Đối với Fiza Farhan, 28 tuổi, làm một công việc trong hơn 9 năm không hề hấp dẫn. Thay vì chỉ là nhân viên của Cty, cô luôn muốn làm gì đó có thể tác động đối với xã hội Pakistan.

Là giám đốc điều hành (CEO) và người đồng sáng lập tổ chức tài chính vi mô địa phương - Buksh Foundation - và Giám đốc của Cty Buksh Energy- một Cty con của Buksh Foundation, công việc của Farhan tập trung chủ yếu vào các dự án năng lượng sạch cho các khu vực nông thôn và nghèo của đất nước, các khu vực thường bị lãng quên. Các dự án tài chính vi mô và năng lượng của cô đạt được những thành công nhất định.

Fiza Farhan. Ảnh: Diplomat

Năm 2015, Buksh Foundation lọt vào danh sách 30 doanh nghiệp quốc tế vì xã hội do Tạp chí danh tiếng Forbes bầu chọn. Đây là thành công lớn đối với một người Pakistan trẻ như Farhan. Năm ngoái, Farhan cũng được chọn là "Nhà lãnh đạo Năng lượng tương lai" tại Hội đồng năng lượng thế giới. "Chúng tôi có cách tiếp cận rất khác. Tài chính vi mô của chúng tôi thách thức các chuẩn mực thông thường của xã hội tài chính vi mô... Trong tài chính vi mô, bạn muốn cho vay một số tiền nhỏ - vốn không đủ thành lập doanh nghiệp. Và đây là các khoản vay cho bất cứ ai có chứng minh nhân dân", Farhan cho biết.

Theo cô, vì vậy, người vay không tích cực tham gia. "Khi bạn không kiểm tra mức độ tin cậy của khách hàng, bạn không thể mong đợi các cơ chế tài chính bền vững? Chắc chắn sẽ dẫn đến một sự sụp đổ. Cho vay thì dễ nhưng cơ chế để thu tiền về thì rất khó. Chúng tôi thách thức những định mức; chúng tôi muốn tạo ra các doanh nghiệp, không phải là các khách hàng", Farhan nói thêm.

Đối với Farhan, nếu một cá nhân đến vay một khoản tiền và không quay trở lại để vay lần thứ hai, doanh nghiệp của họ đang đi đúng hướng, phát triển kinh tế bền vững và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. "Tôi cảm thấy nực cười khi mọi người trong ngành tài chính vi mô tự hào, một khách hàng đến với họ lần thứ hai, lần thứ ba. Theo tôi, nếu ai đó đến với bạn lần thứ ba có nghĩa là họ không hoạt động bền vững. Đây không phải là niềm tự hào", Farhan khẳng định.

Hiện nay, Buksh Energy, một Cty năng lượng tái tạo, cung cấp đèn năng lượng mặt trời cho khoảng 140 ngôi làng trên khắp đất nước. "Năm 2012, chúng tôi muốn làm điều gì đó cho cộng đồng nghèo ở Pakistan, những ngôi làng bị lãng quên. Những người nghèo nhất trong cộng đồng nghèo là những nơi không có cơ sở hạ tầng, không có điện. Sau đó chúng tôi phát triển dự án "Chiếu sáng một triệu cuộc sống", phối hợp với một Cty Ấn Độ thực hiện các dự án tương tự trong 8-10 năm", Farhan cho biết.

Ra mắt vào năm 2013, nhóm của Farhan bắt đầu nhắm đến các ngôi làng không có lưới điện và lắp đặt các trạm sạc năng lượng mặt trời hoạt động dựa vào các tấm năng lượng mặt trời và sẽ thay thế đèn lồng năng lượng mặt trời của Ngân hàng Thế giới (WB). Đối với dự án, một người phụ nữ từ mỗi làng được chọn để đào tạo trong 2 tuần. Sau khi hoàn thành đào tạo, người này trở thành một "Light Lady".

Sau khi lắp đặt các trạm sạc năng lượng mặt trời tại 80 làng, các báo cáo đánh giá tác động là đáng kinh ngạc. Farhan đưa ra một ví dụ: "Trước khi dự án được khởi xướng, các nữ hộ sinh thường sử dụng đèn dầu trong các ca sinh nở. Những em bé sơ sinh hít dầu hỏa gặp vấn đề về phổi hoặc thậm bị ngạt thở dẫn đến tử vong; người mẹ nghĩ em bé chết trong khi sinh".

Ngoài các trạm sạc năng lượng mặt trời, Buksh Foundation cũng khởi xướng các trạm sạc điện thoại di động bằng năng lượng mặt trời. Điều này xuất phát từ nhu cầu của dân làng. Hiện, Farhan đang thực hiện dự án các nhà máy lọc nước bằng năng lượng mặt trời cho dân làng. Một nhà máy có thể bơm nước sạch cho 6.000 hộ gia đình. Farhan cũng đang khởi xướng chương trình đào tạo phụ nữ trong khu vực nông thôn để trở thành người thay đổi cộng đồng.

An Bình (Công An Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Fiza Farhan – người thay đổi Pakistan

    Fiza Farhan – người thay đổi Pakistan

    22/03/2015 9:13 PM

    Đối với Fiza Farhan, 28 tuổi, làm một công việc trong hơn 9 năm không hề hấp dẫn. Thay vì chỉ là nhân viên của Cty, cô luôn muốn làm gì đó có thể tác động đối với xã hội Pakistan.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.