Đất nước đặt lên vai cộng đồng doanh nhân Việt Nam sứ mệnh của người lính thời bình, thì cũng phải đặt niềm tin vào bước chuyển vô cùng quan trọng mà họ đang khởi động để vượt qua khủng hoảng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lúc này, Chính phủ cần có thông điệp thể hiện quyết tâm chính trị trong tái cơ cấu nền kinh tế, dẫn đường cho giới doanh nhân tìm hướng đi mới cho mình.

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh số doanh nghiệp đóng cửa, phá sản ngày càng nhiều thêm. Thậm chí, sự biến mất của một số đại gia bất động sản, tài chính - ngân hàng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của giới doanh nhân Việt Nam, thưa ông?

Trong lúc này, ngay chính giới doanh nhân cũng đang mất niềm tin, mất phương hướng với sự nghiệp của họ. Có người quyết định dừng lại, có người hối tiếc.

Cũng không thể né tránh, trong số lớp doanh nhân hình thành dựa trên bong bóng của thị trường, đã có người “khổng lồ chân đất sét” lộ diện. Họ lớn quá nhanh, không kịp chuẩn bị cả về tầm vóc, quản trị lẫn văn hoá kinh doanh. Điều này khiến họ mong manh trước biến động của thị trường.

Nhưng đó không phải là hình ảnh đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Rất nhiều doanh nhân vẫn cần mẫn với con đường kinh doanh cốt lõi, sáng tạo, thực hành quản trị doanh nghiệp chuẩn mực. Họ có thể không phải là những doanh nhân tên tuổi, quy mô doanh nghiệp chỉ ở mức vừa, nhưng đang vững vàng trồi lên các cơn sóng đầu cơ. Cho dù không tránh khỏi tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế, sự ảm đạm của thị trường và sự khó khăn chung của doanh nghiệp, nhưng với cách đi của mình, các doanh nghiệp này sẽ vượt qua cơn bão một cách bền vững. Nền kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng chắc chắn sẽ có dấu ấn quan trọng của khu vực doanh nghiệp, doanh nhân này.

Thời cuộc đã cho giới doanh nhân những bài học vô cùng thấm thía về sự phát triển bền vững và đang đòi hỏi họ những bước chuyển vô cùng đau đớn nhưng quyết liệt, nếu tiếp tục chọn con đường kinh doanh.

Thưa ông, vào thời gian đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế, mọi người đã nhắc tới cơ hội chuyển đổi về chất trong giới doanh nhân?

Tư duy của đa phần doanh nghiệp Việt Nam là tấn công, ít để tâm tới phòng ngừa rủi ro, đối phó khủng hoảng. Có thể do làn sóng mới đầy hứng khởi của Luật Doanh nghiệp từ năm 2000 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế những năm sau đó đã tạo ra nhiều cơ hội hơn thách thức, khiến nhiều doanh nhân bỏ qua những bài học căn bản, vỡ lòng trong kinh doanh.

Hơn thế, phải thừa nhận là, hệ thống cảnh báo rủi ro từ phía Chính phủ chưa thật sự mạnh mẽ, rõ ràng và đủ sức kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ. Chính sách thiếu nhất quán trong điều hành kinh tế vĩ mô đã tạo nên thói quen “nước đến chân mới nhảy” của không ít doanh nghiệp...

Chính vì vậy, sự chuyển đổi của giới doanh nhân tới đây cần phải có sự dẫn dắt xu hướng của môi trường kinh doanh, từ hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và quan trọng là tư duy về doanh nghiệp, doanh nhân theo hướng mở rộng không gian và tập trung nguồn lực cho các nhân tố phát triển.

Trong bối cảnh này, thông điệp mà ông muốn gửi tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam là gì?

Lựa chọn chủ đề “Giữ vững niềm tin và vững vàng vượt qua thử thách” cho ngày Doanh nhân Việt Nam 2012, VCCI vẫn tiếp tục cổ vũ cho tinh thần doanh nhân, những người chiến sỹ trên mặt trận kinh tế.

Thông điệp quan trọng mà VCCI muốn gửi tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đó là phải trở lại những vấn đề căn bản, bài bản trong tư duy và hành động của doanh nhân. Và, thị trường cũng sẽ hiểu rằng, con đường để trở thành doanh nhân dù rất thênh thang, song khó khăn và đòi hỏi tố chất, tâm lực, tính chuyên nghiệp cao hơn nhiều.

Tuy vậy, điều đó vẫn chưa đủ. Tôi cho rằng, Chính phủ cần phải có thông điệp mạnh mẽ gửi tới giới doanh nhân, để cỗ vũ tinh thần, gây dựng lại niềm tin cho họ.

Trong bước ngoặt lịch sử của giới doanh nhân, tôi muốn nhắc lại bài học từ tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức bắt tay vào điều hành đất nước, không phải vô tình mà giới công thương là giới chức đầu tiên Bác gặp. Và bức thư Bác Hồ gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945 có lẽ là văn kiện đầu tiên của Nhà nước ta về đội ngũ này.

Khi đó, Bác đã viết những lời hiệu triệu vô cùng quan trọng rằng: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng” và “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Thời điểm này, khi cộng đồng doanh nhân đang đứng trước yêu cầu và trách nhiệm thay đổi, họ cần sự hậu thuẫn và dẫn hướng của Chính phủ cho sự thay đổi đó.

Theo Khánh An (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.