Đầu tuần này (ngày 26/11), Chính phủ Vương quốc Anh đã quyết định chọn ông Mark J. Carney, 47 tuổi, hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada sẽ chính thức đảm nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England - BOE) bắt đầu từ tháng 7/2013, với nhiệm kỳ 5 năm.

Mark J. Carney.

Ngoài vị trí lãnh đạo tại Ngân hàng Trung ương Canada, ông Mark Carney hiện đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Ổn định tài chính (Financial Stability Board - FSB), một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Basel (Thụy Sỹ), với chức năng đặt ra các quy chuẩn cho hệ thống ngân hàng thương mại trên toàn thế giới. Trước đó, ông từng có 13 năm liên tục làm việc cho Goldman Sachs, tập đoàn tài chính - ngân hàng lừng danh của Mỹ tại các văn phòng ở London (Anh), Tokyo (Nhật Bản), New York (Mỹ) và Toronto (Canada).

Đã có nhiều tờ báo rút tít về sự kiện này, như “quân” của Goldman Sachs trở thành Thống đốc BOE; công dân Canda được chọn làm Thống đốc BOE hay ông Mark Carney, người được ngồi 2 ghế thống đốc ngân hàng trung ương...

Trong lịch sử 318 năm tồn tại của mình, đây là một quyết định táo bạo của BOE khi chọn ông Mark Carney là người nước ngoài đầu tiên lãnh đạo BOE. Sự kiện này tương đương như việc Mỹ bổ nhiệm người nước ngoài vào vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này rất khó có thể xảy ra ở Mỹ, song lại đã thành hiện thực ở Anh.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã thông báo quyết định trên ngay tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội Anh.

“Hiện tại, đây là nhân vật tốt nhất, nhiều kinh nghiệm nhất và cũng đáp ứng đầy đủ nhất mọi tiêu chuẩn đặt ra để hoàn thành sứ mệnh Thống đốc BOE. Ông này lại vừa có kinh nghiệm trong điều hành ngân hàng trung ương lẫn lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở khu vực tư nhân”, ông George Osborne nhấn mạnh và khẳng định, sẽ không có khó khăn lớn với ông Mark Carney, bởi hai nền kinh tế Canada và Anh không quá chênh lệch nhau. GDP năm 2011 của Canada đạt 1.750 tỷ USD, trong khi con số này của Anh là khoảng 2.400 tỷ USD.

Bản thân ông Mervyn A. King, đương chức Thống đốc BOE cũng đánh giá rất cao năng lực của ông Mark Carney.

Theo nhiều nhà phân tích, Chính phủ Anh đã tổ chức thi tuyển công khai vào chức vụ Thống đốc BOE cho mọi đối tượng thuộc mọi quốc tịch, nhưng thực ra, ứng cử viên “nặng ký” nhất cho chức Thống đốc BOE lúc đầu là ông Paul Tucker, hiện là Phó thống đốc BOE. Song ông Paul Tucker đã bị mất điểm nặng, sau khi các e-mail trao đổi giữa ông với Robert E. Diamond Jr., Giám đốc điều hành (CEO) Ngân hàng Barclays bị công bố rộng rãi. Theo đó, có đầy đủ cơ sở để nói rằng, ông Paul Tucker đã đi quá xa trong vai trò độc lập của mình, khi ít nhiều bị các ngân hàng thương mại gây ảnh hưởng đến những quyết định trong điều hành lãi suất cơ bản và gián tiếp dính líu đến vụ scandal về lãi suất liên ngân hàng (LIBOR). Vì vụ scandal đầy tai tiếng mà Robert E. Diamond đã bị mất chức. Có nguồn tin cho rằng, vì cay cú không được chọn vào chức Thống đốc BOE, nên ông Paul Tucker sẽ sớm có đơn xin từ chức.

Ông Mark Carney sinh ra và lớn lên ở Canada, tuy chưa mang quốc tịch Anh, song đã sống 10 năm ở Anh. Ông tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ) năm 1988, với bằng cử nhân kinh tế; sau đó có thêm bằng thạc sỹ kinh tế vào năm 1993 và tiến sỹ kinh tế đều của Đại học Oxford (Anh) năm 1995.

Vợ ông là người mang quốc tịch Anh và nhiều khả năng, ông Mark Carney cũng sẽ sớm xin nhập quốc tịch Anh.

Trong số các quốc gia công nghiệp phát triển (G7), Canada ít bị ảnh hưởng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại Ngân hàng Trung ương Canada, ông được đánh giá là đã thành công khi giúp cơ quan này làm tốt mọi chức năng của mình. Không ngân hàng thương mại nào của Canada cần tới sự trợ giúp của Chính phủ.

Phát biểu trong buổi họp báo tại Ottawa (Thủ đô Canada), ông Mark Carney khẳng định, ông muốn ra đi để đương đầu với những thách thức mới. “Tôi sẽ tới nơi nào thách thức là lớn nhất. BOE là nơi như vậy. Một điều rất quan trọng với kinh tế toàn cầu, đó là kinh tế nước Anh phải được vận hành tốt và việc cải tổ hệ thống tài chính phải được hoàn tất”, ông Mark Carney nói và nhấn mạnh sẽ tập trung vào việc “tái cân bằng” nền kinh tế Anh vốn từ lâu dựa quá nhiều vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, nhưng đang bị tác động nặng nề bởi thua lỗ và scandal. Chính phủ Anh đã phải quốc hữu hóa hai ngân hàng thương mại lớn là Royal Bank of Scotland (RBS) và Lloyds Banking Group.

Lương bổng của ông tại BOE cũng sẽ có sự cải thiện đáng kể. Với vị trí mới ông sẽ được hưởng mức lương 600.000 bảng Anh/năm (960.000 USD/năm), trong khi lương của ông ở Canada dao động ở mức trên dưới 500.000 USD.

Tháng 10 vừa qua, ông đã được Tạp chí Euromoney bầu chọn là Thống đốc Ngân hàng Trung ương tiêu biểu của năm 2012 (Central Bank Governor of the Year 2012).

Theo Trung Hiếu (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.