Cập nhật 03/10/2015 7:57 PM
Tuy đưa ra ba phương án về giá điện để người dân góp ý, nhưng với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì chọn phương án nào cũng là tối ưu vì đều đã đáp ứng được mục tiêu tối hậu là tăng giá, còn người dân dù chọn thế nào thì cũng đồng nghĩa với phải móc thêm hầu bao để trả tiền điện.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các phương án giá điện của EVN đưa ra, mặc dù là để khách hàng góp ý, nhưng thực chất là mang tính áp đặt. Đồng thời, EVN cũng không đưa ra bất kỳ một lý giải nào làm cơ sở để xây dựng nên những con số về khung giá điện mới, trong bối cảnh giá các mặt hàng năng lượng chủ chốt khác trên thế giới đã giảm trên 60% so với đỉnh điểm vào năm 2011.

Vấn đề đặt ra là nếu thị trường điện Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh, và EVN cũng có mối lo sợ mất khách hàng như hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác, thì tập đoàn này có hành xử với khách hàng của mình như vậy không? Có thể thấy tư duy độc quyền đã được phản ánh khá rõ nét trong việc xây dựng và công bố các phương án giá điện này.

Một vị lãnh đạo của EVN nói rằng, cần phải điều chỉnh giá điện hợp lý (ý là phải tăng giá điện) để thu hút đầu tư vào xây dựng nguồn điện và tạo ra áp lực để sử dụng điện tiết kiệm. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng có một nửa. Ngành điện muốn lấy giá điện để làm áp lực, buộc người dân và doanh nghiệp phải tiết kiệm, phải nâng cao hiệu quả sử dụng điện, nhưng với ngành điện thì liệu có gì có thể gây áp lực để ngành này phải tự cải tổ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, qua đó giảm chi phí và giảm gánh nặng về giá điện cho người dân và doanh nghiệp hay không?

Còn nhớ, cách đây chưa đầy một tháng, ngay khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá ngoại tệ ba ông lớn của ngành điện là EVN, tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã lập tức đề nghị cho tăng giá bán điện để bù vào khoản mất mát do chênh lệch tỷ giá!

Điện là một mặt hàng thiết yếu với tất cả người dân, là yếu tố đầu vào quan trọng của mọi doanh nghiệp. Khi giá điện tăng thì người dân sẽ phải cắt bớt chi tiêu để bù cho phần tăng thêm đó và điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Còn với doanh nghiệp, giá điện tăng tất yếu làm cho chi phí sản xuất và dịch vụ tăng theo, nghĩa là ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh, đến sức phát triển của doanh nghiệp hay nói rộng hơn là sự phát triển của cả nền kinh tế.

Tạo ra áp lực để người dân sử dụng điện tiết kiệm, để doanh nghiệp cải tổ, nâng cao năng lực quản lý vận hành nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là điều cần thiết. Tuy nhiên, áp lực đó phải có từ cả hai phía, người sử dụng điện và người sản xuất và cung ứng điện. Nếu áp lực đó chỉ đổ dồn hết lên vai của khách hàng sử dụng điện thì chẳng khác gì khuyến khích và tiếp tay cho sự trì trệ và kém hiệu quả của ngành điện và đó sẽ là mối nguy rất lớn cho cả nền kinh tế.

Trong quá khứ, Chính phủ đã không ít lần kêu gọi, thúc đẩy nâng cao hiệu quả của ngành điện, nhưng đến nay những nỗ lực đó đều không ăn thua. Xem ra, con đường duy nhất để tạo áp lực, buộc ngành điện phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư và kinh doanh, là phá bỏ sự độc quyền trong ngành này. Vì chỉ khi EVN cũng có cùng mối lo không bán được hàng, lo mất khách hàng như những doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác, thì khi ấy EVN mới thực sự đứng trước áp lực phải cải tổ, phải nâng cao hiệu quả đầu tư và kinh doanh.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….