CafeLand - Viện nghiên cứu huyết thanh của Ấn Độ và công ty dược phẩm SK Bioscience của Hàn Quốc đã đạt được thoả thuận với đại học Oxford và tập đoàn dược phẩm Anh Quốc AstraZeneca để sản xuất vắc xin chống lại Covid-19.

Đại học Oxford hợp tác với châu Á sản xuất vắc xin chống Covid-19

Vắc xin đã được thử nghiệm với sự tham gia của 1.077 người, cho ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Kết quả được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào ngày 20/7.

Vắc xin Oxford-AstraZeneca là một trong những nhân tố đi đầu trong cuộc đua phát triển tiêm chủng, cùng với các loại vắc xin khác được phát triển bởi CanSino Biologics của Trung Quốc, BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ.

Nếu vắc xin này chứng minh được tính hiệu quả và an toàn, các nhà phát triển sẽ đặt mục tiêu sản xuất hàng năm trên 2 tỉ liều. Để tăng cường năng lực và xây dựng chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu, AstraZeneca và các công ty châu Á đã ký hợp đồng làm đối tác sản xuất.

“Dựa trên sự thành công của các thử nghiệm, chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 60 đến 70 triệu liều mỗi tháng. Chúng tôi cũng đang tìm cách sản xuất khoảng 300 đến 400 triệu liều vào cuối năm nay”, Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ trả lời phỏng vấn.

“Nếu tất cả các kết quả thử nghiệm và phê duyệt diễn ra suôn sẻ theo kế hoạch, chúng tôi hy vọng ‘Covishield’ sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay”, ông Poonawalla cho biết thêm.

Đại học Oxford hợp tác với châu Á sản xuất vắc xin chống Covid-19

Viện nghiên cứu Huyết thanh Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu sản xuất 1 tỉ liều trong năm tới cho Ấn Độ và các nước thu nhập thấp và trung bình khác, ông Poonawalla nói.

Nền kinh tế toàn cầu đã bị phá hủy bởi đại dịch và mọi người trên khắp thế giới đang chờ đợi một loại vắc xin để đưa mọi thứ về quỹ đạo càng sớm càng tốt.

Các quốc gia lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng như các quốc gia châu Âu, đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin ổn định cho dân số của chính họ. Điều cần thiết là phải thiết lập một cơ sở sản xuất lớn để vắc xin có thể được cung cấp cho các nước mới nổi đang trong tình trạng mong manh về tài chính.

Thúy Vi (Nikkei)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.