Theo công bố của tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 là -0,26%, mức tồn kho vẫn lớn, sức mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ vẫn rất yếu và hoạt động sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn.

Hàng tồn kho đang gặm mòn vốn của nhiều doanh nghiệp.

Hàng tồn kho đang gặm mòn vốn của nhiều doanh nghiệp.

Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một số vấn đề xung quanh chỉ số này.

Thưa ông, CPI mấy tháng gần đây liên tục giảm và trong tháng 6 này đã âm. Số liệu mới của tổng cục Thuế cho thấy số lượng doanh nghiệp thua lỗ và phá sản vẫn tăng nhanh. Đây có phải là dấu hiệu kinh tế giảm phát?

CPI giảm có điểm tích cực là lạm phát trong sáu tháng đầu năm đã được kiềm chế, kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, điều này lại phản ánh sức mua của người dân giảm nhiều, thể hiện qua việc rớt hạng xuống vị trí thứ 23 trong số 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm nay, mà hãng tư vấn A.T. Kearney mới công bố. Thậm chí, sức mua của dân cư đã đến mức cạn kiệt là điều đáng lo ngại. Bên cạnh đó, việc CPI giảm cũng có đóng góp của các yếu tố quốc tế, như giá xăng và giá gas giảm do suy thoái kinh tế, dẫn đến việc giảm giá xăng trong nước lần thứ tư liên tiếp.

Tôi muốn nói thêm yếu tố cung ứng tiền tệ và tín dụng, sáu tháng cuối năm bắt đầu sẽ tăng trưởng để cứu thị trường bất động sản, đẩy mức tín dụng lên thì có nguy cơ lạm phát sẽ trở lại. Lúc đó nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát tăng lên, là điều không nên.

Thưa ông, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố kinh tế đã qua thời kỳ khó khăn nhất. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Tôi không thấy có gì chứng minh điều đó. Món nợ của các ngân hàng thương mại còn đó, tồn kho của các doanh nghiệp còn đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng cửa, đề án tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa được thực hiện... Nếu nói kinh tế đã qua thời kỳ khó khăn mà chỉ đồng nghĩa với đơn giản không làm gì thì quá dễ dàng.

Với một trong các vấn đề nổi cộm là hàng tồn kho, tôi cho rằng đang có khó khăn trong việc đưa hàng về nông thôn. Nông dân vẫn có sức mua thì hãy cố gắng làm việc đó. Nhà nước có thể trợ giá, phát phiếu mua hàng bù lỗ... Nhưng điều đó bây giờ cũng khó khăn, vì doanh nghiệp khó khăn thì ngân sách cũng bị ảnh hưởng.

Vậy đâu mới là “đáy” của nền kinh tế, thưa ông?

Đáy kinh tế không phải cơ học như đáy giếng mà nó là di động, đáy của quý 1 có thể chưa phải là đáy của quý 3. Do đó không biết trước sẽ như thế nào.

Theo ông, những giải pháp vừa rồi Chính phủ đặt ra để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã đầy đủ?

Chính phủ ban hành nghị quyết 13, tại TP.HCM cũng đã cử năm đoàn công tác do các phó chủ tịch UBND thành phố đi đôn đốc tình hình. Nút thắt của tình hình chính là nợ xấu và hàng tồn kho, do đó cần có tiền, có quỹ bảo lãnh tín dụng, có thế chấp tài sản, có thêm các nguồn vốn...

Với nghị quyết 13, Chính phủ cam kết hoãn, giãn thuế cho các đối tượng là doanh nghiệp đang hoạt động nhưng con số đó lại không nhiều lắm. Các công ty đang hoạt động cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Làm sao giải quyết hàng tồn kho, phải có biện pháp kích cầu, ví dụ như xây dựng đường sá ở nông thôn để tiêu thụ hàng tồn ximăng, sắt thép... Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể chấp nhận thế chấp bằng hàng tồn kho để doanh nghiệp vay vốn. Vừa rồi siêu thị Nguyễn Kim cũng có chính sách cho người tiêu dùng mượn tivi để người dân xem Euro, sau đó nếu có nhu cầu thì họ mua...

Nền kinh tế vẫn còn diễn biến xấu, với góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông thấy có lối thoát nào?

Tôi cho rằng lối thoát là phải có quyết tâm chính trị lớn song song với quyết tâm cải cách. Cần phải cải cách cả Vinashin cũng như “Vina cho”, bởi chính cơ chế xin – cho là nguồn gốc của các sai phạm, phải cải cách thể chế, ban hành các quy định để xử lý các sai phạm của các cơ quan nhà nước, chứ không phải chỉ là sai phạm từ doanh nghiệp.

Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.