Trị giá, mỗi bình rượu có thể là vài trăm triệu đồng, thậm chí những bình rượu độc đáo có thể lên tới tiền tỷ.

Rượu ngâm tự truyện

Ông cầm tinh con rồng, tên Long họ Nguyễn thuộc dòng danh gia vọng tộc. Thời trẻ ông vốn là tay kinh doanh bất động sản có hạng. Nay buông việc kinh doanh thu bộn tiền một thời ấy, chỉ vui thú với nghề kinh doanh dụng cụ thể thao. Tôi biết ông trong một chuyến tình cờ, từ rất lâu rồi, tôi đi xem người ta săn rắn hổ mang chúa, mà không ngờ người bỏ tiền thuê cả đội săn lại là ông Nguyễn (cánh thợ săn gọi ông như vậy và tôi quen rồi cũng chỉ gọi ông là Nguyễn).

Bộ sưu tập rượu ngâm của cự phú trong bài viết

Ngay giữa Hà Nội ông sở hữu riêng cho mình 50 bình rượu cũng là kỷ lục lắm rồi. Rượu ngâm bày ra gian hàng kinh doanh đồ thể thao, trên bậc cầu thang lên tầng. Cũng phải nói ông thuộc hàng “đại gia” của Hà Nội, ngôi nhà xây cho con trai tại phố Ông Ích Khiêm bàn ghế, giường nằm được làm hoàn toàn từ gỗ sưa, tranh đá quý treo ra ngoài hành lang. Trong căn nhà thiết kế theo kiểu cổ ấy, ông cũng có vài bình rượu quý “ký gửi”. Nhìn những bình rượu ấy, tôi liên tưởng đến những phòng thí nghiệm bảo tồn động vật thì đúng hơn. Bởi lẽ, cỡ bình quá lớn và hầu như đầy đủ các loại “cốt” động vật có thể ngâm rượu mà nghe nói khoẻ cho nam giới đều có trong bộ sưu tập của ông Nguyễn.

Mê rượu ngâm từ thời trẻ, vì thế trong mỗi chuyến đi ông Nguyễn đều cố tìm cho mình một thứ gì đó để ngâm rượu. Không phải như người ta thích là tự ngâm, chẳng biết có lợi cho sức khoẻ hay không. Ông Nguyễn vốn là người cẩn thận nên mỗi loại “cốt” ông kiếm được đều nhờ chuyên gia đông y và thợ có thay nghề cao đến ngâm rượu. Công phu lắm, ngâm rắn phải sử dụng rượu quê mà phải đúng nếp cái hoa vàng, ngâm tắc kè ông lại tìm thợ vùng biển, rượu ngâm cũng phải sử dụng loại đặc biệt.

Chuyến đi xa nào, khi trở về, ôm được bình rượu ngâm về là thành công lớn trái lại, về tay không mặc dù chuyến đi thu bộn tiền với ông chưa như ý. Ông coi những bình rượu của mình là vô giá, bởi vì tính ra chi phí thì không thể tính toán được. Trong câu chuyện kể của ông gợi tôi nhớ về thời tôi còn nhỏ theo đoàn đi săn rắn hổ mang chúa mà bình rượu ấy đến nay vẫn còn giữ nguyên xi gắn trong bộ rượu ngâm của ông.

Hồi ức những cuộc “săn” rượu ngâm

Ngày ấy, ông đi qua vùng quê Phú Thọ, một vùng trung du với đồ rừng lúp xúp. Nghe người dân kháo nhau ở đấy có cặp hổ mang chúa, vậy là ông Nguyễn tung tiền thuê thợ săn rắn chúa. Tay săn cự phách là có tên là Nguyễn Hữu Phương tập hợp thêm vài người nữa thành đội săn do ông Nguyễn chi tiền. Nhà Phương ở cuối thôn, nương vào lưng một quả đồi lại gần với bãi tha ma. Những năm đó, môi trường còn lành lắm nên rắn cứ bò vào nhà như cơm bữa. Phương quá quen với rắn vào nhà, bởi nếu không gây sự với rắn thì nó cũng hiền khô. Vợ Phương, mỗi sáng sớm thức dậy thổi cơm vẫn phải làm động tác gõ vào cánh cửa để đuổi những con rắn nước, rắn hổ mang chì, thậm chí hung dữ hơn là hổ mang bành vào khoanh tròn nơi bếp tro.

Nhưng cũng có phen cả 4 người nhà Phương hoảng sợ khi cặp rắn hổ mang chúa mò vào nhà. Cả nhà Phương đi ăn giỗ, tối về nhà, vừa mở hé cửa thấy tiếng rắn thở phì phì, phun lọc phè phè. Biết có rắn dữ, vợ vào bếp đốt bùi nhùi rơm (ngày ấy quê Phương còn chưa có điện) lấy gậy gõ mãi đôi rắn mới kéo đi.

Nghe tin ông Nguyễn bỏ tiền thuê săn đôi rắn ấy, Phương nhận lời ngay. Lần theo dấu vết, Phương và cánh thợ săn biết được hang rắn nằm ở một gò đất gần bãi tha ma. Những đêm trăng suông, hầu như các loài rắn đều ra khỏi hang, có lẽ chúng thích thứ ánh sáng bàng bạc, hơi lạnh hơi rờn rợn ấy. Cứ những đêm trăng như vậy, Phương mang đèn pin, cùng cái kẹp ra nghĩa trang kiểu gì cũng bắt được trên chục con rắn các loại. Nhưng lần này, mục tiêu lại là cặp rắn hổ mang chúa, hung dữ và rất khôn ngoan.

Đêm sáng trăng, Phương cùng đám thợ săn mang đồ nghề ra nghĩa trang phục. Rắn hổ mang chúa xuất hiện, một tay trong đội săn nóng lòng rọi đèn vào cặp rắn. Một phản xạ cực nhanh, đôi rắn ngỏng cao đầu, rướn mình lên lao thẳng vào nơi có ánh đèn tấn công. Con chó săn của Phương bị nọc rắn phun mù mắt lăn lộn sủa ăng ẳng. Một người trong đoàn, bị rắn đớp hụt ngón chân, vết răng rất nhẹ, nhưng cũng phải tự cầm dao chặt đi ngón chân của mình. Loại rắn ăn sương, sống nơi bãi tha ma nọc đọc lắm, nếu không xử lý nhanh khi bị nó cắn chỉ còn nước vài phút sau chỗ rắn cắn tím bầm, sưng to, nọc rắn chạy vào tim là đi đứt. Chuyến săn thất bại, nhưng ông Nguyễn cũng chi cho đội săn rất hậu. Tính ra tiền bây giờ cũng mất hơn hai trăm triệu đồng.

Vẫn theo đuổi cặp rắn ấy, tháng sau lại một đêm trăng suông, đội săn lại vào cuộc mới. Lần này, cặp rắn khôn hơn, nó không chịu bò ra. Khua khoắng thế nào nó cũng không xuất hiện. Ngày hôm sau, cả đoàn săn quyết định tấn công vào tận hang. Họ đào lật gần hết quả đồi, thì đôi rắn xông ra. Cuộc chiến giữa người và rắn diễn ra rất quyết liệt, cuối cùng cặp rắn cũng bị bắt sống.

Ông Nguyễn mừng ra mặt, ông thuê thợ làm rắn, ngâm rượu ngay tại chỗ. Ông dự tính mang bình thửa từ Bát Tràng rất to, nhưng một bình không thể ngâm được cả đôi rắn. Thôi đành, mỗi con ngâm vào một bình. Ông Nguyễn bảo: “Ngày ấy, một con cân được 5,6 kg, còn một con to hơn được 7 kg. Đây là hai bình rượu mà tôi đã bỏ nhiều công sức nên quý lắm”.

Đặt ở vị trí khá dễ nhìn là bình rượu ngâm nhân sâm ngàn năm tuổi. Không biết nó thật sự có bao nhiêu tuổi, nhưng củ sâm to gần bằng đứa trẻ. Ông Nguyễn nói, tôi sang Hàn Quốc, mua được nó mang về. Người dân bản địa bảo đó là sâm ngàn năm tuổi. Giá mua ngày ấy khoảng 10 ngàn “đô”. Chi phí cho ngâm cũng kha khá. Nhưng thứ rượu ấy đàn ông, đàn bà đều uống rất tốt.

Rồi lại chuyện, bình rượu tắc kè hoa được kết thành hàng như người ta đan nan vậy. Bình rượu này có 47 con. Một ông thầy nói rằng, đến tuổi ấy ông Nguyễn gặp nạn nên phải làm đồ thế mạng. Vợ thì lo cúng chùa giải hạn, nhưng với ông Nguyễn lại có cách làm riêng của người mê rượu ngâm. Ông đi tìm mua đủ 47 con tắc kè hoa, thuê người ngâm coi đó là vật tế, giải đi những tai ương của bản thân. Bình rượu ấy là đoạn kết của cuộc săn lùng “cốt” động vật ngâm rượu của ông Nguyễn.

Ngại “mang tội, nhưng chỉ vì... mê”

Thấy tôi lấy máy, chụp ảnh, ông nói: “Chụp thoải mái, nhưng đừng có chụp hình tôi. Viết báo đừng có nêu tên tôi…kẻo lại bị mang tội”. Tôi đùa, “biết tội mà sao ông vẫn ôm khư khư những bình rượu độc nhất vô nhị ấy”. Ông cười: “Mê quá rồi. Hơn nữa, những bình rượu với “cốt” quý ấy, tôi ngâm cách đây 20-30 năm rồi. Ngày ấy, nhiều động vật chưa được liệt vào “sách đỏ”, người ta vẫn đi săn, bày bán động vật hoang dã công khai. Còn bây giờ, vẫn mê rượu ngâm nhưng tôi có dám đầu tư làm bình rượu động vật mới nào đâu. Mình cũng có ý thức bảo vệ thiên nhiên hoang dã chứ”.

Phút... hối ăn năn(?!)

Trút được bầu tâm sự với cố nhân, ông Nguyễn trong men rượu lâng lâng, nói như tự sự: “Thời trẻ tôi mê rượu ngâm là thế. Giờ thì đầy đủ thứ mình thích rồi. Nhiều lúc tôi cũng suy tư về việc truy lùng động vật quý ấy”. Nhìn sâu vào trong tâm tưởng của ông Nguyễn, tôi thấy có sự hối cải. Dẫu biết thời kỳ ấy, những động vật hoang dã còn nhiều và chưa bị cấm ráo riết như hiện nay. Nhưng tôi vẫn buồn, không biết những loại động vật nào vẫn ngày đêm bị thợ săn truy lùng để thành món nhậu, rượu ngâm cho những “đại gia” thích chơi khác người.

Theo Người Đưa Tin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.