Bài học cuộc đời cho mỗi chúng ta chính là "Nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn". Lắng nghe không đơn thuần chỉ là hành động chú ý tới lời nói của đối phương mà còn là sự thể hiện cho họ biết bạn đang thực sự để tâm tới họ.
Hầu hết mọi người đều không thực sự lắng nghe
Một người trung bình nói chuyện với khoảng 225 từ/ phút, trong khi chúng ta có thể nghe tới 500 từ/ phút. Như vậy, tâm trí của chúng ta đang để tâm tới 275 từ khác. Điều đó cho thấy, chúng ta dễ dàng mất tập trung.
Một lý do khác đó là do sự kết nối giữa con người với con người. Không phải ai cũng sẵn sàng ngồi nghe bạn trải lòng về những vấn đề bạn gặp phải trong cuộc sống, bởi có thể họ bận rộn hoặc họ không thật sự yêu thương bạn nhiều như bạn nghĩ. Lắng nghe cũng là một cách để thể hiện sự yêu thương.
Kỹ năng lắng nghe giúp bạn trở nên thông minh và thu hút hơn
Khi bạn thật sự lắng nghe, bạn sẽ đưa ra được những phản hồi liên tục và tích cực. Điều này có thể giúp cho sếp và đồng nghiệp cho rằng bạn rất thông minh khi có thể trả lời nhanh và đóng góp liên tục.
Giao tiếp giỏi không phải là kỹ năng quan trọng nhất, lắng nghe mới là kỹ năng khiến bạn trở nên ấn tượng.
Thực ra, bản chất của việc giao tiếp tốt cũng nằm ở kỹ năng biết lắng nghe, chứ không phải kỹ năng nói. Hãy tưởng tượng bạn đến tìm một người bạn và kể về những khó khăn bạn đang gặp gần đây. Điều bạn cần là một đôi tai biết lắng nghe và một trái tim thấu hiểu, chứ không phải là yêu cầu người bạn đó giải quyết vấn đề giúp mình.
Chính vì vậy, khi bạn biết cách lắng nghe chân thành và thấu hiểu, bạn sẽ trở thành một người chu đáo và thu hút hơn.
Vậy làm thế nào để cải thiện kỹ năng?
Diễn giải và tóm tắt ngắn gọn
Sau khi nghe, bạn có thể phản hồi đối phương bằng cách tóm tắt ngắn gọn câu chuyện họ vừa kể. Khi diễn giải lại cùng một câu chuyện theo một cách khác, bạn sẽ hiểu hơn ý nghĩa của nó. Điều đó cũng chứng tỏ bạn đã lắng nghe toàn bộ câu chuyện và thể hiện sự quan tâm.
Đặt câu hỏi
Tương tự như việc tóm tắt, việc đặt câu hỏi cũng khiến đối phương nghĩ rằng bạn đang thật sự quan tâm và lắng nghe họ. Bạn có thể thể hiện sự chu đáo bằng cách hỏi thêm chi tiết, nhấn mạnh vào những điểm quan trọng hoặc chia sẻ những suy nghĩ tương tự.
Giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt là một trong những cách tự nhiên nhất cho thấy bạn đang lắng nghe và thực sự hiểu nội dung câu chuyện, cũng như khuyến khích người nói.
Tuy nhiên, hãy chú ý đến cách bạn nhìn người khác, về ánh mắt hoặc thời gian nhìn. Cái nhìn chằm chằm có thể bị cho là đáng sợ hay những người nhút nhát có thể cảm thấy xấu hổ khi bị nhìn quá lâu. Hãy thể hiện tình yêu thương của bạn qua ánh mắt.
Tư thế thoải mái
Những cử chỉ chào đón cởi mở thực sự sẽ giúp cho cuộc giao tiếp trở nên tốt hơn. Ví dụ, một cái bắt tay, nghiêng người về phía trước, chống cằm lên một tay… là những dấu hiệu cho thấy bạn đang tích cực lắng nghe.
Nụ cười
Cái gật đầu và mỉm cười trong khi lắng nghe cũng là cách tích cực để thể hiện sự chú ý. Nó cho thấy sự đồng thuận và quan tâm chân thành từ bạn.
Lắng nghe là con đường gần nhất để kết nối trái tim. Có câu: “Chỉ những người quan tâm thực sự mới nghe thấy những điều bạn nghĩ dù thực tế bạn không nói gì”. Kỹ năng lắng nghe là cả một nghệ thuật mà mỗi chúng ta cần phải học suốt cả cuộc đời.
Khánh Hằng (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.