Thời gian gần đây, nhiều đại gia Việt "rủ nhau" đầu tư chăn nuôi bò sữa. Phải chăng vì những khoản doanh thu siêu lợi nhuận mà sữa mang lại? Hay phía sau đó còn là câu chuyện “trú ẩn” trước cơn bão thị trường?

Ai đang sở hữu nhiều bò sữa nhất?

Sau một khoảng thời gian dài “ăn nên làm ra” nhờ sữa, hiện nay, “cuộc đua tranh” giành thị phần đã có thêm rất nhiều tên tuổi mới và các “ông lớn” này đều không ngại chi mạnh tay cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất sữa.

Điển hình như NutiFood, vào tháng 6/2013, nhà máy sữa bột này được khởi công xây dựng với tổng cống suất 50.000 tấn sữa bột/năm. Ngày 09/6, Nutifood đã “bắt tay” với bầu Đức và Vissan ký hợp tác đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa với 236.000 con.

TH Milk hiện có 45.000 con bò cho sản lượng khoảng 400 tấn sữa tươi/ngày. Với những gì đang có và các kế hoạch sắp triển khai, TH Milk dự kiến sẽ đưa vào vận hành toàn bộ siêu Nhà máy Mega Plant, với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày cho mục tiêu doanh thu 15.000 tỉ đồng (2015) và 23.000 tỉ đồng (2017).

“Ông lớn” chiếm thị phần lớn nhất trong ngành sữa là Vinamilk cũng đang nỗ lực trong việc đầu tư kinh doanh của mình. Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, Vinamilk đã đầu tư khoảng 800 tỉ đồng xây dựng 5 trang trại có quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, trong đó có 8.000 con bò sữa, cho 90 tấn sữa/ngày.

Công ty còn liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con bò trên cả nước, thu mua 460 tấn sữa/ngày. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng tại Tây Ninh (10.000 con bò); Hà Tĩnh (3.000 con bò); Thanh Hóa 1 (Thống Nhất) với 20.000 con bò và Thanh Hóa 2 (Như Thanh) với 3.000 con bò.

Nhiều đại gia Việt "rủ nhau" chuyển sang đầu tư chăn nuôi bò sữa.

Lợi đủ đường

Thời gian gần đây, đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thường kém khả quan khi mang về những khoản lỗ lên tới ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, đầu tư ngoài ngành luôn nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm từ giới đầu tư.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành nào cũng sai lầm. Ví dụ như Hoàng Anh Gia Lai. Động thái đầu tư vào trang trại sữa giúp Hoàng Anh Gia Lai tận dụng được rất nhiều “đồ thải” mà một số ngành nông nghiệp khác của Tập đoàn như mía đường, bắp,… mang lại.

Trong Đại hội cổ đông, bầu Đức rất tự tin khi khẳng định: "Nếu chúng tôi tổ chức nuôi bò thì chắc chắn sẽ không một nơi nào trên thế giới này bằng".

Bầu Đức có lý khi trang trại bò sữa giúp Tập đoàn tận dụng được một số “đồ thải” như bã cọ dầu, 50.000 tấn mật rỉ tại các nhà máy đường và hàng trăm nghìn tấn hạt bắp, thân bắp phụ phẩm.

Những “đồ thải” này hoặc phải bỏ đi, hoặc chỉ được bán lại với giá rất rẻ thì nay trở thành nguồn thức ăn phong phú và chất lượng cho đàn bò. Mà việc cung cấp thức ăn cho bò đã chiếm 70% vốn đầu tư. Điều đó cho thấy, hiệu quả rất lớn mà Hoàng Anh Gia Lai có được khi nuôi bò.

Ngoài nguồn thức ăn thì công nghệ chuồng trại là điều vô cùng quan trọng, tuy nhiên, theo bầu Đức thì các khu đất của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đều gần các dòng sông, đảm bảo thuận lợi cho việc tưới tiêu và thích hợp cho việc trồng cỏ.

Không chỉ nuôi bò, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng để xây nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Trà Đa, tỉnh Gia Lai. Nhà máy này đảm bảo đầu ra cho trang trại bò sữa tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai.

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai còn tận dụng được mối quan hệ với Công ty sữa Nutifood, đơn vị nhanh tay hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai khi U19 Việt Nam tạo “cơn sốt” trong lòng fan bóng đá.

Nutifood cho biết công ty sẽ hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai để mở rộng thị phần sang sản phẩm sữa tươi. Nutifood sẽ đầu tư một nhà máy chế biến sữa tại Gia Lai với kinh phí khoảng 800 tỉ đồng, dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức và Thụy Điển.

Còn với Vinamilk, TH True Milk hay Hanoimilk, lợi ích thu được từ đầu tư vào trang trại sữa là vô cùng lớn. Đầu tiên, các doanh nghiệp này có thể chủ động được nguồn sữa nguyên liệu, chủ động được chất lượng sữa nguyên liệu. Và quan trọng, chi phí nguyên liệu cũng sẽ giảm mạnh.

Đầu tư trang trại bò sữa không chỉ giúp bản thân doanh nghiệp mà còn hỗ trợ nhiều cho toàn ngành sữa. Hiện tại, ngành sữa Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 70-80% lượng nguyên liệu sữa nhập từ nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc dùng sữa nội nhưng 70% số tiền người dân bỏ ra thực chất lại trả cho sữa ngoại.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nhà nước không kịp thời đưa ra quy hoạch phát triển đàn bò sữa, phát triển nguồn cung nguyên liệu sữa nên phần lớn sữa nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Hệ quả là năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên đã phải chi ra 1 tỷ USD để nhập sữa ngoại

Mà giá sữa nguyên liệu thế giới không ổn định, thường có xu hướng tăng cao. Mỗi khi giá sữa nguyên liệu “leo thang”, người tiêu dùng trong nước lại méo mặt vì giá sữa tăng vù vù. Thị trường Việt Nam thường xuyên phải chứng kiến cảnh giá sữa nhảy vọt vài lần trong một năm.

Năm nay, sau khi Bộ Tài chính áp giá trần cho hàng loạt sữa trẻ em, người tiêu dùng vẫn chưa hết lo vì các công ty hoàn toàn có lý do tăng giá sữa khi giá sữa nguyên liệu nhập khẩu tăng. Mà mới đây, đại diện Vinamilk cho biết hiện nguồn cung nguyên liệu đang rơi vào tình trạng khủng hoảng khi giá liên tục tăng cao. Vì vậy, không ai dám đảo bảo giá sữa sẽ không có thêm những đợt tăng mới trong năm nay dù vừa giảm theo quy định giá trần.

Thế nên việc các công ty đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa sẽ giúp ngành sữa Việt Nam chủ động nguồn sữa nguyên liệu hơn, giảm phụ thuộc vào sữa nhập ngoại. Và như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá tốt hơn.

Ngọc Anh (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.