Sắp tới sẽ có một dòng tiền được bơm vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… phát sinh từ Chính phủ để cứu ngân hàng và từ những nhà đầu cơ. Bạn có tiền nhàn rỗi và muốn đầu tư? Trước hết phải hiểu biết toàn cảnh.

Hiện nay người dân vẫn đang đứng giữa ngã ba đường vì không biết chọn lựa kênh đầu tư nào sẽ phù hợp trong bối cảnh hiện nay.


Phải biết muốn gì và dám chịu rủi ro đến đâu


. Phóng viên: Theo ông, sắp tới người dân nên đầu tư vào kênh nào thì thông minh?


+ TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải: Việc đầu tư số tiền vào đâu phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người. Người muốn tiền đẻ ra tiền thì khác với người muốn giữ tiền để đảm bảo nó không mất. Thứ hai, phải tùy thuộc vào mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận được. Có những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để được lời lớn. Nhưng có những người lại muốn sao đồng tiền của mình được bảo vệ, không thất thoát dạng “ăn chắc mặc bền”. Bởi thế nếu tư vấn phải tùy vào mục tiêu và mức độ chịu đựng của mỗi người.


Chẳng hạn với những ai muốn giữ tiền của mình từ năm đến 10 năm mà không mất giá trị, bỏ vào VND sợ lạm phát ăn mòn thì nên mua vàng. Vàng không sinh lợi nhưng nó đảm bảo được giá trị của tiền. Ví dụ: Một lượng vàng là 1.600 USD/ounce thì mất 20 chục lượng ấy mua được chiếc xe Honda Civic. Nếu giữ vàng khoảng 5-6 năm sau, 20 chục lượng vàng ít nhất là vẫn mua được chiếc xe đó. Dù rằng giá chiếc xe đó giá trị lúc này là 600 triệu đồng, đến 5-6 năm sau đã tăng lên 2 tỉ đồng nhưng với giá vàng mới, ta vẫn mua được.


Bất động sản giảm thêm 50% nữa mới đáng mua


. Đó là giữ tiền khỏi mất giá. Còn nếu người dân muốn gửi tiền đồng lấy lời và giữ USD thì theo ông kênh nào sẽ tốt hơn?


+ Muốn gửi ngân hàng thì phải tính sự cân bằng của lãi suất. Nếu lạm phát là 18% mà lãi suất chỉ có 10% nghĩa là đầu tư vào tiền VND sẽ bị mất 8%. Còn nếu lạm phát chỉ 9% mà lãi suất là 12% thì mình lời 3%/năm. Với USD, theo tiên đoán của nhiều chuyên gia, thì có lẽ nó sẽ xuống giá khoảng 1%-2% mỗi năm trong vòng 2-3 năm tới. Vậy nếu lấy số USD đó mà đi đầu tư cái gì khác sinh lợi cao hơn thì vẫn tốt hơn.



Hiện nay giá bất động sản cũng đã xuống rất nhiều so với trước đây, theo ông đây có phải là cơ hội tốt để người dân có tiền nên mua vào?


+ Nếu giá cả thực rẻ thì nên mua, chẳng hạn địa ốc có thể xuống thêm 50% nữa nhưng mình có cơ hội mua chỗ nào mình thích bằng 70%-80% giá hiện nay thì đó là một đầu tư tốt. Bất động sản là một tài sản không bị lạm phát ăn mòn nhưng hiện nay giá bong bóng của bất động sản cao quá, thị trường chưa bắt đáy. Tôi nghĩ bất động sản nên giảm thêm 50% thì mới đáng mua. Riêng giá đất, tôi nghĩ trong hai năm tới sẽ giảm thêm 30% nữa.


Chứng khoán: Đang bị làm giá


. Từ đầu năm đến nay CK đi theo chiều hướng tăng, theo ông có nên sớm trở lại với thị trường này?


+ Thực tình CK đang bị làm giá rất nhiều. Vì để cứu ngân hàng, Chính phủ phải cứu CK. Việc lãi suất giảm hay mở van tín dụng cho một số đối tượng phi sản xuất chẳng qua là giải pháp kích cầu thôi. Trong khoảng 3-6 tháng tới, thị trường CK sẽ được thổi lên khi Chính phủ và ngân hàng bơm tiền vào. Nhưng dòng tiền đó không được nhiều vì Chính phủ cũng sợ lạm phát quay đầu nên không dám in tiền hay đi vay nhiều. Thế nên sau 3-6 tháng dòng tiền này cũng sẽ hết. Đến lúc hết hơi, giá trị lại tiếp tục đi xuống. Đâu lại vào đấy.


Tuy nhiên, có nhiều công ty với giá cổ phiếu dựa trên giá trị thực như mức lời hiệu quả, minh bạch, thị trường có tiềm năng, thương hiệu... thì việc đầu tư lâu dài có thể tốt. Phần lớn các công ty trên sàn hiện nay còn nhiều yếu kém, thông báo tài chính rất đáng nghi ngờ, sở hữu chồng chéo và sự minh bạch không được tôn trọng. Ở một khía cạnh khác, những nhà đầu tư nào thích lướt sóng và biết lướt sóng thì vẫn kiếm được tiền. Khi Chính phủ và ngân hàng kích cầu thì mua vào nhưng sau đó phải rút cho lẹ.


Có một cách khác để kích cầu. Đó là cái bản tính người Việt Nam thích đánh bạc. Nếu Chính phủ muốn thu hút tiền trong dân, có thể cho phép mở 5-6 casino một lúc thì sẽ kích được nguồn tiền vào nền kinh tế. Bởi vì mỗi một casino cần tới vài ngàn nhân viên và cả trăm ngàn khách hàng trong và ngoài nước. Thay vì để tiền nhàn rỗi giấu ở trong nhà, hay chôn ở sau vườn, dân sẽ đào lên đánh. Như vùng Las Vegas, trước đây cũng là sa mạc vắng người nhưng sau khi mở các sòng bạc, lập tức dòng tiền từ mọi nơi đã đổ về đây. Xin xác minh là tôi thuần túy nói về khía cạnh kích cầu kinh tế và không xét về phương diện đạo đức hay xã hội. Tôi rất ghét đánh bạc nhưng số lượng tiền đổ vào vé số kiến thiết hay số đề và các cá cược bóng đá cũng như đem qua Macau, Singapore hay Campuchia là một thực thể kinh tế.


Nguồn vốn lớn: Lòng tin vào chính sách


. Như vậy dòng tiền sắp tới sẽ đi theo xu hướng nào, thưa ông?


+ Vì những điều tôi nói ở trên nên sẽ có một dòng tiền sẽ đi vào bất động sản, CK, ngân hàng… phát sinh từ những nhà đầu cơ. Nhưng phần lớn tiền nhàn rỗi sẽ nằm yên trong túi người dân vì họ không dám nhận các rủi ro.


. Làm sao để có thể đưa số tiền này vào nền kinh tế thưa ông?


+ Tôi nghĩ trong một nền kinh tế thị trường, tất cả đều dựa trên niềm tin. Nghĩa là phải làm sao để người dân tin rằng tiền đó sẽ được đảm bảo không mất giá và có khả năng sinh ra lợi nhuận . Ví dụ: Đồng USD vững mạnh là vì mọi người tin vào sức mạnh, giá trị vững chắc của cơ chế chính phủ và vận hành nền kinh tế Mỹ. Sở dĩ tiền Zimbabwe mất giá và sụp đổ vì người dân không tin vào nó. Thành ra bất cứ một định chế tài chính nào khi không có niềm tin thì cũng không thể tồn tại được. Cũng như như một doanh nghiệp khi khách hàng không có niềm tin thì họ sẽ bỏ đi.


. Nghĩa là ngân hàng phải củng cố và lấy lại niềm tin của người dân?


+ Ngân hàng chỉ là một phần vì ngân hàng chỉ có thể bảo đảm là họ quản lý dòng tiền vững vàng, không phá sản. Giống như một nhà phân phối nước suối, họ chỉ đưa sản phẩm đến khách hàng một cách an toàn, hiệu quả chứ họ không là nhà sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng đây là chai nước suối trong sạch và chất lượng. Vấn đề ở đây là ở vĩ mô, là chính sách của Chính phủ để đồng tiền không bị mất giá. Ngày nào người dân còn tin tương lai bền vững và chính sách của Chính phủ thì còn phát triển. Tất nhiên không chỉ tạo lòng tin của người dân, còn là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài nữa.


Miến Điện: Điểm ngắm mới của các nhà đầu tư


. Ông đánh giá thế nào về nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong thời gian sắp tới?


+ Cách đây 4-5 năm, ở Hong Kong, các quỹ đầu tư nghe nói tôi hay về Việt Nam thường xuyên nên họ đã hẹn gặp và hỏi han về thị trường này, về cơ hội đầu tư và khả năng kiếm tiền ở Việt Nam. Đó là lúc chúng ta vừa gia nhập WTO, một cơ hội chuyển đổi mới ngàn vàng. Tuy nhiên, gần đây tôi không thấy các nhà đầu tư nói về Việt Nam nữa mà họ hay nhắc đến Miến Điện. Bởi vì Miến Điện cũng mới bắt đầu mở cửa nên đây là một thị trường có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn.


. Nghĩa dòng tiền từ các kênh đầu tư nước ngoài sắp tới có thể không nhiều?


+ Hiện nay để cứu doanh nghiệp thì Chính phủ phải đi vay hay in tiền nhưng cả hai đều gây lạm phát. Và cũng không thể làm mãi như thế được, đến lúc nào đó cũng phải ngừng. Mà thuốc thì có thể giảm đau chứ căn bệnh luôn còn đó. Ngoài dòng tiền Chính phủ đưa vào tôi không thấy nguồn tiền vốn đáng kể nào cả.


Doanh nghiệp đa phần kinh doanh bầy đàn


. Vậy theo ông vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?


+ Doanh nghiệp hiện nay đa phần là bầy đàn: Người ta làm sao mình làm vậy, không biết sáng tạo. Có nhiều cách để kiếm vốn từ nhiều kênh khác chứ không phải chỉ xách sổ đỏ đến ngân hàng. Thêm vào đó, doanh nghiệp nước ta sử dụng đòn bẩy quá nhiều. Có một đồng phải vay mượn để làm bảy, tám đồng. Trong khi đó ở Nhật Bản, Mỹ hay các nước Âu châu khác có một đồng thì cùng lắm họ vay thêm một đồng để làm thôi.

. Riêng với các doanh nghiệp còn tiền, theo ông nên đầu tư vào lĩnh vực nào?


+ Nếu doanh nghiệp có tiền mặt nhiều, đang còn thế mạnh thì đây là lúc nên đi mua lại các tài sản rẻ tiền để có những sản phẩm và vị trí vững mạnh hơn trên thị trường.


. Với bản thân ông thì ông lựa chọn kênh nào trong điều kiện này?


+ Tôi không thích may rủi nên không muốn bỏ vào chứng khoán hay một kênh đầu tư mà mình không kiểm soát được. Phải lo giữ tiền của mình. Chẳng hạn trong quỹ của tôi đang còn một khoản dư khoảng 2 triệu USD, chúng tôi vừa mua trái phiếu chính phủ Philippines để hưởng lãi 9%. Theo tính toán thì trong thời gian ngắn hạn sáu tháng tới, tình hình vĩ mô của nước này sẽ không có nhiều thay đổi. Chúng tôi không chọn Mỹ hay Singapore vì ở đây tình hình ổn định, lãi suất sẽ rất thấp…

. Xin cảm ơn ông.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia HN:

Đầu tư vào chứng khoán rất chông chênh


Với những người dân thông thường họ sẽ loanh quanh ở mấy kênh đầu tư như vàng, USD, gửi tiết kiệm, mua đất… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay lạm phát có xu hướng giảm thì người dân có tiền mặt nên gửi tiết kiệm ngân hàng vì lãi suất vẫn ở mức cao. Trong khi gửi tiết kiệm, người dân có thể chờ đợi những thời cơ thuận lợi như việc giá tài sản giảm xuống thì rút tiền và mua vào. Khoảng cuối năm nay đến 2013 sẽ có những đột biến về giá bất động sản, lúc này người nào có tiền mặt là điều rất tốt khi đem ra sử dụng.

Còn mua vàng lúc này không phải là thời điểm tốt vì giá vàng hiện tương đối ổn định. Trong khi đó sắp tới khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi thì giá vàng sẽ tiếp tục hạ. Với đồng USD hiện nay lãi suất không cao, thị trường ngoại hối trong nước cũng tương đối ổn định nên đây cũng không phải là kênh đầu tư tốt. Riêng đầu tư chứng khoán lại đòi hỏi tính chuyên nghiệp và phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố kinh tế vĩ mô. Vì thế việc người dân đầu tư vào kênh này rất chông chênh.


Ông LÝ XUÂN HẢI, Tổng Giám đốc ACB:

Nên đầu tư vào lĩnh vực mình hiểu nhiều


Năm nay theo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm lượng tiền thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Tuy nhiên, lượng tiền trong dân có bao nhiêu phụ thuộc vào hành vi tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay người dân có thể đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán nếu như họ hiểu nhiều về nó. Nếu mình thực sự hiểu biết về một lĩnh vực nào đó thì nên đầu tư vào đó. Hoặc nếu biết không nhiều nhưng vẫn muốn đầu tư vẫn có thể nhờ tư vấn. Còn với những ai không hiểu kỹ về nó thì nên gửi vào ngân hàng lấy lãi vẫn tốt hơn.



Ông ĐẶNG QUỐC TIẾN, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội:

Cân nhắc xem đầu tư dài hạn hay ngắn hạn


Tôi cho rằng vấn đề không phải chọn lựa kênh đầu tư nào mà mình nên chia theo ba mốc thời gian. Đầu tư ngắn hạn là từ ba đến sáu tháng, đầu tư trung hạn là từ một năm trở xuống, còn đầu tư dài hạn là trên một năm. Với những ai đầu tư ngắn hạn thì nên gửi lãi suất lấy tiền tiết kiệm. Còn đầu tư trung hạn thì nên đổ vào chứng khoán vì thị trường chứng khoán có những biến động lên xuống. Nghĩa là có sự dịch chuyển. Mà như vậy thì vẫn tốt cho việc kiếm lời.

Đặc biệt với những ai có nhiều tiền hơn thì đây là việc mua các cổ phiếu của ngân hàng và một số công ty dưới mệnh giá nhưng vẫn đang giao dịch tốt trên thị trường.

Về dài hạn nên đầu tư vào bất động sản. Những căn hộ chung cư dưới 1 tỉ đồng hiện nhu cầu còn nhiều và mua vẫn có lời. Còn dài hạn hoặc các dự án 5-7 năm thì không nên mua.

Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Alan Phan và “những đêm chờ sáng”

    Alan Phan và “những đêm chờ sáng”

    12/09/2014 3:48 PM

    "Tôi sống ở Mỹ từ năm 1963 đến giờ, đời sống rất ít bất ngờ, con người giống như một cái máy, có thể tính toán đến từng phút, từng giây. Nhưng ở Việt Nam, dường như không thể tính toán được".

  • Alan Phan: “Nghịch cảnh thường thể hiện nhân tài…”

    Alan Phan: “Nghịch cảnh thường thể hiện nhân tài…”

    14/10/2012 1:33 PM

    “Tình hình hiện nay rất phức tạp và khó khăn, nhưng “cơn bão” năm Thìn này không nghĩa lý gì khi so lại những trải nghiệm của quá khứ. Tôi nghĩ tiềm lực nội tại của doanh nhân Việt sẽ giúp họ vượt bão và vươn cao hơn khi tình thế xoay chiều”.

  • Doanh nghiệp tư nhân trổ tài kinh doanh đa ngành

    Doanh nghiệp tư nhân trổ tài kinh doanh đa ngành

    07/09/2012 8:03 AM

    Trong khi các tập đoàn nhà nước phải quay về hoạt động chủ chốt thì nhiều ở nhiều doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, danh mục đầu tư kinh doanh có khi dài tới cả trang giấy A4.

  • Đất, tiền, vàng, chứng khoán: Đầu tư vào đâu?

    Đất, tiền, vàng, chứng khoán: Đầu tư vào đâu?

    08/05/2012 3:31 AM

    Sắp tới sẽ có một dòng tiền được bơm vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… phát sinh từ Chính phủ để cứu ngân hàng và từ những nhà đầu cơ. Bạn có tiền nhàn rỗi và muốn đầu tư? Trước hết phải hiểu biết toàn cảnh.

  • Lật ngược vấn đề với Alan Phan

    Lật ngược vấn đề với Alan Phan

    19/03/2012 6:13 AM

    Tiến sĩ Alan Phan cho rằng một khi thị trường chứng khoán còn được bảo bọc thì sẽ mãi còn non trẻ. Và muốn thu hút người chơi, không có cách nào khác là phải cho họ thấy đây là nơi họ có thể kiếm lời một cách minh bạch và thuận lợi.

  • Tiến sĩ Alan Phan: ‘2012 là năm tuyệt vời để kinh doanh’

    Tiến sĩ Alan Phan: ‘2012 là năm tuyệt vời để kinh doanh’

    30/01/2012 2:19 AM

    Ý tưởng thú vị của Tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa nhen nhóm nhiều điểm sáng trên bức tranh kinh tế tưởng rất ảm đạm của kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2012.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Alan Phan