CafeLand – Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tuy có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng lại có ước muốn không hề nhỏ là thay đổi ngành hàng không Việt và giúp mọi người tiếp cận với dịch vụ hàng không.

Từ khát khao…

Du học ở Nga, khi về Việt Nam lập nghiệp, bà Thảo góp vốn để thành lập và trở thành thành viên Hội đồng quản trị Techcombank - một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Thế nhưng với bà Thảo, “giấc mơ” muốn tất cả mọi người đều được đi máy bay, tiếp cận với dịch vụ hàng không giá rẻ bấy giờ đã thôi thúc bà.

Bà cho hay đã mất tới 10 năm để nghiên cứu thị trường hàng không, nhất là hàng không giá rẻ như Southwest, Ryan Air, AirAsia… Mặc dù bà và AirAsia đã thỏa thuận hợp tác nhưng lại không thành do gặp nhiều vướng mắc. Không bỏ cuộc, bà quyết tâm mở hãng hàng không Vietjet Air của riêng mình.

Và mặc dù là một người thành công, mạnh mẽ và quyết đoán nhưng bà Thảo vẫn luôn nhẹ nhàng, từ tốn trong cách ăn nói với việc thường xuyên trả lời những câu hỏi bằng lời “dạ thưa”. Chính vì vậy nên có người từng nhận xét rằng bà là “người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung”. Có thể chính sự nhẹ nhàng của một người phụ nữ và sự quyết đoán như một người đàn ông đã giúp bà dễ dàng thương thuyết, ký kết được nhiều hợp đồng và thuyết phục được mọi người đầu tư vào dự án của mình.

Nhưng có lẽ chính sự khao khát có một hãng hàng không giá rẻ có thể phục vụ cho tất cả mọi người mới là động lực để bà Thảo quyết tâm dồn hết công sức và nguồn lực để rẽ ngang từ con đường ngân hàng sang lĩnh vực hàng không, nơi mà bà chưa thật sự có nhiều chuyên môn lúc bấy giờ.

… Đến thành công

Mặc dù ra đời vào năm 2007, nhưng phải mất tới 4 năm sau, tức năm 2011 thì Vietjet Air mới đưa được chiếc máy bay đầu tiên của mình cất cánh trên bầu trời.

Tuy nhiên rất nhanh chóng sau đó, Vietjet Air tức tốc vươn mình lớn nhanh như thổi dưới sự “lèo lái” đầy bản lĩnh của nữ tỷ phú.

Đến năm 2017, hãng hàng không này đã chiếm lĩnh hơn 41% thị phần chỉ sấp xỉ 40 máy bay, tiến hành khai thác 73 đường bay trong nước và quốc tế, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Vietjet cũng thực hiện 49.151 chuyến bay với độ tin cậy kỹ thuật là 99,55%, tỷ lệ đúng giờ đạt 85,7%.

Cổ phiếu VJC của Vietjet Air chính thức là một trong hai cổ phiếu hàng không đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt vào đầu năm 2017.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trên sàn chứng khoán của cổ phiếu VJC, cộng với sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của hãng hàng không Vietjet Air mà hiện tại bà Thảo đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 32,66% cổ phần cũng phần nào giúp bà trở thành nữ tỷ phú.

Song song với sự lớn mạnh của hãng hàng không Vietjet Air thì tài sản của bà Thảo cũng ngày càng tăng cao. Mới đây nhất, tài sản của bà được Forbes định giá là 3,1 tỷ USD.

Sau chừng ấy năm, ước muốn có phần lãng mạn ngày nào của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã dần thành hình, hãng hàng không giá rẻ đã thực sự “bay cao” dù cho còn cả một chặng đường dài còn phải đi phía trước.

Trong một lần phỏng vấn, bà Thảo từng chia sẻ "Tôi chưa bao giờ ngồi và tính toán tài sản của bản thân cả. Tôi chỉ tập trung vào việc tăng trưởng công ty, tăng lương trung bình cho anh chị em nhân viên và chèo lái VietJet tới mục tiêu chiếm nhiều thị phần hơn và nhanh chóng dẫn đầu".

“Không có con đường nào dễ dàng để thành công cả. Thành công chỉ đến khi bạn đặt hết niềm tin và đam mê vào điều mình theo đuổi”, bà Thảo đã từng nói.

Dương Huy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.