Bạn làm việc chăm chỉ. Bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn cố gắng nỗ lực hết mình. Bản đánh giá năng lực của bạn không có một điểm yếu nào. Bạn dường như là một nhân viên lý tưởng. Nhưng vì một lý do nào đó mà bạn vẫn chưa được tăng lương?
Đây là một thực tế khó khăn, đặt biệt khi bạn đang rất cần khoản thu nhập thêm đó. Bạn có thể sẽ đặt câu hỏi về sự xứng đáng cho những nỗ lực của mình hoặc suy nghĩ về quyết định nghề nghiệp. Nhưng trước khi chìm vào đống căng thẳng đó, hãy lùi lại một bước và tìm hiểu, tại sao mình vẫn chưa được tăng lương.
1. Bạn không yêu cầu
Lý do đầu tiên và rõ ràng nhất cho việc mãi chưa được tăng lương đó là do bạn không yêu cầu. Đối với nhiều nhân viên, họ cảm thấy ngại ngùng với việc yêu cầu tăng lương, vì sợ bị từ chối hoặc bị cho là tham lam.
Mặc dù nhiều công ty rất quan tâm đến nhân viên và có thể thưởng cho nhân viên bất cứ khi nào, họ vẫn đặt vấn đề chi phí và lợi nhuận lên hàng đầu. Nếu bạn không đưa ra yêu cầu tăng lương, sếp của bạn có thể sẽ nghĩ bạn đã hài lòng với mức lương đó.
Cách giải quyết: Rất đơn giản, hãy đưa ra yêu cầu tăng lương. Yêu cầu này sẽ không khiến bạn bị coi là tham lam, miễn là nó phù hợp với những đóng góp của bạn.
2. Bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng
Cũng có thể bạn đã trực tiếp đến gặp sếp để yêu cầu tăng lương nhưng lại không chuẩn bị bất cứ thông tin gì để làm lý do cho sự yêu cầu đó. Khi xem xét tăng lương cho nhân viên, nhà quản lý muốn thấy được các đối số hợp lý và ví dụ cụ thể.
Nếu bạn chỉ đến trước mặt sếp và nói: “Tôi muốn tăng lương” nhưng lại không đưa ra được bất cứ lý do nào khiến cho yêu cầu của bạn có lý, bạn sẽ dễ dàng bị từ chối.
Cách giải quyết: Trước khi đến gặp sếp, hãy chuẩn bị càng nhiều thông tin càng tốt. Đừng làm một bản trình bày, mà hãy đưa ra những ví dụ cụ thể và có cả số liệu kèm theo.
3. Bạn chỉ hoàn thành tốt công việc của mình
Bạn đi làm đúng giờ, làm tốt nhiệm vụ rồi ra về đúng giờ. Nhưng chỉ thế thôi thì bạn sẽ không thể trở thành một nhân viên xuất sắc, mà chỉ là một nhân viên bình thường.
Một nhân viên bình thường thì cũng chỉ nhận được mức lương bình thường. Những nhân viên xuất sắc sẽ có nhiều sáng kiến mới, đi sớm về khuya nếu cần thiết và sẵn sàng giúp đỡ người khác nếu có thể.
Cách giải quyết: Đừng chỉ làm việc “đủ” mà hãy làm việc “xuất sắc”. Điều này sẽ không giúp bạn được tăng lương ngay nhưng qua thời gian, bạn nhất định sẽ nhận được những gì tương xứng.
4. Bạn đưa ra những lý do quá cá nhân
Tăng lương là một vấn đề khách quan chứ không phải chủ quan. Nếu bạn yêu cầu được tăng lương nhưng lại đưa ra lý do quá chủ quan, cá nhân thì yêu cầu của bạn sẽ nhanh chóng bị bác bỏ. Có thể bạn đang cần tăng lương để chi trả cho gia đình hay mua một ngôi nhà mới…
Nhưng đừng dại tiết lộ những chuyện cá nhân này ra, bởi bạn chỉ có thể nhận được sự thông cảm mà thôi. Nhà quản lý không muốn nghe bạn kể về hoàn cảnh cá nhân, bởi những quyết định kinh doanh không dựa trên cảm xúc.
Cách giải quyết: Đừng đề cập đến những vấn đề cá nhân. Vấn đề không phải là bạn cần tiền, mà quan trọng là bạn có xứng đáng nhận được nó không. Hãy chứng minh điều đó bằng thực tế.
5. Bạn không cho người khác thấy được thành tích của mình
Bạn làm việc chăm chỉ suốt cả năm nhưng lại không để cho đồng nghiệp cũng như sếp của mình thấy được, hiển nhiên bạn sẽ không được tăng lương. Việc thể hiện cho người khác thấy được thành tích không phải là khoe khoang, đó là cách bạn khẳng định giá trị của mình.
Cách giải quyết: Hãy chuẩn bị sẵn những con số và tài liệu cụ thể để chứng minh thành tích của mình với nhà quản lý bất cứ khi nào bạn có thể. Ví dụ, thay vì nói “Tôi đã có nhiều bài đăng tốt”, hãy nói “Tôi đã có 300 bài đăng, giúp tăng 30% lưu lượng truy cập trang web”.
6. Bạn không tiến bộ
Sau một thời gian làm việc, bạn vẫn chỉ như những ngày đầu mới vào công ty. Bạn không có tiến bộ, không đổi mới, không sáng tạo. Nhà quản lý liệu có đồng ý tăng lương cho một nhân viên mãi dậm chân tại chỗ?
Cách giải quyết: Hãy mở rộng kỹ năng và tăng hiệu suất công việc của bạn bằng cách tham gia những lớp học mới, học hỏi từ đồng nghiệp…
7. Bạn không phải là một thành viên tích cực
Trở thành một thành viên tích cực trong nhóm là một việc rất có ý nghĩa. Nếu bạn thường xuyên phàn nàn hoặc lan truyền những tin xấu trong công ty, bạn sẽ bị đánh giá một cách tiêu cực. Các công ty muốn đãi ngộ cho những nhân viên có đóng góp cho tập thể, chứ không phải làm cho tập thể xấu đi.
Cách giải quyết: Hãy biến những điều tiêu cực thành tích cực bằng cách tập trung cải thiện tình hình. Hãy thật lòng chúc mừng khi đồng nghiệp thành công và giúp đỡ họ nếu họ gặp thất bại.
Một khi đã hiểu lý do vì sao bạn chưa được tăng lương, bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai để cải thiện tình hình.
Khánh Hằng (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.