Cách đây 4 thập kỷ, Yoshiko Shinohara - người sở hữu một tấm bằng tốt nghiệp phổ thông và kinh nghiệm làm thư ký ở 2 châu lục - khởi nghiệp với công ty cung ứng nhân viên thời vụ tại văn phòng là căn hộ một phòng ngủ của mình ở Tokyo, Nhật Bản. Hiện tại, ở tuổi 83, bà đã trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của nước Nhật.
Ảnh minh họa.
Yoshiko Shinohara vừa nghỉ hưu và hiện là Chủ tịch danh dự của công ty cung ứng nhân lực Temp Holdings với doanh thu 4,5 tỷ USD trong năm 2016.
Một phát ngôn viên của Temp Holdings cho biết, nhờ số cổ tức tích lũy qua nhiều năm cộng với đợt tăng giá cổ phiếu của Temp Holdings hồi đầu năm nay, vị chủ tịch danh dự của Công ty đã sở hữu số cổ phần trị giá hơn 1 tỷ USD, giúp bà trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của xứ sở mặt trời mọc.
Con đường gia nhập “câu lạc bộ nữ tỷ phú”
Theo Forbes, Shinohara là người Nhật duy nhất trong số 27 nữ tỷ phú tự thân tại châu Á, 26 người còn lại đều đến từ Trung Quốc hoặc Hong Kong.
Con đường gia nhập vào “câu lạc bộ nữ tỷ phú tự thân” của Yoshiko Shinohara không hề dễ dàng. Sinh năm 1934, bà lớn lên trong giai đoạn xảy ra Thế chiến II. Cha bà – một hiệu trưởng – mất khi bà mới lên 8. Mẹ bà làm nghề hộ sinh và một thân một mình nuôi dưỡng con gái trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Yoshiko Shinohara lập gia đình ở độ tuổi 20 nhưng cũng nhanh chóng ly hôn. Thay vì ở lại quê nhà, bà đến sinh sống và làm công việc thư ký ở Anh, rồi đến nước Úc.
Sau đó, Yoshiko Shinohara trở về Nhật Bản. Năm 1973, bà mở một công ty nhỏ chuyên cung ứng lao động bán thời gian tại căn hộ một phòng ngủ chật hẹp của mình. “Giáo dục và việc làm cho phụ nữ luôn là mối quan tâm không dứt trong tâm trí tôi. Việc tìm giải pháp giúp họ vừa có thể đi làm vừa có thể nuôi nấng con cái thực sự đã trở thành một nỗi ám ảnh”, bà nói với Forbes vào năm 2015.
Ban đầu, công ty phát triển khá chậm, Yoshiko Shinohara đã phải dạy thêm tiếng Anh vào ban đêm để trang trải chi phí. Sau 5 năm, công ty của bà đã có văn phòng làm việc đầu tiên.
Lĩnh vực kinh doanh của Shinohara đã giải quyết một vấn đề cơ bản trong xã hội Nhật, phát ngôn viên Yoko Somura của Temp Holdings cho biết. Thông thường, phụ nữ Nhật thường nghỉ làm sau khi đã kết hôn và “rất nhiều phụ nữ cứ đến một độ tuổi nhất định sẽ cảm thấy ‘không thoải mái’ khi tiếp tục sự nghiệp”. Tâm lý này khiến nhiều phụ nữ ít được tiếp cận những cơ hội nghề nghiệp tốt.
Lúc đầu, Shinohara chỉ tuyển dụng phụ nữ, nhưng sau đó doanh thu bắt đầu tăng trưởng chậm lại.
“Ban đầu, tất cả những nhân viên thời vụ của chúng tôi đều là phụ nữ, và các nhà quản lý cũng là những người được tiến cử từ vị trí này. Các nữ điều hành người Nhật hiện nay đã khác, nhưng thời đó, họ không luôn sẵn sàng ra ngoài và tìm kiếm cơ hội mới. Họ có xu hướng ‘cố thủ’, bảo vệ sự tăng trưởng hiện tại hơn là phát triển lên những tầng cao mới. Cách làm này không ổn lắm”, Yoshiko Shinohara nói với Harvard Business Review vào năm 2009.
Do đó, vào những năm 1980, Shinohara tuyển thêm nhân viên nam để cân bằng công ty và thế là doanh thu đã bắt đầu tăng lên.
Vượt qua khó khăn và phát triển xuyên biên giới
Trong suốt “thập kỷ mất mát” 1990 của nền kinh tế Nhật Bản, Temp Holdings phải cắt giảm chi phí bằng cách thuê nhân viên bán thời gian thay vì nhân viên toàn thời gian.
Năm 2008, Công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng trên Sàn chứng khoán Tokyo. Trong vòng 2 năm, Temp Holdings đã mua lại 4% cổ phần của Công ty tư vấn quản lý Kelly Services (Mỹ). Đến năm 2012, cả 2 hãng cùng thành lập liên doanh TS Kelly Workforce Solutions, chuyên cung cấp giải pháp nhân lực tại thị trường Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc.
Hiện tại, Temp Holdings chuyên cung ứng các loại dịch vụ thuê ngoài, tuyển dụng, tư vấn và phát triển hệ thống. Nhân viên bán thời gian vẫn là phân khúc lớn nhất tại Công ty, chiếm 78% trong tổng doanh thu 2,4 tỷ USD của Hãng trong quý vừa qua. Temp Holdings có hợp đồng làm việc với 27.000 công ty ở Nhật và 13 quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc.
Temp Holdings được dự báo có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thập kỷ tiếp theo. Bộ phận nghiên cứu của Hãng dự báo dân số già của nước Nhật sẽ là cơ hội lớn để phát triển. Trên thực tế, thị trường lao động Nhật Bản dự kiến phải đối mặt với sự thiếu hụt 5,83 triệu nhân sự, và nhân viên thời vụ có thể sẽ là giải pháp giúp lấp đầy khoảng trống đó.
Bà Yoshiko Shinohara trở thành Chủ tịch danh dự của Temp Holdings vào tháng 4/2016. Bà không tái hôn và không sinh con. Năm 2014, bà dùng 5% cổ phần tại Công ty để thành lập quỹ Yoshiko Shinohara Memorial Foundation, chuyên cung cấp học bổng cho những học sinh mong muốn trở thành y tá, người chăm sóc trẻ và nhân viên xã hội.
Bích Trâm (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Đường đến “ngôi vị” nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Nhật

    Đường đến “ngôi vị” nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Nhật

    14/03/2017 2:54 PM

    Cách đây 4 thập kỷ, Yoshiko Shinohara - người sở hữu một tấm bằng tốt nghiệp phổ thông và kinh nghiệm làm thư ký ở 2 châu lục - khởi nghiệp với công ty cung ứng nhân viên thời vụ tại văn phòng là căn hộ một phòng ngủ của mình ở Tokyo, Nhật Bản. Hiện tại, ở tuổi 83, bà đã trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của nước Nhật.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.