Chuyện các tỷ phú, doanh nhân công nghiệp, công nghệ chuyển sang “nuôi gà, nuôi bò hay bán rau” đã không còn xa lạ. Thế nhưng, nuôi ngựa bạch thì chỉ có trường hợp của Giám đốc Viện Thú y - Hoàng Triều.

Bác sĩ Hoàng Triều. Ảnh: NT.

Ở cái tuổi 76, người ta chỉ nghĩ đến hưởng thụ tuổi già, thế nhưng, bác sĩ thú y Hoàng Triều lại ngược lại. Ông vẫn phóng xe Dream đi làm, thậm chí, nhận cả ca trực đêm ở trang trại ngựa.

Ông giám đốc già làm doanh nhân “bạch mã ôn”

Trong bộ đồ giản dị áo trắng quần kaki đóng thùng, ông Triều tất bật bên chú ngựa bạch mắt lồi ngơ ngác. Với tính kỹ lưỡng và cẩn thận của người trong ngành y, bác sĩ Triều lân la từng mảng da, bộ phận mắt, tai… của con vật, rồi gật gù như vừa khám phá ra một triệu chứng bệnh của loài vật hiền lành này.

Rửa tay để tiếp chuyện chúng tôi, ông Triều cho biết, ngựa bạch không phải là “món” ông lựa chọn kinh doanh ban đầu.

Tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp I, bác sĩ thú y Hoàng Triều là một trong hai người được tuyển thẳng về Bộ NN&PTNT làm việc. Sau 20 năm cống hiến, ông quyết định xin nghỉ khi đang giữ chức vụ Giám đốc Viện Thú y để làm kinh doanh.

Lĩnh vực khởi nghiệp đầu tiên của bác sĩ thú y Hoàng Triều là mở công ty thuốc thú ý, sau chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Tuy nhiên, sau những năm tháng nghiên cứu và trải nghiệm, ông Triều đúc kết: Ngựa bạch mới là một nguồn dược liệu quý, mang giá trị kinh tế cao.

Ông cho biết, gần như tất cả các bộ phận của ngựa bạch đều có thể chế biến thành thuốc quý, có giá cao. Thịt ngựa làm thực phẩm; xương nấu cao; mắt – phổi – móng ngựa có thể chữa các bệnh về mắt, phổi hay bệnh trĩ…

“Một con ngựa bạch trưởng thành có giá dao động 50-70 triệu đồng, trong một con trâu, bò chi phí chăn nuôi tương tự chỉ có giá chưa bằng 1/3. Nếu chăm sóc đúng cách thì ngựa bạch là loài cũng rất dễ nuôi", bác sĩ Triều cho hay.

Theo thống kê của Hội Thý y Việt Nam, hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 400 con ngựa bạch. Tại trang trại ngựa Vạn An của bác sĩ thú y Triều có gần 100 con ngựa bạch, trong đó có 60 con cái sinh sản.

Do đây là loài động vật rất quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao nên nhiều người thường quảng cáo các sản phẩm làm từ ngựa kim, đen, lai làm từ ngựa bạch để đội giá lên cao. Hiện trên thị trường, 1 kg thịt ngựa bạch có giá 250.000 đồng/kg, cao ngựa bạch giá 1-2 triệu đồng/100g (tùy loại).

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, bác sĩ thú y Hoàng Triều cho biết, ngựa bạch toàn thân trắng muốt, 2 mắt có màu trắng mây, không tinh nhanh mà lờ đờ như buồn ngủ, con ngươi có một vành màu đồng lửa bao quanh. Ngoài ra, 4 chân ngựa bạch có móng sừng màu ánh bạc. Mũi, mõm và bộ phận sinh dục có màu hồng đỏ.

Để có được giống ngựa thuần chủng, tốt, ông phải trực tiếp lên Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng… chọn mua. Chính nhờ sự am hiểu của bác sĩ thú y Triều nên nhân viên tại trang trại và người dân quanh vùng thường gọi ông là "bạch mã ôn".
Trang trại ngựa Vạn An tại Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: NT.

… làm giàu trên vùng đất hoang hóa

Sau câu chuyện kể về ngựa, bác sĩ thú y Hoàng Triều dẫn chúng tôi tham quan trang trại Vạn An (tại Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội). Theo bác sĩ, 10 năm trước, vùng này đất này là bãi tuyền lau sậy, hoang hóa ven đê sông Hồng.

Sau khi xin nghỉ hưu để chuyển sang làm kinh tế, ông cùng với bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Hội Thú y Việt Nam, quyết định cùng khai hoang vùng đất này thành trang trại với quy mô 63.000m2.

Sau nhiều năm gian khó để thuần hóa loài động vật quý hiếm này và tìm hướng đi mới cho mô hình kinh doanh trang trại, hiện nay, công ty đã đi vào quỹ đạo và phát triển mạnh mẽ với hàng trăm nhân viên.

Hiện nay, Vạn An là trại ngựa duy nhất của Việt Nam thành công trong việc nhân giống, bảo tồn và phát triển giống ngựa bạch quý hiếm. Điều đáng nói là trại ngựa sản xuất khép kín nhiều thực phẩm chức năng từ ngựa bạch, được nhiều giải thưởng và thương hiệu danh giá.

Hiện nay, ngoài nuôi ngựa bạch thuần chủng, trang trại còn chăn nuôi cả lợn rừng Thái Lan. Đây cũng là sản phẩm được nhiều người dùng ưa chuộng và mang lại giá trị cao.

Năm 2014, bác sĩ Triều và bà Hằng còn thành lập “Trang trại học đường” trên chính mảnh đất này cho hàng vạn học sinh từ các nơi đến tham quan. Theo đó, các em nhỏ sẽ có thời gian trải nghiệm thực tế cũng như nâng cao kỹ năng sống, nhận biết những loại động - thực vật quý hiếm ở Việt Nam.

Hiện nay, trang trại của bác sĩ Triều đã xây dựng được 5 mô hình chăn nuôi ngựa bạch từ 5 đến 10 con tại Điện Biên, Sơn La, Thái Bình, Bắc Giang, Vũng Tàu. Bên cạnh đó, mô hình giữ giống lợn hậu bị rừng Thái Lan cũng được ông mở rộng tại Bắc Giang.

Trí thức trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.