Instagram và Facebook từ lâu trở thành một thói quen mà ít người còn phân vân về việc dành lượng lớn thời gian trong ngày cho chúng.
Christina Farr, nữ phóng viên công nghệ sức khỏe của CNBC, cũng có những người bạn tin tưởng mạnh mẽ vào sứ mệnh đem con người xích lại gần nhau hơn của mạng xã hội.
Tuy nhiên, cùng với đó, Delete Facebook (xóa Facebook) trở thành từ khóa được tìm kiếm hàng đầu trên Google 5 năm qua và một phong trào có thực đe dọa công ty của Mark Zuckerberg.
Từ tháng 8, Farr đã thực hiện một "quyết định lớn" trong đời: gỡ hai ứng dụng Facebook và Instagram khỏi điện thoại; đồng thời đăng xuất các website của chúng. Cô chưa hề trở lại kể từ ngày ấy và cũng không thấy nhớ.
Christina Farr là phóng viên công nghệ. Ảnh: Twitter.
Thời điểm Christina Farr bỏ dùng Facebook và Instagram là khoảng thời gian hai ứng dụng này giới thiệu tính năng quản lý thời gian sử dụng cho người dùng, thống kê bao nhiêu giờ đồng hồ họ bỏ ra trên mạng xã hội. Với tính năng mới, Farr mới biết mình dành hơn 5 tiếng mỗi tuần riêng cho Instagram, không như hình dung chỉ 1-2 tiếng.
Điều đó làm cô kinh ngạc, vì mới đầu cô chỉ định mở nó mỗi khi xếp hàng mua cà phê hoặc đi Uber – những thời điểm không có gì khác để làm.
Khi bắt đầu nhấn nút theo dõi các stylist, doanh nhân, những người ảnh hưởng có hồ sơ hào nhoáng khác là lúc Farr quy chiếu thành công của họ với mình. Không ít đêm, cô lôi điện thoại ra lướt để tìm cảm hứng cho bữa ăn hay bộ đồ mặc tiếp theo.
Con số 5 giờ mỗi tuần của Farr không nhiều nhưng khiến cô băn khoăn đã có thể dành nó cho việc đọc sách, tình nguyện, gặp bạn bè, hay học thêm ngôn ngữ mới.
"Có khi tôi nói trôi chảy tiếng Pháp trở lại nếu ngừng dùng những ứng dụng này một thời gian", cô nói.
'Bắt cóc tâm trí'
Bỏ mạng xã hội gợi nhớ lại quãng thời gian cố bỏ cà phê của Farr. Giống việc thiếu caffeine, thiếu Instagram khiến cô thấy bứt rứt và trống rỗng. Đôi khi, Farr vô thức gõ chữ cái "F" trên trình duyệt trước cả khi kịp nhận ra muốn vào Facebook.
Nữ phóng viên nhớ lại một bài phỏng vấn cựu giám đốc dự án của Google và được nghe mô tả rằng mạng xã hội đang "bắt cóc tâm trí chúng ta".
Anh này ví tâm trí con người như "bát không đáy" trong khi phát minh bảng tin của Facebook được thiết kế để dụ người dùng kéo xuống không có điểm dừng, ở lại đọc các nội dung lâu hơn rất nhiều so với ý định ban đầu.
Nguyên nhân khiến Farr xa dần Facebook từ vài năm trước là cô bắt đầu thấy những bài đăng của mình không nhận được nhiều tương tác từ người dùng khác.
Một vấn đề nằm ở cách thay đổi thuật toán hiển thị của Facebook khi hồi tháng 1 họ thông báo sẽ ưu tiên hiện những "tương tác xã hội có ý nghĩa" thay vì nội dung đơn thuần. Điều này càng quan trọng với công việc phóng viên của Farr.
Cô trở nên mệt mỏi với những màn đá qua đá lại của bạn bè về các vấn đề chính trị, cũng như suy nghĩ vẩn vơ của những người mình ít quen biết. Farr thừa nhận gần đây, Facebook thành trào lưu trong cộng đồng phụ huynh thay vì thế hệ trẻ của cô, thế nên cô dễ dàng bỏ nó.
Ngoài ra, Snapchat chủ yếu dành cho sinh viên, không làm người ngoài 30 như Farr lưu tâm nhiều; còn tài khoản Twitter được duy trì để phục vụ công việc.
Với Farr, Instagram mới là thứ khó bỏ nhất.
Farr du lịch đảo Santorini, Hy Lạp và đã quen với việc đăng ít ảnh hơn lên Instagram hay Facebook.
'Giải độc' mạng xã hội
Tới tuần thứ tư của quá trình mà Farr gọi là "detox mạng xã hội", cô nhận thấy các góc nhìn cuộc sống của mình thay đổi.
Khi dùng Facebook và Instagram, cô bị chi phối bởi những dấu mốc cuộc đời của người khác như: đám cưới và đính ước của họ, du lịch thế giới, sinh con đẻ cái, công việc mới... và áp đặt cho cuộc sống của bản thân, thành ra tự hạ thấp trải nghiệm sống xen giữa những cột mốc đó.
"Nếu không nghĩ ra cái gì đăng Facebook tiếp theo, tôi cảm thấy như thể chẳng có gì đáng kể diễn ra trong đời tôi. Càng lúc tôi càng bị thúc ép phải lên kế hoạch cho điều nào đó lớn lao hoặc tạo ra thay đổi để không lạc nhịp", cô kể.
Nhưng không có mạng xã hội, sức ép đó tan biến với Farr. Cô đón nhận những khoảnh khắc đời sống dung dị hơn và tập trung nhìn lại những gì đang có – công việc tốt, cộng đồng tuyệt vời, những người bạn sẵn sàng hỗ trợ... Cô thảnh thơi tận hưởng thời gian thay vì chạy đua đến một cái đích.
Farr quay sang tìm hiểu các nghiên cứu mới nhất liên quan đến tác động của việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên. Nghiên cứu trên một nhóm sinh viên chỉ ra rằng sau khi họ hạn chế dùng mạng xã hội thì các triệu chứng trầm cảm cũng giảm mạnh.
Ngoài ra, một khảo sát tại Anh cho kết quả Instagram là mạng xã hội làm tổn hại tinh thần giới trẻ trầm trọng nhất, bằng việc gây ra nguy cơ trầm cảm, lo âu và cô độc cao hơn cả.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những nghiên cứu này mới ở giai đoạn chớm, còn quá sớm để kết luận, bởi mỗi người phản ứng với công cụ mạng theo cách khác nhau. Ngoài ra, một vấn đề cần bàn là liệu chính mạng xã hội trực tiếp gây lo âu, hay do thôi dùng Instagram con người mới có thời gian làm những việc khiến họ hạnh phúc như tập thể dục, tâm sự với bạn bè hoặc đọc sách.
Dù thế nào, Farr kết luận thử nghiệm của mình: "Tôi bắt đầu cảm thấy hạnh phúc và nhẹ nhõm hơn".
Cô cảnh báo ai có ý định thực hiện trải nghiệm tương tự hãy thông báo trước cho gia đình và bạn thân, vì họ có thể gắn nhãn hoặc đề cập bạn trong các bài đăng mà không thấy bạn nói gì. Thêm vào đó, cũng nên xem xét kỹ có thực sự cần từ bỏ toàn bộ tương tác mạng xã hội hay chỉ bỏ thói quen liên tục "check" chúng.
Cuối cùng, phải tập sống chung với thực tế sẽ bỏ lỡ những sự kiện chỉ được truyền thông qua Facebook. Ngoài những điều trên, về phần mình, Farr không luyến tiếc gì.
-
Cuộc sống mới sau khi 'detox mạng xã hội' của nữ phóng viên Mỹ
11/12/2018 7:57 AMGỡ Facebook và Instagram khỏi điện thoại, Christina Farr không còn mệt mỏi chạy đua mỗi ngày mà thảnh thơi tận hưởng cuộc sống.