời gian tới cho doanh nghiệp Việt.

Theo Doanhnhanthanhdat.net/NĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.